Xã hội

Cơ hội hưởng chế độ hưu trí cho người dân

Người lao động tự do, nông dân, người có thu nhập thấp… có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành.

Người lao động tự do, nông dân, người có thu nhập thấp… có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành.

Chủ trương rút ngắn thời hạn đóng bảo hiểm xã hội giúp người lao động có cơ hội hưởng chế độ hưu trí (ảnh minh họa).
Chủ trương rút ngắn thời hạn đóng bảo hiểm xã hội giúp người lao động có cơ hội hưởng chế độ hưu trí (ảnh minh họa).

Đây là chủ trương nhằm bảo đảm quyền lợi của tất cả mọi người khi tham gia BHXH, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bảo đảm an sinh đối với những người không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định lâu nay còn nhiều hạn chế về quyền lợi BHXH.

* Rút ngắn giới hạn thời gian đóng BHXH

Theo quy định hiện hành, người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện: nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì đóng cho đến khi đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu. Đây là quy định khiến cho những người dân không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định lâu nay “ngại” tham gia BHXH tự nguyện, vì nhiều trường hợp đã lớn tuổi, không bảo đảm đủ thời gian 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, dẫn tới lượng người ngoài đối tượng tham gia BHXH bắt buộc còn rất hạn chế.

Người dân có thể đăng ký BHXH tự nguyện tại các đại lý thu BHXH tại UBND xã, phường, thị trấn, hệ thống bưu điện với thủ tục khá đơn giản, chỉ cần đăng ký đúng thông tin cá nhân, thân nhân mà không cần trình sổ hộ khẩu. Theo quy định, công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định đều được tham gia BHXH tự nguyện.

Nhằm khắc phục những quy định chưa mang lại hết những lợi ích cần thiết cho người tham gia BHXH thời gian qua, Nghị quyết 28 đã nêu lên nhiều vấn đề có lợi cho người dân, đặc biệt là đối tượng không thuộc nhóm đóng BHXH bắt buộc như: sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Với những chính sách mới này, người tham gia BHXH tự nguyện có điều kiện nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước để mở rộng diện bao phủ BHXH; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân. Mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng thời kỳ.

* Linh động thời gian và mức đóng

Bên cạnh những chủ trương nhằm bảo đảm an sinh xã hội vừa được nghị quyết thông qua và đang được các ngành chức năng xây dựng chính sách mới để áp dụng vào thực tiễn, thời gian qua các bộ, ngành trung ương đã có những quy định giúp người tham gia BHXH tự nguyện chủ động được thời gian và mức đóng BHXH phù hợp với thu nhập, điều kiện từng người.

Những người là nông dân, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố, người lao động giúp việc gia đình; người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH… đều có thể tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng và phương thức đóng được quy định khá linh hoạt, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng người.

Theo đó, có khoảng 500 mức đóng mà người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn. Trong đó, mức đóng thấp nhất là bằng 22% mức thu nhập tháng được căn cứ theo mức thu nhập chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn (700 ngàn đồng/tháng), như vậy mức thấp nhất người lao động có thể đóng BHXH là 154 ngàn đồng/tháng. Mức đóng cao nhất được tính là 22% của 20 lần mức lương cơ sở (khoảng trên 6 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, người lao động được chọn một trong các phương thức đóng: hằng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định.

Vy Vy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,133,140       4/937