Xã hội

Tâm lý học đường: Giải pháp phải đi liền hành động

Hội thảo Tâm lý học đường tại Đồng Nai - thực trạng và giải pháp đã được Sở GD-ĐT, Báo Đồng Nai và Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh tổ chức vào sáng 12-6. Hội thảo có trên 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh các trường trên địa bàn tỉnh tham dự.

Hội thảo Tâm lý học đường tại Đồng Nai - thực trạng và giải pháp đã được Sở GD-ĐT, Báo Đồng Nai và Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh tổ chức vào sáng 12-6. Hội thảo có trên 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh các trường trên địa bàn tỉnh tham dự.

PGS-TS.Nguyễn Văn Thọ trình bày tham luận tại hội thảo.
PGS-TS.Nguyễn Văn Thọ trình bày tham luận tại hội thảo.

Ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng: “Hội thảo đã không chỉ dừng lại ở việc nêu thực trạng tâm lý học đường hiện nay mà còn gợi mở được nhiều giải pháp cho vấn đề này giúp Sở tham khảo và tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động về tâm lý học đường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”.

* Khi trường học có chuyên gia tâm lý

Tại hội thảo, chị Trần Thị Tâm, phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Long Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Tôi không tránh khỏi bối rối khi con bước vào lứa tuổi có những thay đổi về vóc dáng và tính cách. Tôi rất ngại nói chuyện với con về giới tính, thay vào đó tôi chọn giải pháp mua sách cho con tự tìm hiểu”.

Học sinh phát biểu tại buổi hội thảo.
Học sinh phát biểu tại buổi hội thảo.

Vì quá lo lắng và bối rối, chị Tâm đã cấm đoán khi thấy con giao tiếp với bạn khác giới, khiến con chị không được thoải mái và thậm chí có phản ứng lại.

Chị Tâm cho rằng không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng cần được tham vấn tâm lý. Cần thiết phải có chuyên gia và phòng tham vấn tâm lý trong trường học để học sinh có thêm những kênh chuyên sâu chia sẻ với các em vì có nhiều điều các em không thể nói với cha mẹ.

Theo PGS-TS.Nguyễn Văn Thọ: “Giải pháp cho tâm lý học đường phải đi liền với hành động quyết liệt. Nhà trường không nên suy nghĩ chỉ cần cung cấp kiến thức cho học sinh là đủ, còn hoạt động chăm sóc tâm lý quá mất thời gian. Suy nghĩ như vậy là làm mất cơ hội phát triển toàn diện của học sinh, đồng thời còn để lại những khiếm khuyết và tổn thương về tinh thần cho các em”.

Cô Hoàng Mai Lan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), cho hay năm học 2017-2018 nhà trường đưa vào hoạt động mô hình tham vấn tâm lý học đường. Nhiều học sinh được tham vấn tâm lý trực tiếp tại trường, hoặc qua email, Facebook về các biểu hiện bệnh lý như: trầm cảm, tự kỷ, gặp các rắc rối trong quan hệ bạn bè và hướng nghiệp. Từ kết quả thực tế, cô Lan cho rằng mỗi trường nên có 1 chuyên gia tâm lý học đường để tham mưu cho nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục tâm lý mang tính chuyên sâu, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Còn theo cô Nguyễn Thị Ni Na, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa), nhờ có Phòng Tham vấn tâm lý học đường tại trường cùng chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm mà nhà trường đã nắm bắt được tâm lý học sinh. Nhiều học sinh đã tìm đến phòng tham vấn tâm lý để được chia sẻ về các vấn đề tình yêu, tình bạn, áp lực học tập, thi cử, mối quan hệ bất ổn với người lớn. Từ các buổi tham vấn, các chuyên gia phát hiện nhiều biểu hiện tâm lý bất thường của học sinh, từ đó đưa được những giải pháp giải quyết kịp thời giúp học sinh vượt qua khó khăn.

Cô Ni Na đề xuất Sở GD-ĐT cần tập huấn cho các thành viên trong tổ tham vấn tâm lý trường học về các kỹ năng tiếp xúc, kỹ năng phát hiện các biểu hiện tâm lý bất thường và xử lý ban đầu. Ngoài ra, nhà trường rất cần sự hợp tác của phụ huynh trong việc quan tâm đến tâm lý học sinh, chứ không phải khi học sinh có vấn đề tâm lý rồi mới quan tâm.

* Giải pháp nào hiệu quả?  

Theo nghiên cứu của TS.Nguyễn Minh Thức, giảng viên Trường đại học Nguyễn Huệ, học sinh bậc THCS và THPT phát triển tâm lý rất phức tạp, có nhiều mâu thuẫn, tạo cho các em nhiều khó khăn trong học tập và sinh hoạt. Những khó khăn tâm lý học sinh Đồng Nai gặp phải chủ yếu trong các hoạt động học tập; mối quan hệ với thầy cô giáo, cha mẹ, bạn bè, định hướng nghề nghiệp… Có những em gặp khó khăn tâm lý ở mức cao với các vấn đề khá nghiêm trọng như: yêu người cùng giới, tâm trạng buồn chán, lo lắng, cô đơn, bi quan, thậm chí có suy nghĩ hủy hoại cuộc sống.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

PGS-TS.Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2, cho rằng vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường đã được nghiên cứu nhiều, bàn bạc quá lâu và đã đến lúc cần thực hiện một cách quyết liệt mới có cơ hội thành công. Theo ông, sức khỏe tâm thần tốt sẽ giúp học sinh quản lý tốt cảm xúc, tạo kết quả học tập tốt và thiết lập các mối quan hệ xã hội tốt. Do đó, điều gì cản trở kết quả học tập và phát triển của học sinh thì cần sớm có giải pháp. Cụ thể là giải pháp cho con người, chính sách, cơ chế…

Bàn về giải pháp thực hiện tốt tham vấn tâm lý học đường, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng các ngành chức năng, đặc biệt là ngành GD-ĐT, cần phải ý thức sâu sắc vai trò quan trọng của vấn đề này, có cơ chế huy động xã hội và phụ huynh cùng tham gia ủng hộ đưa các hoạt động tham vấn tâm lý học đường. Mỗi thầy cô giáo, cán bộ Đoàn, Đội trong trường học cần tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi học sinh, vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm sẵn có để hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi cần thiết.

Đề cập vấn đề khan hiếm chuyên gia tâm lý học đường có chuyên môn sâu, TS.Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai, cho biết mỗi năm các trường đại học đào tạo khoảng 7 ngàn cử nhân tâm lý, nhưng không phải ai ra trường cũng làm được chuyên gia tâm lý học đường. Do đó cần phải tận dụng đội ngũ chuyên gia tâm lý hợp tác với các trường phổ thông để tổ chức các hoạt động tham vấn tâm lý cho học sinh, đồng thời truyền đạt kinh nghiệm cho giáo viên của trường.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,140,481       2/929