Xã hội

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp) vào năm 2020 và hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Một bệnh nhân được lấy máu xét nghiệm đo tải lượng virus tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai. Ảnh: M.LIÊN
Một bệnh nhân được lấy máu xét nghiệm đo tải lượng virus tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai. Ảnh: M.LIÊN

Để đạt được mục tiêu này, hiện còn nhiều khó khăn thách thức cần phải vượt qua, trong đó kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế đang được xác định là một trong những rào cản lớn khiến người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV không tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS. 

* Còn kỳ thị

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến hết năm 2017 có khoảng 200 ngàn người nhiễm HIV được quản lý và còn sống. Tuy nhiên, trong số này có khoảng 170 ngàn người đang điều trị thuốc ARV, nghĩa là còn khoảng 30 ngàn người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng chưa được điều trị vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế.

Trước thực tế đó, tháng 1-2017 Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 10 về việc tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế với 7 nội dung và yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn ngành thực hiện.

Tại Đồng Nai, công tác phòng chống HIV/AIDS được triển khai một cách toàn diện từ truyền thông, can thiệp, điều trị, dự phòng lây truyền mẹ con đến xét nghiệm. Tổng số người nhiễm HIV lũy tích từ năm 1993 đến nay có  6.239 người; số đang điều trị tại địa phương là 3 ngàn người và có khoảng 1.200 bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám của TP.Hồ Chí Minh, số bệnh nhân không tìm thấy là 1.181 người. Như vậy, số người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được quản lý, tiếp cận các dịch vụ điều trị vẫn còn cao so với mục tiêu 90% người nhiễm HIV được tiếp cận chương trình điều trị.

Một trong những nguyên nhân mà người nhiễm HIV/AIDS chưa tiếp cận chương trình điều trị là sự tự kỳ thị của người nhiễm, sự kỳ thị và phân biệt đối xử xuất phát từ các cơ sở y tế. Anh G., một bệnh nhân tham gia điều trị chương trình ARV và methadone tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, cho hay sự kỳ thị đối với bệnh nhân nhiễm HIV ở ngoài cộng đồng và ở các nhân viên y tế như ánh mắt, lời nói cũng làm người bệnh thấy tổn thương, nhiều người bỏ trị hoặc không tham gia điều trị.

* Cần sự chia sẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Giỏi, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong gia đình, cộng đồng, cơ sở y tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Vì vậy, trung tâm luôn quán triệt đến nhân viên y tế xóa bỏ kỳ thị phân biệt đối với người nhiễm, tạo sự chia sẻ, động viên người nhiễm để họ vươn lên trong cuộc sống và tuân thủ trong điều trị HIV/AIDS. Ngoài ra, trung tâm cũng thực hiện một số hoạt động như: tuyên truyền đến người thân, cộng đồng không được kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS; phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền về chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; hướng dẫn các cơ sở y tế tuyến dưới thực hiện các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm.

HIV/AIDS hiện đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng, hằng năm tại Đồng Nai với trên 200 ca nhiễm mới, gây tác động rất lớn đến sức khỏe, kinh tế - xã hội, trong đó nhóm người có hành vi nguy cơ vẫn ở mức cao. Việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, đặc biệt là tại các cơ sở y tế là cần thiết để đạt mục tiêu 90-90-90 và chấm dứt AIDS vào năm 2030 của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Mai Liên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,136,171       1/987