Hơn 20 năm cuối đời, nhà thơ Thanh Tùng rời phố cảng Hải Phòng hành phương Nam. Ngoài bài thơ Thời hoa đỏ nổi tiếng thì ông còn có một tác phẩm quan trọng ít người biết đến là Trường ca phương Nam.
Hơn 20 năm cuối đời, nhà thơ Thanh Tùng rời phố cảng Hải Phòng hành phương Nam. Ngoài bài thơ Thời hoa đỏ nổi tiếng thì ông còn có một tác phẩm quan trọng ít người biết đến là Trường ca phương Nam. Mới đây, vào đúng sinh nhật lần thứ 84 của nhà thơ Thanh Tùng (7-11-2019), Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP.Hải Phòng tổ chức hội thảo Thơ Thanh Tùng, còn đây một thời hoa đỏ tại Hà Nội.
Nhà thơ Thanh Tùng lúc sinh thời và con gái Lan Hương. Ảnh: N.X.Quỳnh |
Trong bài thơ Hải Phòng lúc ra đi, nhà thơ Thanh Tùng đau đớn xuống bút:
Máu tôi còn đủ đỏ
Để phương trời nơi ấy cháy thành tro
Rồi khi lang thang đến xứ Đồng Nai, ông đã cảm hứng viết bài Xuân Lộc, trong đó có 2 câu đầy nỗi niềm:
Chợ đã tan tôi còn quanh quẩn mãi
Như còn hò hẹn với một ai
Thanh Tùng là vậy, bất cứ ở đâu cũng có thể là chất liệu, mạch nguồn sáng tạo cho thơ. Mỗi vùng đất đặt chân đến ông đều đắm say như người tình. Nhưng thơ ông không phải là loại thơ nhật ký, thù tạc, tả tình tả cảnh, mà là thứ thơ nghệ thuật đích thực và tràn đầy xúc cảm. Như trong bài Cần thơ, ông gây bất ngờ với cặp lục bát hiếm hoi:
Em ơi đến với tôi không
Để mai lúa trổ đòng đòng vào thơ
Sinh thời, Thanh Tùng là nhà thơ có sức đi, sức viết mạnh mẽ. Ông tên thật là Doãn Tùng, sinh năm 1935 ở Nam Định nhưng lớn lên tại Hải Phòng và mất tháng 9-2017 ở TP.Hồ Chí Minh. Khởi đầu là giáo viên thể chất, ông chuyển sang làm công nhân khuân vác, đóng tàu, áp tải, bán sách… rồi cuối đời biên tập báo chí. Vốn sống phong phú ấy đã trở thành thi liệu cho thơ Thanh Tùng, đưa ông trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu viết về công nhân cũng như của thế hệ thơ kháng chiến chống Mỹ.
Nhân dịp hội thảo, tuyển tập Thơ Thanh Tùng, còn đây một thời hoa đỏ đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Còn nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán đã mang đến tặng cho Doãn Lan Hương (đại diện gia đình nhà thơ Thanh Tùng) 2 bức ảnh quý: Chân dung Thanh Tùng, Nhà thơ Thanh Tùng và nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng. |
Thời hoa đỏ là tên bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Thanh Tùng được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, đồng thời cũng là tên tập thơ được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng vào năm 2002. Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ… - giai điệu đã chắp cánh lời thơ bất tử: Em không đi hết tháng ngày đắm say/ Hoa đặt vào lòng ta những vệt đỏ/ Như vết xước của trái tim/ Và như máu ứa một thời trai trẻ.
Ngoài Thời hoa đỏ, nhà thơ Thanh Tùng còn có 3 bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc được đông đảo người nghe yêu thích là Người về, Hà Nội ngày trở về và Mùa thu giấu em. Câu thơ “vội vã trở về, vội vã ra đi” trong bài Hà Nội ngày trở về cũng đã thành lời hát bay bổng và câu nói quen thuộc của không chỉ người Hà thành:
Vội vã trở về, vội vã ra đi
Chẳng kịp nhận ra từng con phố
Nhưng trong tôi vững bền đến thế
Những chiếc lá nhìn tôi vẫn mắt tuổi học trò
Những vòm cổ nghiêng xuống tôi hơi ấm
Thầm thì lời của rêu phong
Sâu đến nỗi bàng hoàng lạc tới ngàn năm
Nhận định về thơ Thanh Tùng, nhà phê bình Đặng Huy Giang rất chí lý: “Phần bản-năng-thi-sĩ trong con người Thanh Tùng rất lớn. Ông như được trời sinh ra để làm thơ. Trong ông luôn dồi dào cảm xúc và sẵn nguồn thơ, đến nỗi thơ lúc nào cũng đầy ứ và chỉ chực tuôn trào. Vì lẽ ấy mà về mặt hình thức, thơ Thanh Tùng luôn tràn ra ngoài mọi khuôn phép. Ông không bao giờ lệ thuộc vào hình thức và cũng không bao giờ ông coi trọng hình thức”. Và cũng theo Đặng Huy Giang: “Thanh Tùng là người kết nối, kích hoạt cảm xúc thơ, mỹ cảm thơ đến độc giả. Và ông cũng là người truyền cảm hứng thơ tới độc giả. Làm được như thế không phải dễ! Đó cũng là một phần làm nên giá trị và vai trò thơ Thanh Tùng”.
Cuộc đời nhà thơ Thanh Tùng tài hoa, lãng tử và lận đận. Lận đận trong cuộc sống riêng tư. Lận đận trên đường mưu sinh. Tuy nhiên, đổi lại ông có được nhiều bạn bè yêu quý và cô con gái giỏi giang hiếu thảo Doãn Lan Hương đã lo chu đáo cho cha đến khi ông vĩnh viễn nằm xuống và lưu giữ, tôn vinh sự sáng tạo của đấng sinh thành.
Nhà thơ Thanh Tùng đã ra đi nhưng vẫn lưu dấu phương Nam bằng một trường ca đầy nghĩa tình, như thay lời cảm ơn vùng đất mở rộng vòng tay chào đón ông. Vì vậy, tôi có cảm giác hồn thơ ông vẫn “quanh quẩn mãi” đâu đây vì “Như còn hò hẹn với một ai” giống ngày xưa ông ngơ ngác giữa chợ Xuân Lộc.
Nguyễn Phan Huỳnh