Xã hội

Biên Hòa vẫn bị áp lực trường lớp, giáo viên

Năm học 2018-2019 sắp đến, ngành GD-ĐT TP.Biên Hòa lại tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực về trường lớp khi sẽ tăng thêm trên 9.900 học sinh. Trảng Dài, Long Bình và Phước Tân tiếp tục là những phường, xã có tốc độ học sinh tăng thêm cao nhất thành phố.

Công trình Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã hoàn thành, sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: C.NGHĨA
Công trình Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã hoàn thành, sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: C.NGHĨA

Theo nhu cầu, TP.Biên Hòa cần đến 241 lớp học mới nhưng thực tế chỉ có 3 trường học mới được đưa vào sử dụng gồm: Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Tiến), Trường tiểu học Phước Tân 2 (xã Phước Tân) và Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (phường Trảng Dài) với
tổng cộng 87 phòng học.

* Chạy theo trường lớp

Do áp lực sĩ số học sinh đông và gần như năm nào cũng tăng cao nên TP.Biên Hòa gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nhiều trường phải tạm gác đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo có đủ chỗ cho học sinh học. Thay vì sĩ số mỗi lớp đạt chuẩn là 35 học sinh, nhiều lớp đã phải tăng 45-50, thậm chí trên 50 học sinh/lớp. Điển hình như phường Trảng Dài, do dân số cơ học tăng liên tục nên việc đầu tư trường lớp năm nào cũng phải “chạy theo”. Từ năm 2014 đến nay, Trảng Dài có 4 trường được xây mới là: THCS Trảng Dài, THCS Trường Sa, tiểu học Hà Huy Giáp, tiểu học Nguyễn Thái Học và sắp tới sẽ xây dựng tiếp Trường tiểu học Trảng Dài 4.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Phú Cường cho rằng để xây một ngôi trường rất tốn kém, gồm chi phí thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, đến xây dựng cơ cở vật chất. Đó là chưa kể tới chi phí để nuôi bộ máy hoạt động hằng năm. Nếu chỗ nào ngân sách nhà nước cũng phải bỏ ra xây trường, nuôi bộ máy thì không chịu nổi, do đó rất cần huy động, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia phát triển giáo dục. Bí thư Tỉnh ủy gợi ý: “Thành phố có thể nghiên cứu hỗ trợ tư nhân 50% kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, sau đó tư nhân tự bỏ tiền xây trường, tự nuôi bộ máy thì Nhà nước sẽ không phải lo nhiều như hiện nay”.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, những năm học qua thành phố không còn tình trạng học ca ba là do các trường đi thuê mượn cơ sở vật chất. Cụ thể, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp) nhiều năm nay phải thuê 20 phòng của Trường cao đẳng thống kê 2; Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình) mượn 20 phòng Trường tiểu học Bình Đa (phường Bình Đa); Trường tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình) phải mượn 10 phòng của Trường THCS Hoàng Văn Thụ...

Không dừng lại ở đó, một số trường tại xã Tam Phước của TP.Biên Hòa năm học tới phải tiếp tục “gánh” trên 1.500 học sinh của xã An Phước (huyện Long Thành), tương đương với 43 lớp học (trung bình 35 học sinh/lớp). Mới đây TP.Biên Hòa có thông báo đề nghị Phòng GD-ĐT huyện Long Thành tiếp nhận những học sinh này, nhưng huyện Long Thành chưa thể tiếp nhận do công trình Trường tiểu học An Phước (xã An Phước, huyện Long Thành) đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Khó khăn lớn nhất của TP.Biên Hòa hiện nay là thiếu đất quy hoạch dành cho giáo dục; đất quy hoạch lại nằm trong khu dân cư, khi thu hồi xây trường rất tốn kém trong khi ngân sách thành phố cũng khó khăn. Dự kiến thời gian tới TP.Biên Hòa tiếp tục khởi công xây thêm phòng học cho 2 trường tiểu học là Phan Bội Châu và Phan Đình Phùng (phường Long Bình); Trường mầm non Thống Nhất (phường Thống Nhất) và Trường mầm non Tân Tiến (phường Tân Tiến). Trong khi đó Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp) cũng mới được thành phố ghi vốn xây dựng thêm lớp học.

* Áp lực biên chế

Thực hiện việc tinh giản biên chế từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các địa phương đều phải thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo tỉnh, TP.Biên Hòa đề nghị không phải thực hiện việc tinh giản biên chế do sĩ số học sinh năm nào cũng tăng. Lãnh đạo TP.Biên Hòa còn cho hay từ nay đến năm 2025 dù thực hiện sáp nhập một số trường lại với nhau cũng chỉ tinh giản được một số cán bộ lãnh đạo chứ giáo viên  không giảm được bao nhiêu.

Hiện TP.Biên Hòa vẫn còn 217 biên chế giáo viên chưa tuyển dụng được. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang, TP.Biên Hòa phải tuyển dụng hết số biên chế này thì mới có thể được xem xét tăng thêm. Sở GD-ĐT sẽ kiến nghị Sở Nội vụ thu hồi biên chế của một số địa phương khác dôi dư để giao cho Biên Hòa sử dụng.

Ông Phan Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho hay năm học 2017-2018 thành phố thiếu 51 giáo viên mầm non công lập do những giáo viên này xin nghỉ việc để chuyển sang các trường mầm non tư thục có thu nhập cao hơn. Đối với bậc THCS, giáo viên các môn như: Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Tin học, Nhạc, Kỹ thuật, cán bộ thư viện… đều thiếu, thành phố có thông báo tuyển dụng nhưng không có giáo viên nào nộp hồ sơ.

Theo lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa, thời gian tới ngành giáo dục thành phố ngoài việc phải tuyển dụng đủ 217 biên chế đã được tỉnh cho phép thì vẫn phải xin cấp thêm 311 biên chế nữa, do sĩ số học sinh năm học 2018-2019 tăng. Ngoài ra một khó khăn khác của thành phố là thiếu cán bộ đủ chuẩn để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo. Do đó, thành phố mong muốn được tỉnh mở lớp cao cấp chính trị dành riêng cho cán bộ ngành giáo dục thành phố đi học để đảm bảo các tiêu chuẩn khi bổ nhiệm.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,133,428       1/945