Xã hội

Hộp xám cho xe gắn máy

Là một trong 5 giải pháp đoạt giải nhất, giải pháp hộp xám cho xe gắn máy của Hoàng Lê Nhật Tân (lớp 12A10 Trường THPT Thống Nhất A, huyện Trảng Bom) được Ban giám khảo cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2018 đánh giá rất cao về ý tưởng sáng tạo.

Nhật Tân thuyết trình về chiếc hộp xám do mình sáng tạo nên.
Nhật Tân thuyết trình về chiếc hộp xám do mình sáng tạo nên.

Chiếc hộp được cấu thành bởi vi điều khiển Arduino, cảm biến góc nghiêng, module sim 900A, module GPS, mạch giảm áp DC LM2596, hộp chịu lực. “Dựa trên các nguyên lý về điện, em thiết lập tín hiệu đầu vào cho vi điều khiển là cảm biến góc nghiêng. Các tín hiệu điều khiển đầu ra gồm sim 900A và GPS cài đặt kết nối với sim điện thoại cần thông báo. Việc lắp ráp, cài đặt được thử nghiệm nhiều lần mới thành công” - Tân chia sẻ.

Chiếc hộp được đặt trong cốp xe hoặc đuôi xe gắn máy. Khi xe bị ngã thì cảm biến góc nghiêng sẽ kích hoạt, gửi tín hiệu để module sim 900A thực hiện cuộc gọi tự động báo về một hoặc nhiều số điện thoại đã cài đặt trước đó kèm theo tin nhắn vị trí của địa điểm xảy ra tai nạn trên Google Maps. Người tiếp nhận tin báo sẽ xác định được vị trí người bị tai nạn để kịp thời cấp cứu nạn nhân.

Điểm mới của thiết bị này là cảm biến chỉ kích hoạt khi xe nghiêng đến góc mà xe đã ngã, đổ. Những lần xe nghiêng khi quẹo cua sẽ không kích hoạt cảm biến. Thiết bị chỉ hoạt động khi đã bật chìa khóa xe máy. Vì vậy, những trường hợp ngã xe do dắt bộ sẽ không làm kích hoạt cảm biến.

Trong trường hợp đã xảy ra tai nạn, nếu nạn nhân vẫn tự chủ được nhưng tín hiệu đã được báo đi, nạn nhân nhấn nút đã được cài trên đầu xe gắn máy để gửi tin nhắn về gia đình với nội dung “Tôi không sao”. Để tránh việc báo động nhầm, khi xe đã ngã, thiết bị không báo tín hiệu đi ngay mà nhận dạng tai nạn bằng cách chờ sau 5 giây, nếu xe vẫn ngã thì xác nhận là đã gặp tai nạn, nếu không sẽ không thông báo. Đặc biệt, khi xác nhận là có tai nạn, thiết bị sẽ gửi tín hiệu đến còi xe máy và còi xe hú lên liên tục để người đi đường hoặc người dân xung quanh biết có tai nạn để giúp đỡ.

Chia sẻ về lý do thực hiện giải pháp này, Hoàng Lê Nhật Tân bộc bạch, qua theo dõi thông tin em được biết tình hình trật tự an toàn giao thông hiện có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là giao thông đường bộ và xe gắn máy là phương tiện gây tử vong, thương tích lớn nhất.

Tân cho hay: “Tổng số tiền để thực hiện chiếc hộp khoảng gần 1 triệu đồng. Qua 10 lần thử nghiệm trên chính xe máy của em, thiết bị đã gửi tin chính xác 9 lần, còn 1 lần thiết bị không báo do dây nguồn bị hở. Em rất muốn dự án này được ứng dụng rộng rãi để đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông bằng xe máy. Em sẽ cải tiến để chiếc hộp nhỏ gọn hơn, giá thành rẻ hơn. Đặc biệt, em sẽ nghiên cứu để tích hợp chức năng khi xảy ra tai nạn, hộp xám sẽ liên kết với các bệnh viện gần nhất để người bị tai nạn được cứu chữa kịp thời”.

An Yên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,135,407       3/972