Xã hội

Tận tâm với người lao động

Trong 21 năm làm công tác Công đoàn và ngay cả khi về hưu, bà Phan Thị Hiếu, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò tư vấn pháp luật và hòa giải lao động để có điều kiện giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ).

Bà Phan Thị Hiếu (thứ 2 từ trái qua) đang hòa giải cho doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: N.An
Bà Phan Thị Hiếu (thứ 2 từ trái qua) đang hòa giải cho doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: N.An

Bà Hiếu tâm sự: “Đến giờ này, công tác Công đoàn và chăm lo cho NLĐ đã ăn sâu vào máu của tôi... Niềm vui lớn nhất trong mấy mươi năm qua của tôi chính là những lúc tôi giúp NLĐ đòi được quyền lợi của họ khi bị doanh nghiệp chèn ép. Chính niềm vui của NLĐ là động lực để tôi tiếp tục sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho họ”.

* Trưởng thành từ tổ chức Công đoàn

Bà Hiếu chia sẻ, bà được nuôi dưỡng từ “chiếc nôi” của ngành Giáo dục nhưng lớn lên và trưởng thành từ tổ chức Công đoàn. Tốt nghiệp ngành sư phạm (Trường cao đẳng sư phạm trung ương 3, TP.Hồ Chí Minh) năm 1980, bà về công tác tại Phòng GD-ĐT huyện Long Thành và tham gia vào Ban Chấp hành Công đoàn của ngành Giáo dục (sau này bà có học văn bằng hai cử nhân kinh tế ngành Tài chính tiền tệ ngân sách).

Với sự cống hiến miệt mài vì hoạt động Công đoàn, bà Phan Thị Hiếu đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Ban Dân vận Trung ương; 7 năm liền (2008-2014) được nhận bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

“Trong thời gian làm việc ở đây, tôi đã nhiều lần giúp đỡ cho các giáo viên đòi được những quyền lợi chính đáng. “Máu Công đoàn” của tôi bắt đầu hình thành từ đó” - bà Hiếu kể.

Năm 1994, khi huyện Nhơn Trạch được tách ra từ huyện Long Thành, bà Hiếu được điều chuyển về công tác tại Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch với cương vị Phó chủ tịch Công đoàn. Năm 2000, bà được bầu làm Chủ tịch Công đoàn và giữ chức vụ đó trong suốt 15 năm. 

Trong thời gian làm việc tại Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch, bà Hiếu đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục những khó khăn, hạn chế và đưa tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển mạnh. Theo bà Hiếu, trước đây, tình hình an ninh trật tự các khu công nghiệp trên địa bàn Nhơn Trạch rất phức tạp, tình trạng công nhân đình công đòi những quyền lợi về chính sách lao động thường xuyên xảy ra. Bằng sự nhạy bén của mình, bà đã nỗ lực tìm ra giải pháp giải quyết ổn thỏa các vụ đình công, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Để tổ chức Công đoàn địa phương ngày càng lớn mạnh, bà Hiếu đã vận động được nhiều công nhân tâm huyết tham gia vào đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở trong các công ty, xí nghiệp. Ngoài ra, bà còn xây dựng lực lượng công nhân nòng cốt (khoảng từ
20-40 người) am hiểu pháp luật để truyền đạt kiến thức pháp luật lao động tới từng công nhân. Vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, bà cùng công nhân nòng cốt đi đến các khu nhà trọ ở các xã Phước Thiền, Hiệp Phước... để tuyên truyền chính sách pháp luật lao động cho công nhân. Nhờ vậy, nhiều vụ đình công, kiện tụng về lao động đã được hóa giải, quan hệ giữa công nhân và người sử dụng lao động được cải thiện, đời sống của NLĐ được nâng lên.

 Xác định tổ chức Công đoàn là điểm tựa của NLĐ, bà Hiếu luôn trăn trở và tìm cách bảo vệ họ. Bất kể ngày nắng hay đêm khuya, hễ nhận được tin đình công hoặc người sử dụng lao động “ép” công nhân tăng ca… là bà cấp tốc đến nơi để tìm hiểu và giải quyết vụ việc theo hướng có lợi cho NLĐ mà pháp luật đã quy định.

“Người cán bộ Công đoàn phải biết lắng nghe và chia sẻ với NLĐ. Có thể câu chuyện của NLĐ đúng hoặc sai, nhưng dù đúng hay sai thì họ cũng muốn có người để chia sẻ. Cho nên, sự quan tâm chia sẻ của cán bộ sẽ giúp họ yên tâm, vững tin vào tổ chức Công đoàn” - bà Hiếu chia sẻ.

* Tâm hướng về NLĐ

Tháng 7-2015, khi biết bà Hiếu nghỉ hưu, một số doanh nghiệp đã “trải thảm đỏ” mời bà về làm việc với mức lương khá cao. Tuy nhiên, bà đã từ chối và quyết định chọn công việc giúp đỡ miễn phí cho NLĐ. “Một vị lãnh đạo cấp trên đã khuyên tôi rằng, làm việc gì có giá trị nhiều hơn tiền thì nên làm... và tôi đã chọn công việc hướng về NLĐ” - bà Hiếu nói.

Tháng 8-2015, bà Hiếu về làm việc tại Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn huyện Nhơn Trạch, vừa kiêm nhiệm vị trí hòa giải viên lao động của Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện. Đến ngày
31-7-2019, bà nghỉ làm công tác tư vấn pháp luật và tập trung làm hòa giải viên lao động. Dù ở vị trí nào, trong lòng bà vẫn nghĩ đến quyền lợi của NLĐ.

Ngày càng đông người lao động ở huyện Nhơn Trạch tin tưởng và tìm đến bà Phan Thị Hiếu để nhờ bảo vệ quyền lợi. Ảnh: N. An
Ngày càng đông người lao động ở huyện Nhơn Trạch tin tưởng và tìm đến bà Phan Thị Hiếu để nhờ bảo vệ quyền lợi. Ảnh: N. An

Thời gian qua, bà Hiếu đã tiếp nhận và giúp đỡ cho gần cả ngàn trường hợp NLĐ bị doanh nghiệp “làm khó”. Một trong những vụ được bà giúp đỡ mới đây là trường hợp của chị N.T.T. (ngụ huyện Nhơn Trạch). Đầu năm 2019, chị T. xin vào làm việc trong một công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3;
nhiệm vụ của chị là kiểm hàng và đóng gói sản phẩm. Khi công việc đang ổn định, đầu tháng 8-2019, phía công ty yêu cầu chị sang làm công việc khác. Nhận thấy công việc này mới và không phù hợp với khả năng nên chị đã từ chối. Từ đó, chị bị phía công ty “làm khó”, công ty cho chị trong vài ngày suy nghĩ và nếu vẫn không chấp hành sự điều động trên thì sẽ bị đuổi việc. Trong những ngày đó, chị vẫn đến xưởng nhưng phía công ty không cho chị làm việc mà đưa lên văn phòng ngồi một chỗ đến hết giờ rồi về. Chị buồn rầu và chia sẻ câu chuyện của mình lên một trang mạng xã hội thì được giới thiệu đến gặp bà Hiếu để được giúp đỡ. 

Khi nhận đơn “cầu cứu” của chị T., bà Hiếu tổ chức buổi hòa giải và mời các bên liên quan đến làm việc. Tại đây, bà đã phân tích, giải thích cho công ty thấy việc điều chuyển trên là chưa phù hợp với quy định pháp luật lao động. Kết quả, phía doanh nghiệp thừa nhận có thiếu sót và đồng ý nhận người lao động trở lại làm việc. Tuy nhiên, chị T. nhận thấy, việc công ty đã xử “tệ” với mình trước đó nên chị không còn mặn mà quay trở lại làm việc. Công ty đồng ý cho người lao động nghỉ và giải quyết 1 tháng tiền lương để chị đi tìm việc làm mới. Buổi hòa giải thành công, hai bên vui vẻ ra về.

Một người có tâm, có tầm, có trách nhiệm

Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) Vũ Ngọc Hà nhận xét: “Bà Phan Thị Hiếu là một người có tâm, có tầm và có trách nhiệm trong công việc. Lúc còn làm lãnh đạo của Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch, bà đã có nhiều nỗ lực đưa phong trào Công đoàn ngày càng lớn mạnh và trở thành một trong những đơn vị hàng đầu của tỉnh. Điều đáng quý là sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục gắn bó với hoạt động Công đoàn thông qua công tác tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho NLĐ. Nhiều vụ tranh chấp lao động đã được bà hỗ trợ đến cùng, tạo niềm tin cho NLĐ”.

Gần 4 năm làm việc tại Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn huyện Nhơn Trạch (tháng 9-2015 đến 31-7-2019), bà Hiếu đã tư vấn miễn phí (qua điện thoại và trực tiếp) cho hơn 1,1 ngàn trường hợp (doanh nghiệp 214 trường hợp và NLĐ 984 trường hợp). Kết quả, đã giúp 19 NLĐ đòi lại tiền lương trên 214 triệu đồng; yêu cầu doanh nghiệp nhận NLĐ trở lại làm việc 105 trường hợp, thanh toán tiền tai nạn lao động 3 trường hợp với số tiền trên 182 triệu đồng, bồi thường cho NLĐ vì cho nghỉ việc trái luật là 208 trường hợp với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng... Còn ở vị trí hòa giải viên lao động, từ năm 2016 đến nay, bà tham gia tổ chức hòa giải thành 116/119 vụ.

“Có người hỏi là tại sao tôi không bênh người sử dụng lao động vì bênh họ tôi sẽ có lợi nhiều. Thực tế, đã có người nhắn tin cho tôi rằng: “Cô ơi, công ty đồng ý chi trả 10 triệu đồng cho cô để cô ghi văn bản là công ty đúng...”. Tuy nhiên, tôi đã thẳng thừng từ chối vì lương tâm mình không cho phép làm điều đó. Hơn nữa, NLĐ là những người yếu thế, kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế nên rất cần sự giúp đỡ. Vì vậy, tôi còn sức khỏe ngày nào thì sẽ tiếp tục giúp đỡ cho NLĐ”. 

Nhân An

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,474,819       1/824