Xã hội

Để nghĩa cử nhân văn được lan tỏa

Hiến tạng là nghĩa cử nhân văn. Mô, tạng được hiến không chỉ cứu sống người bệnh, mà còn là niềm an ủi đối với gia đình người đã khuất khi một phần thân thể của người thân tiếp tục được sống.

Đối với những bệnh nhân bị suy thận mãn tính thì việc thay thận sẽ giúp sức khỏe được hồi phục tốt hơn. Trong ảnh: Bệnh nhân đang lọc thận tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Đối với những bệnh nhân bị suy thận mãn tính thì việc thay thận sẽ giúp sức khỏe được hồi phục tốt hơn. Trong ảnh: Bệnh nhân đang lọc thận tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Theo Cổng thông tin điện tử Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), cả nước hiện có trên 10 ngàn người bệnh cần ghép tạng và khoảng 300 ngàn người bị bệnh lý giác mạc đang chờ để được ghép giác mạc. Song, quy định người còn sống khi đăng ký hiến tạng phải tự trả phí các xét nghiệm chuyên sâu, khiến nhiều người muốn cho tạng băn khoăn.

* Sự sống được tiếp nối…

Câu chuyện ông Nguyễn Văn Hải (45 tuổi) chết não do tai nạn giao thông tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được gia đình hiến giác mạc, thận và tim cứu 5 người bệnh; trước đó bé Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) tử vong do u não đã hiến giác mạc đem lại ánh sáng cho nhiều người… đã lay động trái tim hàng triệu người. Từ những câu chuyện cảm động trên, nhiều người dân ở Đồng Nai quan tâm đến việc hiến xác, hiến tạng sau khi qua đời.

Tại Việt Nam hiện có 2 địa chỉ chính thức tiếp nhận đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng gồm: Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Riêng tại Đồng Nai, lãnh đạo Sở Y tế cho biết sẽ liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy để đặt điểm tư vấn, tiếp nhận đăng ký hiến tạng của người dân tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất để thuận tiện cho người hiến.

Ông Đỗ Ngọc Phú (53 tuổi, ngụ tại phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Hiến tạng cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, tôi cũng muốn được hiến những bộ phận cơ thể mình sau khi qua đời. Đây là việc nên làm, bởi mình chết rồi thân thể cũng thành tro bụi. Người này chết đi có thể tiếp nối sự sống cho nhiều người khác, vậy sao không tặng lại cho người khác khi mình không còn… dùng đến nữa”.

Cùng suy nghĩ trên, chị Hoàng Thị Ngọc Hoan, giáo viên tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa), cũng dự định hiến tạng để cứu người. Theo chị Hoan, việc hiến tạng ngoài mang ý nghĩa nhân đạo còn là sự đóng góp cho xã hội bởi nếu được ghép tạng kịp thời, người bệnh không chỉ được cứu sống, mà gia đình và xã hội giảm được gánh nặng chi phí điều trị. “Trong cuộc sống, sự rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào, tôi muốn làm điều có ích khi sự sống của mình không còn” - chị Hoan chia sẻ.

Tuy nhiên, dù rất muốn tham gia hiến tạng nhưng khi tìm hiểu về thủ tục đăng ký nhiều người tỏ ra băn khoăn bởi nếu đăng ký tham gia hiến tạng sau khi chết, người hiến phải trả chi phí làm các xét nghiệm từ 15-20 triệu đồng.

* Cần sửa luật cho phù hợp

Nói về khoản phí trên, ông Lê Quang Hải (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Tôi rất muốn đăng ký hiến tạng nhưng không đủ tiền làm xét nghiệm. Quy định buộc người tự nguyện cho phải trả phí là chưa phù hợp. Trong khi đây là việc tốt nên Nhà nước cần tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia”.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) thăm khám cho 2 bệnh nhân nhận thận của ông Nguyễn Văn  Hải.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) thăm khám cho 2 bệnh nhân nhận thận của ông Nguyễn Văn Hải.

Giải thích điều này, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết không phải ai hiến tạng cũng phải trả phí, mà chỉ những người đang còn sống đăng ký hiến tạng sau khi mất mới phải trả chi phí các xét nghiệm. Còn người hiến bị chết não và đã chết thì không phải bỏ ra bất cứ chi phí nào. Quy định này nhằm hạn chế những trường hợp giả đăng ký hiến tạng để được làm các xét nghiệm nhưng sau này không hiến xác, hiến tạng.

Việc xét nghiệm để xác định những chỉ số phù hợp để hiến mô, tạng, người hiến sống phải làm các xét nghiệm chuyên sâu nhưng những khoản này không có trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Đây là một bất cập khiến Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác sau 12 năm triển khai nhưng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. “Để người hiến tạng yên tâm và để có nguồn mô, tạng dồi dào đáp ứng nhu cầu ghép tạng của người bệnh, cần sớm có sự điều chỉnh giữa Luật Bảo hiểm y tế và Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người một cách đồng bộ” - bác sĩ Phan Huy Anh Vũ kiến nghị.

Phương Liễu

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,144,958       1/1,033