Xã hội

Chăm sóc sức khỏe người lao động: Nhiều DN chưa chú trọng

Hiện vẫn còn thực trạng nhiều chủ doanh nghiệp (DN) "ngó lơ" với tình hình sức khỏe của NLĐ, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, có số lượng công nhân lao động thuộc hàng đông nhất cả nước (khoảng 1 triệu người). Một lẽ đơn giản mà bất kỳ chủ doanh nghiệp (DN) nào cũng biết là muốn DN ngày càng phát triển thì sức khỏe của người lao động (NLĐ) phải được đảm bảo.

Công nhân làm việc tại các doanh nghiệp gỗ cần được đi kiểm tra chức năng hô hấp định kỳ vì thường xuyên tiếp xúc với bụi gỗ. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Great Kingdom Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) trong giờ làm việc. Ảnh: H.Dung
Công nhân làm việc tại các doanh nghiệp gỗ cần được đi kiểm tra chức năng hô hấp định kỳ vì thường xuyên tiếp xúc với bụi gỗ. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Great Kingdom Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) trong giờ làm việc. Ảnh: H.Dung

TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn thực trạng nhiều chủ DN “ngó lơ” với tình hình sức khỏe của NLĐ, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Do đó, ngành Y tế cũng khó tiếp cận để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

* Nhiều DN còn thờ ơ với sức khỏe công nhân

Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, trong tổng số hơn 10 triệu NLĐ đang làm việc có đóng bảo hiểm xã hội trong cả nước, mỗi năm chỉ có khoảng 100 ngàn lượt NLĐ được khám bệnh nghề nghiệp, chiếm tỷ lệ chưa đến 10%. Việc khám bệnh nghề nghiệp cũng chỉ thực hiện được tại 38/63 tỉnh, thành phố. Trong số hơn 6 ngàn trường hợp được phát hiện bệnh nghề nghiệp mỗi năm, chỉ có hơn 500 trường hợp được giám định để hưởng chế độ bảo hiểm.

Theo phân cấp của Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện được giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối quản lý trên địa bàn tỉnh và thực hiện công tác y tế lao động (YTLĐ), phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, thực tế cho thấy nơi nào chủ DN có ý thức, trách nhiệm và tính tự giác cao thì nơi đó NLĐ được quan tâm, chăm lo sức khỏe tốt. Ngược lại, nếu chủ DN thờ ơ thì NLĐ ít được quan tâm. Thậm chí có những người làm việc liên tục trong môi trường nặng nhọc, độc hại nhiều năm nhưng không được DN cho đi khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Vì thế mà đến nay, ngành Y tế mới chỉ quản lý được hơn 1,6 ngàn cơ sở lao động, chủ yếu là các DN lớn nằm trong các khu công nghiệp. Còn lại những DN vừa và nhỏ, nằm ngoài khu công nghiệp rất khó quản lý.

Kết quả cả năm 2018, ngành Y tế chỉ thực hiện quan trắc môi trường lao động tại 345 cơ sở lao động; khám sức khỏe định kỳ cho hơn 74,7 ngàn NLĐ tại 205 cơ sở; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 22,5 ngàn lao động của 70 cơ sở. Tất cả những kết quả này đều chưa đạt so với kế hoạch đề ra và còn rất khiêm tốn so với tổng số công nhân lao động trong toàn tỉnh.

Công nhân Mai Kim Hoa, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) cho biết, trước đây chị từng làm việc tại 2 công ty chuyên ngành may mặc trên địa bàn huyện Trảng Bom. Mặc dù làm việc gần 4 năm nhưng chưa lần nào chị được công ty cho đi khám sức khỏe. Mãi đến khi vào làm việc tại Công ty Pousung, chị Hoa mới được công ty cho đi khám sức khỏe đầu vào (gồm thử máu, kiểm tra chức năng hô hấp, đo huyết áp, kiểm tra thính lực, thị lực) để bố trí công việc.

* Thà chịu phạt chứ không thực hiện

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom Nguyễn Đức Phước cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến kết quả thực hiện công tác YTLĐ của huyện đạt thấp. Đến nay mới chỉ lập hồ sơ vệ sinh lao động cho 11 DN, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân tại 30 DN, quan trắc môi trường lao động tại 12 DN, tập huấn sơ cấp cứu cho hơn 500 người của 12 DN/800 cơ sở lao động với hơn 120 ngàn công nhân lao động. Trong đó phải kể đến nguyên nhân nhiều chủ DN “nhờn” luật, thà chấp nhận bị xử phạt chứ không thực hiện đúng theo quy định. Lý do là số tiền nộp phạt thấp hơn số tiền mà công ty phải bỏ ra để khám sức khỏe cho NLĐ. Do đó, chưa mang tính răn đe, cảnh báo.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hạnh Dung
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hạnh Dung

Trong khi đó, để kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác YTLĐ, Trung tâm y tế huyện Long Thành đã gửi cán bộ đi đào tạo ở nhiều nơi, đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị, máy móc phục vụ cho lĩnh vực này. Thế nhưng kết quả thực hiện công tác YTLĐ vẫn chưa được như mong muốn.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn cho biết, khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận các DN để phổ biến nội dung chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Vì hiện nay, các DN đã có thể tự lập hồ sơ vệ sinh lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp chứ không cần trung tâm y tế huyện hỗ trợ như trước kia nên kênh tiếp cận này không còn nữa.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ít nhất 1 lần/năm. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì khám ít nhất 2 lần/năm.

Nói về vấn đề tiếp cận DN, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Phan Hải Nam nhấn mạnh, có những trường hợp cơ quan chức năng của tỉnh vào kiểm tra, giám sát công tác YTLĐ nhưng chủ DN cố tình né tránh. Mặt khác, về giá khám sức khỏe cho NLĐ và quan trắc môi trường, các cơ sở y tế tư nhân được tự do quyết định còn các cơ sở y tế công lập thì không, nên tạo ra sự cạnh tranh đáng kể trong việc tiếp cận DN.

Theo ông Đỗ Đình Hiệp, Giám đốc Trung tâm sản xuất Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác (Khu công nghiệp Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), có nhiều lý do khiến các DN không “mặn mà” chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Trước hết là do chủ DN không muốn chi một khoản tiền lớn để tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ, không muốn xáo trộn công việc trong thời gian NLĐ nghỉ làm để đi khám sức khỏe. Riêng tại Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác, hằng năm đều hợp đồng với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ.

* Cần có biện pháp, chế tài nghiêm minh

Trong số hơn 1 triệu NLĐ đang làm việc trên địa bàn tỉnh, có khoảng 60% là lao động phổ thông, làm việc trong những môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các bệnh nghề nghiệp. Nếu công tác an toàn vệ sinh lao động tại DN không đảm bảo, DN không tổ chức cho NLĐ đi khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp thì những hậu quả về sức khỏe sau này, chính NLĐ phải gánh chịu. Lẽ đương nhiên sẽ gây ra những hệ quả với chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, gia đình của NLĐ.

Người lao động được khám sức khỏe định kỳ tại Khoa Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh
Người lao động được khám sức khỏe định kỳ tại Khoa Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh

Do đó, nâng cao ý thức, nhận thức về vai trò, trách nhiệm của chủ DN đối với NLĐ là yêu cầu bức thiết. Phải làm sao để DN thực sự xem trọng NLĐ, xem NLĐ là “tài sản” quý của DN, là động lực để thúc đẩy DN phát triển bền vững chứ không đơn thuần chỉ là công cụ để tạo ra lợi nhuận cho DN.

Thực hiện vai trò, chức năng là người đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp đối với NLĐ, thời gian qua các cấp Công đoàn trong tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm môi trường làm việc, sức khỏe cho NLĐ. Với mục tiêu chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong năm 2018, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Công đoàn và DN trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, huấn luyện cho công nhân viên chức lao động nâng cao kiến thức pháp luật về bảo hộ lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra trong quá trình sản xuất.

Kết quả, có 862 DN tổ chức các hoạt động, tuyên truyền về công tác bảo hộ lao động cho trên 130 ngàn công nhân lao động tại các DN. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ tại 43 DN có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại, cháy, nổ và nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của chủ DN, theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và lãnh đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, Sở Y tế cần có những đề xuất, kiến nghị để đưa ra những biện pháp, chế tài xử lý nghiêm minh những DN không thực hiện nghiêm quy định liên quan đến YTLĐ đối với NLĐ, không để tình trạng này dây dưa, kéo dài, gây thiệt thòi cho NLĐ.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,092,302       8/1,058