Xã hội

Giáo viên trẻ vượt khó bám nghề

Ở Trường tiểu học Phước Khánh (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch), nhiều giáo viên trẻ đang lặng lẽ vượt qua khó khăn về thu nhập, thiếu thốn trong sinh hoạt và tình cảm gia đình để bám trụ trường lớp.

Cô Trần Thị Huyền Trang với các học trò trên lớp. Ảnh: C.Nghĩa
Cô Trần Thị Huyền Trang với các học trò trên lớp. Ảnh: C.Nghĩa

Thầy Nguyễn Kiến Quốc, giáo viên tổng phụ trách Đội của Trường tiểu học Phước Khánh chia sẻ: “Tôi từ miền Trung đến Phước Khánh đã hơn 3 năm, lương chưa đủ sống nhưng tôi có động lực lớn hơn để gắn bó với học trò nơi đây vì nhiều em ở đây còn khó khăn. Tôi mong muốn làm được điều gì đó tốt cho các em, không để em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học”.

* Vì trò thầy không bỏ nghề

Năm 2016, thầy Quốc tốt nghiệp Trường đại học sư phạm Huế (thuộc đại học Huế) nhưng không tìm được việc làm. Vì không nỡ bỏ nghề giáo đã cất công học hành mấy năm trời, tốn kém tiền bạc đầu tư của cha mẹ nên thầy quyết định khăn gói rời miền Trung vào Đồng Nai với hy vọng có ngày được đứng lớp dạy chữ cho học trò. Nộp hồ sơ tìm việc tại Phòng GD-ĐT huyện Nhơn Trạch, thầy Quốc được phân về Trường tiểu học Phước Khánh.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Khánh Dương Thanh Hải: Mong các cô giáo trẻ đủ nghị lực bám nghề

Chúng tôi rất khâm phục và thông cảm với điều kiện của những giáo viên trẻ đã chấp nhận về trường công tác. Chúng tôi thường xuyên động viên các thầy cô tiếp tục vượt khó gắn bó với nghề. Tuy nhiên cũng rất mong sẽ sớm có chính sách tăng thu nhập cho giáo viên trẻ để họ yên tâm gắn bó lâu dài với công việc trồng người.

Thầy Quốc tâm sự: “Làm giáo viên tổng phụ trách Đội, ngoài tổ chức các hoạt động Đội trong trường học, tôi còn nắm tình hình học sinh, nhất là những học sinh hoàn cảnh còn khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Thấy em nào bỏ học 1 hoặc 2 ngày không đến lớp, tôi và giáo viên chủ nhiệm lại đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân và vận động em đó tiếp tục đến trường”.

Còn cô Cao Thị Thu Phương quê ở huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) tốt nghiệp Trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã về dạy ở Trường tiểu học Phước Khánh được hơn 2 năm nay. Cô Phương cho biết: “Ngày mới nhận quyết định về trường công tác tôi khá “sốc” vì tốt nghiệp đại học nhưng chỉ được hưởng lương trình độ trung cấp với 2,7 triệu đồng/tháng thử việc, từ tháng thứ bảy trở đi, khi hết thời gian thử việc tôi mới được nhận lương chính thức là 3,5 triệu đồng/tháng”.

Cùng được phân công về Trường tiểu học Phước Khánh công tác với cô Phương thời điểm năm 2017 còn có 3 cô giáo trẻ khác mới tốt nghiệp ra trường, mỗi cô đến từ một địa phương khác nhau. Thấy 4 cô giáo trẻ “chân ướt chân ráo” về trường với nhiều thiếu thốn, một phụ huynh đã mời các cô về ở mà không thu tiền trọ.

Cô Phương cho hay, địa bàn xã Phước Khánh khá rộng, ấp xa nhất cách trường đến 10km. Vì nhà xa trường nên nhiều em ở lại học bán trú, sáng đến lớp, trưa ăn cơm ở trường, chiều học tiếp, tan học về đến nhà trời đã nhá nhem tối. “Thấy các em đi học vất vả, chúng tôi rất thương. Hôm nào có học sinh vắng mặt trên lớp là chúng tôi lo lắng” - cô Phương nói.

* Làm tròn chữ tâm với trò

Cô Phan Thị Hồng Trâm là giáo viên thế hệ 9X, nhà ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) nhưng lại có duyên với mảnh đất Phước Khánh. Cô Trâm cho biết, ngày mới nhận quyết định thử việc tại Trường tiểu học Phước Khánh với mức lương 2,7 triệu đồng/tháng cả gia đình ai cũng thấy ái ngại, sợ cô sẽ bỏ nghề chỉ trong vài tháng đầu. Thậm chí, có người còn khuyên cô nên tìm một việc khác, hay làm công nhân da giày gần nhà lương lại cao gấp đôi lương giáo viên. Nhưng bằng tất cả tình yêu với nghề sư phạm, cô Trâm vẫn quyết đi con đường mình đã chọn, đó là gắn bó với nghề dạy chữ cho học sinh.

Cô Trâm chia sẻ, ở vùng đất Phước Khánh này còn nhiều học sinh khó khăn, nguy cơ bỏ học khá cao. Ngày nào nhìn xuống lớp thấy một chỗ ngồi trống là cô phải gọi điện hỏi phụ huynh ngay. Nếu phụ huynh không nghe máy, cô lại phải đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân. Cô Trâm kể: “Năm học trước một học sinh nam có ý định bỏ học, thấy vậy tôi nhờ một giáo viên người địa phương chở đến nhà thì biết cha mẹ em mới ly hôn, mỗi người một nơi, bỏ em ở lại với ông bà. Tôi khuyên em tiếp tục đến lớp, em chỉ khóc. Nhờ kiên trì thuyết phục, em đã tiếp tục đến lớp”.

Cô Phan Thị Hồng Trâm trong giờ dạy các em học sinh lớp 5 do mình chủ nhiệm. Ảnh: C. Nghĩa
Cô Phan Thị Hồng Trâm trong giờ dạy các em học sinh lớp 5 do mình chủ nhiệm. Ảnh: C. Nghĩa

Vào đầu năm học mới vừa qua, một học sinh nữ lớp cô Trâm cũng có ý định bỏ học giữa chừng. Cô đã gặp phụ huynh  tìm hiểu thì được biết cha mẹ định cho học sinh này nghỉ học vì đường tới trường quá xa, sợ con đến lớp một mình trên đường nguy hiểm, khả năng bị xâm hại lại cao. Vừa thuyết phục, cô Trâm vừa cam kết sẽ hỗ trợ  học sinh này trong học tập và trang bị kỹ năng phòng tránh xâm hại nên cha mẹ đã đồng ý để em tiếp tục đến trường.

Trong số những giáo viên từ những địa phương khác về công tác tại Trường tiểu học Phước Khánh, cô Trần Thị Huyền Trang là gần nhà hơn cả. Từ xã Phước Khánh về nhà cô ở huyện Long Thành chỉ gần 20km, tuy vậy mỗi tháng cô cũng chỉ về thăm cha mẹ 1-2 lần vào ngày chủ nhật. Những ngày nghỉ không về cô dành để phụ đạo cho những học sinh học lực còn yếu, hay đi thăm một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Cô Trang cho biết: “Giáo viên ở thành phố có thể dạy thêm kiếm thêm thu nhập, còn ở đây chúng tôi chủ yếu dạy phụ đạo miễn phí để các em củng cố kiến thức”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,090,269       8/1,628