Xã hội

Vùng sâu, vùng xa đón năm học mới

Các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đang gấp rút chuẩn bị cho học sinh bước vào năm học mới 2019-2020. Nhiều huyện đã chủ động xây mới, sửa chữa cải tạo lại trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Trường tiểu học Lê Văn Tám (xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) đang được hoàn thiện thêm phần sân lễ trước khối phòng học chính
Trường tiểu học Lê Văn Tám (xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) đang được hoàn thiện thêm phần sân lễ trước khối phòng học chính

Sau nhiều năm dạy và học ở ngôi trường cũ xuống cấp, năm học mới 2019-2020 này thầy và trò Trường tiểu học Lê Văn Tám (xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) rất phấn khởi vì đã có ngôi trường mới khang trang hiện đại. Ngày khai giảng năm học mới năm nay sẽ là ngày nhà trường chính thức khánh thành ngôi trường mới được đầu tư trên 45 tỷ đồng.

* Niềm vui khi đón năm học mới

Thầy Phạm Công Định, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám vui mừng cho biết: “Trường được hoàn thành trước năm học mới nên nhiều ngày qua giáo viên, nhân viên của trường tập trung vệ sinh, trang trí lớp học, kê lại bàn ghế, treo ảnh Bác Hồ và 5 điều Bác dạy… để đón học sinh tựu trường. Từ năm học này, thầy và trò chúng tôi sẽ không còn phải lo cảnh trời nắng phòng học nóng bức, còn trời mưa dông thì phòng học lại bị dột”.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Phú Lê Công Quang cho hay, giữa tháng 8 vừa qua một số xã vùng trũng của huyện như Nam Cát Tiên, Núi Tượng bị nước lũ tràn về gây ngập nhà cửa. May mắn nước lũ mới chỉ mấp mé sân trường, không gây ảnh hưởng hay thiệt hại gì. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường rà soát lại các trường hợp học sinh bị ảnh hưởng bởi đợt lũ để có hỗ trợ về sách vở, đồ dùng học tập, giúp các em có điều kiện bước vào năm học mới đầy đủ, vui vẻ.

Năm học mới 2019-2020 huyện Định Quán không có trường nào được xây mới. Ngay sau khi kết thúc năm học 2018-2019, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai ngay kế hoạch tu sửa, nâng cấp trường lớp cho năm học mới. Theo đó, xã Ngọc Định có 1 trường mầm non và 1 trường THCS; xã La Ngà có 1 trường THCS  và xã Suối Nho có 1 trường tiểu học được sửa chữa. Đến nay, hầu hết các trường này đã hoàn thành việc cải tạo và học sinh đã trở lại tựu trường.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Định Quán Võ Văn Minh cho biết, năm học mới 2019-2020 sĩ số học sinh của huyện không tăng so với năm học trước nên huyện không gặp áp lực về trường lớp. Nhờ đó, huyện có thêm điều kiện tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện sắp xếp lại trường lớp theo Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy các đơn vị công lập. Trước năm học mới, huyện đã hoàn thành sáp nhập hai đơn vị trường tiểu của hai xã nằm gần nhau là Phú Ngọc và Ngọc Định.

* Sẵn sàng cho năm học mới

Năm học mới này Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Cửu cũng đã kịp hoàn thành xây dựng bổ sung cho Trường tiểu học Chu Văn An (xã Thạnh Phú) 15 phòng học mới và một nhà thi đấu thể thao đa năng hiện đại. Toàn bộ 15 phòng học mới và nhà thi đấu đã kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng năm học mới 2019-2020. Đây thực sự là một món quà lớn đối với thầy và trò Trường tiểu học Chu Văn An trong ngày tựu trường và chuẩn bị khai giảng năm học.

Không để học sinh nghèo bỏ học

Tại hội nghị triển khai năm học 2019-2020 mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh, các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa phải tập trung dồn các nguồn lực hỗ trợ, củng cố trường lớp. Cần nắm chắc tình hình học sinh, nhất là học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không để các em thiếu sách vở, đồ dùng học tập đến trường. Các địa phương phải quan tâm chu đáo, tuyệt đối không được để học sinh nghèo phải bỏ học.

Trước thềm năm học mới, Trường tiểu học Phú Lý và Trường tiểu học Bàu Phụng (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) có niềm vui khi Trường đại học Lạc Hồng lắp đặt và bàn giao cho mỗi trường một phòng máy vi tính. Mỗi phòng máy vi tính có 20 máy và bàn ghế trị giá 80 triệu đồng. Theo Ban giám hiệu Trường tiểu học Bàu Phụng, do trường còn khó khăn nên việc đầu tư một phòng vi tính cho học sinh thực hành và truy cập internet là điều Ban giám hiệu nhà trường chưa nghĩ đến. Với phòng học vi tính mới, cô và trò nhà trường có thêm điều kiện đổi mới phương pháp dạy và học trong năm học mới này.

Sau nhiều năm đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn trình độ, trước thềm năm học mới 2019-2020 Trường tiểu học Lam Sơn (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) đã được tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Trường còn là một trong số 13 trường tiểu học của tỉnh được chọn triển khai mô hình thư viện thân thiện. Thầy Nguyễn Huy Đông, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lam Sơn vui mừng cho biết: “Thầy và trò nhà trường đã sẵn sàng bước vào năm học mới với sự chuẩn bị chu đáo và tâm thế tự tin, vui vẻ”.

Theo Ban Quản lý dự án huyện Cẩm Mỹ, từ cuối năm 2018 huyện đã có kế hoạch phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho ngành GD-ĐT huyện là trên 20 tỷ đồng dùng vào việc nâng cấp và cải tạo các trường, mua sắm thêm bàn ghế, đồ dùng dạy học. Trong số các trường được đầu tư cải tạo nâng cấp có Trường THCS Thừa Đức được đầu tư nhiều hạng mục mới như thay thế bàn ghế, mái che sân trường, nhà để xe, nhà vệ sinh.

Trong khi đó, Trường tiểu học Trung Dũng (xã Xuân Tây) được huyện đầu tư xây dựng lại khối nhà hiệu bộ… Mục tiêu của nhà trường đặt ra là trong nửa đầu năm học mới sẽ hoàn thành các hạng mục xây dựng và làm hồ sơ để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ I. Đây cũng là một trong những tiêu chí để Xuân Tây được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao của huyện Cẩm Mỹ.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, năm học mới 2019-2020 các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh có sĩ số học sinh ổn định, trường lớp được địa phương triển khai củng cố ngay trong thời gian học sinh được nghỉ hè. Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty cổ phần sách thiết bị trường học Đồng Nai đưa hàng chục ngàn đầu sách giáo khoa, đồ dùng học tập được UBND tỉnh trợ giá về cung cấp cho các trường ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy có thể khẳng định đến thời điểm này tình hình trường lớp đã ổn định, sách vở cũng không thiếu cho năm học mới.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,484,342       2/1,181