Văn hóa

Quan tâm trùng tu, tôn tạo di tích

Tròn 1 năm kể từ ngày Đồng Nai thực hiện phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa nhằm phát huy giá trị của di sản, mặc dù các địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng đều nỗ lực đẩy mạnh hoạt động trùng tu và tôn tạo, không để di tích phải "kêu cứu".

Tròn 1 năm kể từ ngày Đồng Nai thực hiện phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa nhằm phát huy giá trị của di sản, mặc dù các địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng đều nỗ lực đẩy mạnh hoạt động trùng tu và tôn tạo, không để di tích phải “kêu cứu”.

Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) khởi công trùng tu, tôn tạo vào ngày 3-1 vừa qua. Ảnh: L.Na
Di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) khởi công trùng tu, tôn tạo vào ngày 3-1 vừa qua. Ảnh: L.Na

Ngoài việc ưu tiên cho các di tích bị xuống cấp nặng bằng nguồn kinh phí từ ngân sách hằng năm, công tác trùng tu, tôn tạo di tích đã có sự chung tay của cộng đồng.

* Chú trọng trùng tu, tôn tạo di tích

Với lịch sử hơn 320 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai đã tích lũy được một kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh có 57 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích đã được quan tâm, đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (huyện Vĩnh Cửu), Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (huyện Trảng Bom), mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp (huyện Long Thành)…

Bảo tàng Đồng Nai vừa hoàn thành công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng (hạng mục: chánh điện) di tích đình Phú Mỹ, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Theo Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Xuân Nam, đây là công trình do Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh (nay thuộc Bảo tàng tỉnh) thực hiện trong năm 2018. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt công trình, bảo tàng đã bắt tay ngay vào bảo quản, tu bổ các hạng mục hoành phi, câu đối, khám thờ, bàn thờ… tại di tích, đến nay cơ bản đã hoàn thiện.

Cũng trong năm 2019, ngành Văn hóa đã tham mưu, hướng dẫn hồ sơ và thủ tục cho các huyện và thành phố trong trùng tu, tôn tạo di tích theo phân cấp quản lý. Trong đó, trình UBND tỉnh xin chủ trương cải tạo, tu bổ tháp Phật tại Cụm di tích đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa (TP.Long Khánh); tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa); thực hiện chỉnh lý hồ sơ khoa học di tích chùa Đại Giác, chùa Long Thiền…

Tại huyện Vĩnh Cữu, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã và đang thực hiện dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo các hạng mục: xây dựng biểu trưng Chiến khu Đ ở ngã ba đường vào 3 di tích: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, di tích địa đạo Suối Linh và Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ; nâng cấp nhà trưng bày, xây dựng nhà bia, cải tạo nhà vệ sinh hiện hữu của Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ;

Mới đây nhất, di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức “động thổ” khởi công mở rộng, tu bổ và tôn tạo sau nhiều năm (bắt đầu từ năm 2013) tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án... Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần kiến trúc và xây dựng công trình văn hóa Việt làm đơn vị thiết kế. Đơn vị thi công là Liên doanh Công ty cổ phần mỹ thuật Trung ương và Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây lắp Thăng Long thực hiện. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.

Ông Nguyễn Trung Cang, thành viên Ban quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, đền thờ còn có tên gọi khác là đình Bình Kính thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh là danh nhân có nhiều công lao với đất nước trong việc mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam đất nước. “Tôi và những người dân ở phường Hiệp Hòa rất ủng hộ khởi công dự án mở rộng, tu bổ và tôn tạo. Chúng tôi mong đợi, sau khi hoàn thành dự án, di tích này sẽ là điểm đến hấp dẫn, góp phần tôn vinh giá trị lịch sử, vai trò của Nguyễn Hữu Cảnh đối với vùng đất Đồng Nai - Gia Định” - ông Cang bày tỏ.

* Đẩy mạnh xã hội hóa

Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, công tác xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích được người dân quan tâm thông qua các hình thức như: đóng góp bằng tiền, hiện vật, vật tư và công sức. Đã có nhiều di tích trên địa bàn tỉnh thực hiện bằng nguồn xã hội hóa, gồm: chùa Ông, miếu Tổ Sư, chùa Bửu Hưng, Bửu Phong… Hiện tại, tháp Phật tại Cụm di tích đình Xuân Lộc (TP.Long Khánh) đang được trụ trì chùa Xuân Hòa Lê Minh Trị (chủ đầu tư) xin chủ trương và chờ UBND tỉnh phê duyệt để cải tạo, tu bổ di tích bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (100% do chùa vận động).

Phối cảnh Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) sau trùng tu, tôn tạo
Phối cảnh Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) sau trùng tu, tôn tạo. Ảnh: L.Na

Tương tự, đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (TP.Biên Hòa) hiện đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh xin được trùng tu, cải tạo di tích. Ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng ban trị sự đền thờ cho biết, hạng mục làm mới tường rào phía đường dân sinh và hạng mục đền thờ chính được thực hiện bằng nguồn ngân sách. Còn lại hạng mục cổng, Ban trị sự của đền đã có chủ trương thực hiện bằng nguồn xã hội hóa.

“Chúng tôi mong rằng, UBND tỉnh sớm phê duyệt tờ trình báo cáo kỹ thuật công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Quốc tổ Hùng Vương để triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong dịp lễ Giỗ Tổ năm 2020. Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh xã hội hóa một số hạng mục, góp phần cùng với Nhà nước trùng tu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa” - ông Cận chia sẻ.

Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Xuân Nam cho rằng, huy động nguồn lực xã hội hóa trong giai đoạn hiện nay là mở hướng cho công tác tu bổ di tích xuống cấp tại Đồng Nai khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp thời. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, nguồn xã hội hóa là một trong những nguồn lực tài chính để thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do vậy, các cấp chính quyền có trách nhiệm bố trí kinh phí từ các nguồn lực, vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp để bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn theo phân cấp quản lý, không để xảy ra tình trạng di tích phải “kêu cứu”.

UBND tỉnh vừa có văn bản về việc phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Theo đó, chấp thuận cho UBND huyện Vĩnh Cửu phân cấp quản lý di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa cho UBND xã Tân Bình quản lý. UBND huyện Vĩnh Cửu có trách nhiệm ban hành quyết định phân cấp cho UBND xã Tân Bình theo quy định. Trong đó, nêu rõ các nhiệm vụ được phân cấp quản lý và thực hiện công tác bảo quản di tích theo Luật Di sản văn hóa và quy định liên quan.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  628,137       1/1,209