Xã hội

Xây mái ấm cho người nghèo ở Phú Lý

Nhiều năm qua, với tinh thần tương thân tương ái, các linh mục Giáo xứ Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đã vận động nhiều nơi để xây dựng được 36 căn nhà tình thương cho người nghèo, người vô gia cư trong toàn xã.

Bà Phạm Thị Cúc sống cùng con gái trong căn nhà tình thương của Giáo xứ Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu)
Bà Phạm Thị Cúc sống cùng con gái trong căn nhà tình thương của Giáo xứ Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu)

Đa số những gia đình được sống trong các căn nhà tình thương của Giáo xứ Phú Lý đều đi làm thuê, làm mướn hoặc cạo vỏ hạt điều kiếm sống. Thu nhập mỗi người chỉ vài chục ngàn đồng/ngày nên có được căn nhà che mưa, che nắng là ước mơ cả đời của họ.

* Ấm áp nghĩa tình

Ngồi trước hiên nhà, vừa thoăn thoắt cạo vỏ hạt điều cho kịp giao chuyến hàng, bà Đinh Thị Kim Chi (ngụ xã Phú Lý) vừa kể lại, sau năm 1975, bà theo người thân đi vào Đồng Nai làm ăn sinh sống. Đến năm 20 tuổi, bà lấy chồng và sống lang bạt ở nhiều nơi.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý Hà Lập Quốc cho biết, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho Giáo xứ Phú Lý xây dựng nhà tình thương. Đây cũng là hoạt động tiếp sức cho địa phương thực hiện tốt tiêu chí về nhà ở trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; đồng thời cũng thể hiện tình đoàn kết, sự gắn bó giữa địa phương và các tôn giáo trên địa bàn.

“Lúc đó ai thuê gì làm nấy, nghe ở đâu có người thuê làm là vợ chồng tôi tìm đến. Chúng tôi đã đi khắp các huyện từ Định Quán, Tân Phú đến Xuân Lộc... để làm thuê, làm mướn. Cuối cùng dừng chân tại xã Phú Lý lại tiếp tục làm thuê để nuôi 6 người con” - bà Chi tâm sự.

Ngồi cạnh vợ để cùng cạo vỏ hạt điều, ông Thạch Vân (chồng bà Chi) tỏ ra xúc động khi nhớ đến thời gian dài gia đình ông vẫn chịu cảnh không có nhà ở. “Hồi đó chúng tôi cũng cật lực làm việc lắm. Vợ chồng tôi làm thuê chỗ nào là xin chủ cho ở nhờ tại đó để khỏi phải thuê nhà. Chúng tôi làm thuê chỉ lo được cái ăn, chứ không lo nổi cho con học hành tử tế” - ông Vân cho biết

Đến năm 2013, linh mục và Ban hành giáo Giáo xứ Phú Lý thấy gia đình ông Vân, bà Chi khó khăn, không nhà cửa lại đông con nên cho đến ở trong căn nhà tình thương đã được xây sẵn. Từ ngày đó, họ mới có một mái ấm để an cư lạc nghiệp.

Mỗi người sống trong các căn nhà tình thương của Giáo xứ Phú Lý có một hoàn cảnh khác nhau. Từ trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già neo đơn đến người sống lang thang không nhà cửa... Những căn nhà tình thương của giáo xứ đã giúp họ yên tâm làm ăn, sinh sống.

Bà Phạm Thị Cúc (ngụ xã Phú Lý) bộc bạch, ngày được tặng nhà tình thương là một trong những ngày hạnh phúc và đáng nhớ nhất của 2 mẹ con bà. Bà Cúc kể, lúc trẻ bà theo chồng đến tỉnh Bình Dương làm thuê. Thế rồi khi người con gái được 16 tuổi phát hiện bị u não cũng là lúc người chồng bỏ đi biệt tăm.

Chồng bỏ đi, con lại bị bạo bệnh khiến cho cuộc sống của mẹ con bà Cúc vô cùng khó khăn, không nơi nương tựa. Nhờ số tiền được các mạnh thường quân giúp đỡ, sau 4 lần phẫu thuật thì con gái bà đã giữ được tính mạng và có thể tự chăm sóc bản thân. Lúc này bà Cúc quay về xã Phú Lý bên cạnh người thân để anh em đỡ đần.

“Những ngày đầu, có người quen cho 2 mẹ con mượn tạm căn nhà để ở. Khi họ bán nhà, mẹ con tôi không còn chỗ ở. Thấy gia cảnh của tôi khó khăn nên vào năm 2015, cha xứ giao cho căn nhà tình thương này. Tôi cạo vỏ hạt điều được khoảng 30 ngàn đồng/ngày. Đôi lúc có người đến thăm thì cho thêm ít quà giúp 2 mẹ con sống đắp đổi qua ngày” - bà Cúc bộc bạch.

* Hết lòng vì người nghèo

Dẫn chúng tôi vào thăm 36 căn nhà tình thương được giáo xứ xây cho những người nghèo tại xã Phú Lý, Linh mục Nguyễn Ngọc Lâm, Chánh xứ Giáo xứ Phú Lý cho hay, khoảng năm 2013, sau một thời gian về Giáo xứ Phú Lý, Linh mục Nguyễn Viết Hoàng (phụ trách Giáo xứ Phú Lý trước đây) thấy tại địa phương còn nhiều người nghèo, vô gia cư nên đã lên kế hoạch xây dựng những căn nhà tình thương để giúp đỡ họ có nơi ở ổn định.

Linh mục Nguyễn Ngọc Lâm (bìa trái), Chánh xứ Giáo xứ Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) thăm hỏi, giúp đỡ những người nghèo ở các căn nhà tình thương của giáo xứ
Linh mục Nguyễn Ngọc Lâm (bìa trái), Chánh xứ Giáo xứ Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) thăm hỏi, giúp đỡ những người nghèo ở các căn nhà tình thương của giáo xứ

Linh mục Hoàng bắt đầu đi vận động nguồn tài chính từ mạnh thường quân ở khắp nơi. Ban đầu là vận động những người dân tại giáo xứ mỗi người góp chút ít tiền của, công sức; đồng thời tiếp tục vận động từ nhiều nguồn để giúp đỡ người nghèo trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Kế thừa việc làm thiện nguyện của linh mục Hoàng, từ vài căn nhà tình thương ban đầu đến nay Giáo xứ Phú Lý đã xây được 36 căn nhà tình thương. “Chúng tôi không phân biệt tôn giáo nào, miễn người dân có hoàn cảnh khó khăn, sống lang thang, có nguyện vọng vào ở khu căn nhà tình thương thì sẽ xem xét. Những người đã được xét vào ở thì sẽ được sống suốt đời ở nhà tình thương. Khi họ không còn nhu cầu nữa thì chúng tôi lại xét cho những người khác vào ở” - Linh mục Lâm nói.

Ông Đặng Hồng Tin, Ban hành giáo Giáo xứ Phú Lý cho biết, người nghèo được vào khu nhà tình thương sinh sống là do chính quyền địa phương giới thiệu. Sau đó những người có chức sắc, chức việc trong giáo xứ sẽ tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình. “Nếu đủ điều kiện thì sau khi hoàn tất các thủ tục, gia đình nghèo sẽ được giao nhà mà không phải đóng bất kỳ loại chi phí nào cả. Hằng năm, cũng có nhiều đoàn từ thiện đến thăm hỏi, trao quà và giúp đỡ những gia đình nghèo nơi đây” - ông Tin cho hay.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý Hà Lập Quốc, trong những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các mạnh thường quân, nhất là việc giải quyết nhà ở cho những hộ nghèo của Giáo xứ Phú Lý đã giúp cho địa phương hoàn thành tiêu chí về nhà ở để đạt chuẩn xã nông thôn mới.

 “Ngày các linh mục Giáo xứ Phú Lý mua đất, xây nhà cho người nghèo, chính quyền địa phương đã đồng tình ủng hộ và phối hợp rất nhiều trong việc giải quyết các thủ tục, giấy tờ liên quan. Chúng tôi rất cảm kích những tấm lòng thiện nguyện đã giúp đỡ để người dân nghèo có nhà ở, giúp họ có cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn” - ông Hà Lập Quốc nói.

Tố Tâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,491,541       1/961