Xã hội

Uống rượu, bia gây nhiều bệnh nguy hiểm

Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam bị xuất huyết tiêu hóa ở mức độ rất nặng. Nếu vào bệnh viện chậm trễ khoảng 1-2 giờ đồng hồ, bệnh nhân sẽ đối diện với nguy cơ tử vong vì mất quá nhiều máu.

Ê-kíp y, bác sĩ Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai nội soi cấp cứu bệnh nhân N.T.B. bị xuất huyết tiêu hóa
Ê-kíp y, bác sĩ Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai nội soi cấp cứu bệnh nhân N.T.B. bị xuất huyết tiêu hóa

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa là do bệnh nhân bị xơ gan vì uống nhiều bia, rượu.

* Suýt mất mạng vì nghiện rượu

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trọng Nhân, Khoa Nội soi Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, bệnh nhân N.T.B. (44 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) nhập viện ngày 20-7 trong tình trạng sốc mất máu, huyết áp tụt sâu, nôn ói ra máu. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, truyền máu, truyền dịch, dùng thuốc vận mạch cho bệnh nhân, đồng thời tiến hành nội soi để cầm máu khẩn cho bệnh nhân. Khi nội soi vào dạ dày, các bác sĩ phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có rất nhiều máu (khoảng 2 lít máu). Bác sĩ đã thắt chỗ thủng gây xuất huyết, tiếp tục theo dõi hồi sức, truyền tổng cộng 5 đơn vị máu cho bệnh nhân.

Thông thường khi rượu, bia đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa cồn thành aceltedehyde. Ở người bình thường, aceltedehyde lại tiếp tục chuyển hóa thành acetate, một chất an toàn hơn với cơ thể. Những người bị đỏ mặt khi uống rượu, bia là do quá trình chuyển hóa actadehyde thành acetate nhanh hơn người bình thường. Khi có quá nhiều chất actadehyde được sinh ra, lâu ngày sẽ gây nên các bệnh về gan. Cùng với đó, những người bị đỏ mặt khi uống rượu, bia sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về gan cao hơn so với những người không bị đỏ mặt.

Theo bác sĩ Trọng Nhân, xuất huyết tiêu hóa là biến chứng thường gặp và là biến chứng nặng của xơ gan, nguy cơ tử vong khoảng 25%. Trường hợp bệnh nhân B. nếu vào bệnh viện trễ 1-2 giờ đồng hồ sẽ khó bảo đảm tính mạng vì mất quá nhiều máu. Quá trình điều trị cho bệnh nhân B. cũng gặp không ít khó khăn vì ngoài bị xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân còn bị xơ gan nên rối loạn đông máu, chức năng gan giảm khiến hồi sức khó khăn. Đặc biệt, trong vòng có vài tháng, bệnh nhân đã bị xuất huyết tiêu hóa 2 lần. Lần này sau khi xuất viện, nếu bệnh nhân về nhà vẫn tiếp tục uống rượu, bia mà không uống thuốc để làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa thì bệnh nhân sẽ tiếp tục bị xuất huyết tiêu hóa.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), uống rượu, bia là tác nhân gây nên 30 bệnh không lây nhiễm nguy hiểm, là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Một số bệnh lý thường gặp do nghiện bia, rượu như: tim mạch, tăng huyết áp, phình mạch chủ, bệnh đường miệng, xơ gan, viêm gan, viêm tụy cấp và mạn tính. Đó là chưa kể, uống rượu, bia còn gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực…

* Nhận biết bệnh để điều trị sớm

Rượu, bia khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành acetaldehyd, rất độc cho gan. Nếu uống 0,3 lít/ngày, lượng acetaldehyd sinh ra vượt quá khả năng chuyển hóa của gan sẽ gây nhiễm độc gan, viêm gan. Tình trạng viêm gan kéo dài sẽ khiến những tế bào gan chết được thay thế bằng các mô xơ và bắt đầu quá trình xơ gan. Lượng cồn do bia, rượu khi vào cơ thể quá cao sẽ tích tụ gây độc, làm chết tế bào gan, tăng men gan.

Bác sĩ Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết, sau khi uống nhiều rượu, bia, cơ thể thường có những triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo gan đang bị tổn thương do nhiễm độc. Khi chức năng gan suy yếu sẽ ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan khác trong cơ thể, nhất là chức năng tiêu hóa gây nôn ói ra máu, xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, không cầm được.

Ở nữ giới, người tiểu đường, béo phì, viêm gan do virus, xơ gan, nghiện rượu sẽ đẩy nhanh tiến trình xơ gan, làm gan suy yếu nhanh hơn và nặng hơn. Nam giới nghiện rượu sẽ dễ bị rối loạn nội tiết, vú to, sinh dục kém.

Tình trạng nhiễm độc gan xảy ra khi các độc chất vượt quá khả năng giải độc của gan, tích tụ lâu dài rồi sinh bệnh tại gan và toàn cơ thể, biểu hiện ra ngoài bằng những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực như: mệt mỏi, khó chịu, béo phì, vàng da....

Các bác sĩ cho hay, hiện tượng da đổi màu, vàng mắt, nước tiểu chuyển màu vàng đục cảnh báo chứng vàng da của bệnh viêm gan. Màu phân thay đổi sang xám hoặc bạc, thường xuyên cảm thấy quặn ruột và đi tiêu đột xuất là dấu hiệu gan nhiễm độc, rối loạn khả năng hoạt động. Biểu hiện buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, phù nề, mẩn ngứa, mề đay, mụn nhọt... cũng là những triệu chứng không nên xem thường.

Vị trí đau thường gặp ở người bị bệnh gan là vùng hạ sườn phải. Tuy nhiên, hầu hết bệnh gan mạn tính như viêm gan, xơ gan diễn tiến âm thầm trong 5-10 năm mà không có cơn đau nổi bật, bệnh nhân thường chỉ cảm thấy tức nặng ở vùng hạ sườn phải nên khi vào viện thì bệnh đã trở nặng. Chỉ có bệnh gan cấp tính là áp xe gan gây đau dữ dội hạ sườn phải, kèm theo sốt cao liên tục mới biểu hiện cụ thể.

Những người hay bị đỏ mặt khi uống rượu cũng là triệu chứng cho thấy gan đang bị tổn thương.

An Yên (ghi)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,484,296       1/1,181