Xã hội

Giáo viên thích ứng với công nghệ số

Tận dụng thế mạnh của các thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) để khai thác tư liệu, soạn giảng, tổ chức các hoạt động học tập… đang là điều mà nhiều giáo viên áp dụng. Trong đó, giáo viên trẻ là những người có lợi thế hơn cả.

Sự phát triển ngày càng nhanh của công nghệ số đang đòi hỏi giáo viên phải thay đổi để thích ứng.

Cô Phạm Thị Kim Duyên và các học trò trong một tiết học ứng dụng kết nối Skype
Cô Phạm Thị Kim Duyên và các học trò trong một tiết học ứng dụng kết nối Skype. Ảnh: H.Yến

Tận dụng thế mạnh của các thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) để khai thác tư liệu, soạn giảng, tổ chức các hoạt động học tập… đang là điều mà nhiều giáo viên áp dụng. Trong đó, giáo viên trẻ là những người có lợi thế hơn cả.

* Từ yêu cầu ứng dụng CNTT...

Ứng dụng CNTT, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục là một trong 15 tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông mà Bộ GD-ĐT đã ban hành năm 2018. Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT tiếp tục được Bộ GD-ĐT xác định là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2019-2020. Vì thế, việc đổi mới để thích ứng với thời đại công nghệ kỹ thuật số càng trở nên bức thiết với đội ngũ nhà giáo.

Được học về ứng dụng CNTT trong dạy học từ khi còn là sinh viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh nhưng khi ra trường cô Phạm Thị Kim Duyên (giáo viên môn Địa lý) đã không có điều kiện để ứng dụng ngay. Cách đây 13 năm, việc đòi hỏi hệ thống máy tính có kết nối internet, bảng điện tử, máy chiếu… ở một trường vùng sâu, vùng xa như Trường THPT Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ) là một yêu cầu khó. Dù đọc và tham khảo nhiều tài liệu để giảng dạy nhưng vì không có hình ảnh minh họa nên cô Duyên vẫn cảm thấy như mình đang nói “lý thuyết suông”.

Từ khi chuyển về Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh
(TP.Biên Hòa), công việc giảng dạy của cô đã có nhiều thay đổi. Với hệ thống máy tính được trang bị ở khắp các lớp học, cô Duyên đã bắt đầu việc ứng dụng CNTT một cách đơn giản nhất với các bài trình chiếu PowerPoint. Sau đó, cô tự học thêm các ứng dụng bài giảng điện tử e-learning và các kỹ thuật dạy học khác trên internet. Với việc áp dụng phương tiện dạy học này, các bài học sẽ trở nên trực quan, sinh động và thú vị hơn. Nhờ đó, học sinh tiếp thu bài hào hứng và hiệu quả hơn.

Không chỉ có bảng đen - phấn trắng, những lớp học được trang bị tivi, máy chiếu, laptop, màn hình thông minh… đã dần trở nên quen thuộc. Ứng dụng và khai thác có hiệu quả CNTT trong dạy học đang trở thành một trong những yêu cầu cơ bản của giáo viên.

Việc soạn giảng tiết dạy có ứng dụng CNTT sẽ lâu hơn so với tiết dạy truyền thống. Vì giáo viên phải chuẩn bị tư liệu, hình ảnh, clip… cho bài giảng. Khi sưu tầm được các tư liệu này, giáo viên phải biết chắt lọc để lấy những phần cần thiết.  Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy đòi hỏi giáo viên phải chịu khó tìm tòi, học hỏi và sáng tạo.

Học sinh hứng thú với những giờ học có ứng dụng công nghệ thông tin
Học sinh hứng thú với những giờ học có ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: H.Yến

Thầy Nguyễn Thanh Hiền, Trường THPT Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), người đoạt giải nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2017-2018 chia sẻ: “Không phần mềm nào có thể đáp ứng được hết các yêu cầu của giáo viên. Mỗi phần mềm có một ưu thế nhất định, quan trọng là người dạy phải biết lựa chọn sao cho phù hợp với những kiến thức cần truyền đạt cho học sinh”.

*... Đến lớp học “không biên giới”

Tham gia trao đổi, học hỏi trong một nhóm dạy học tích cực trên mạng xã hội, cô Phạm Thị Kim Duyên được một đồng nghiệp giới thiệu về việc áp dụng công cụ Skype trong dạy học. Với việc sử dụng công cụ Skype, giáo viên có thể mở rộng không gian ra bên ngoài lớp học bằng cách kết nối trực tiếp với các giáo viên, chuyên gia, lớp học… khác ở các vùng, miền, đất nước khác nhau.

Theo đó, sau khi tìm hiểu hình thức dạy học này, cô Duyên đã kết nối với giáo viên ở nhiều tỉnh như: Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai… để học sinh tìm hiểu về địa lý các vùng, miền của Việt Nam.

Trước khi kết nối trực tiếp trong giờ học, cô Duyên và giáo viên tỉnh bạn đã bàn bạc để lên kịch bản cho tiết học. Các giáo viên cũng chia nhóm và giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu trước vấn đề để cùng nhau thảo luận trong giờ học…

“Với cách dạy học này, học sinh rất hứng thú với môn học. Dù chỉ thông qua màn hình điện tử nhưng các em đã được “mắt thấy”, “tai nghe” về con người, văn hóa, sản vật… của nhiều vùng miền trong cả nước. Ví dụ, khi tôi kết nối với lớp học của Trường THPT số 1 huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) thì học sinh ở đó đã đem đến lớp học các sản phẩm địa phương như: vải thổ cẩm, xôi bảy màu… để giới thiệu cho học sinh của tôi. Ngược lại, học sinh của tôi cũng đem hạt điều, hồ tiêu, cà phê để giới thiệu cho các bạn ở “đầu cầu” phía Bắc. Nhờ đó, nội dung học tập trở nên thực tế hơn. Ngoài ra, quá trình chuẩn bị nội dung để thuyết trình, thảo luận còn giúp các học sinh năng động, tự tin hơn”- cô Duyên chia sẻ.

Hiện nay, trên internet nói chung và các diễn đàn về giáo dục trên mạng xã hội nói riêng có rất nhiều hướng dẫn, chia sẻ về việc sử dụng CNTT trong dạy học. Do vậy, chỉ cần chịu khó học hỏi và thực hành, các giáo viên hoàn toàn có thể làm tốt những thao tác này. Tuy nhiên, giáo viên phải lựa chọn nội dung, thời điểm, mức độ…  sử dụng sao cho phù hợp thì mới đem lại hiệu quả. Việc quá lạm dụng các hiệu ứng công nghệ có thể sẽ mang lại kết quả không như mong muốn.

Ngoài ra, tốc độ thay đổi của các ứng dụng CNTT đang diễn ra rất nhanh. Vì vậy, giáo viên phải luôn học hỏi, tìm tòi cái mới để áp dụng, tránh gây nên sự nhàm chán cho học sinh khi áp dụng những “chiêu” công nghệ lỗi thời.

Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,474,126       1/826