Xã hội

Hút cả ngàn con sán trong ống mật của bệnh nhân

Bác sĩ Trần Quốc Vĩ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết bệnh viện vừa mổ, hút khoảng 1 ngàn con sán trong ống mật của một bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Quốc Vĩ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đang khám cho bệnh nhân T.N.T.
Bác sĩ Trần Quốc Vĩ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đang khám cho bệnh nhân T.N.T.

Theo đó, bệnh nhân T.N.T. (36 tuổi, quê tỉnh Hải Dương, tạm trú ở Đồng Nai) nhập viện vào tối 16-4 với triệu chứng đau bụng vùng hạ sườn phải, sốt, vàng da. Sau khi được siêu âm, chụp CT, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. bị viêm mủ đường mật, chỉ định phải mổ cấp cứu. Sau mổ, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật và tắc mật do sán lá gan. Các bác sĩ đã gắp, hút được khoảng 1 ngàn con sán lá gan trong ống mật của bệnh nhân. Mỗi con sán có chiều dài khoảng 3cm, chiều ngang từ 1-1,5cm. Loại sán này có thể sống trong đường mật khoảng 10 năm.

Bệnh sán lá gan thuộc diện ký sinh trùng nên các bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát tiếp tục phối hợp với bác sĩ chuyên Khoa Nhiễm để dùng thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân T.

Bác sĩ Vĩ cho hay ký sinh trùng sán lá gan ký sinh chính trong trâu, bò, cừu, dê. Phân của các động vật này sau khi xuống nước thì trứng của sán lá gan nở thành ấu trùng, ký sinh trong vật chủ thứ 2 như: ốc, cá hoặc phát tán trong nước, bám vào các cây rau sống dưới nước như: rau ngổ, rau nhút, cải xoong. Khi ăn sống những loại rau này hoặc ăn gỏi cá thì ký sinh trùng sẽ theo đó vào trong ruột người. Từ ruột, ký sinh trùng xuyên qua thành ruột vào gan phát triển trong gan sẽ tạo
áp-xe gan hoặc di chuyển xuống đường mật trở thành con sán trưởng thành.

Sán có thể ký sinh trong gan, mật, dưới da, trong các khớp, thậm chí trong não người. Triệu chứng thường gặp: sốt, đau hạ sườn phải có thể kèm theo vàng da, gan lớn. Nếu điều trị thông thường không khỏi thì phải đi xét nghiệm kháng thể, huyết thanh chẩn đoán. Như trường hợp bệnh nhân T. nếu để lâu có thể gây biến chứng, gây viêm đường mật dẫn đến ung thư đường mật do sán lá gan, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Vĩ cho biết thời gian gần đây, tại Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Đồng Nai điều trị khá nhiều trường hợp bị áp xe gan do sán lá gan.

Để phòng tránh bệnh này, các bác sĩ khuyên người dân nên uống nước sôi, không nên ăn sống các loại rau sống dưới nước như rau ngổ, cần nước, nhút; không nên ăn gỏi cá. Nếu có các triệu chứng kể trên thì nên đến bệnh viện có khả năng xét nghiệm được sán lá gan để điều trị dứt điểm.

Bệnh nhân T.N.T. cho hay trước đây khi còn ở Hải Dương, anh có thói quen ăn gỏi cá sống, tiết canh heo, vịt, rau sống. Vài năm gần đây, mỗi khi ăn các thức ăn nóng như: ớt, riềng sống, rượu bia thì anh cảm thấy đau bụng, ngứa từ vùng bụng xuống chân, người mệt mỏi, khó chịu. Do chủ quan, mỗi lần đau anh T. lại đi mua thuốc tây điều trị dạ dày để uống nhưng không thấy bớt. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phẫu thuật gắp được cả ngàn con sán trong ống mật, anh T. cho biết sẽ từ bỏ những thói quen ăn uống trên.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,145,615       15/947