Xã hội

Chật vật tổ chức dạy học 2 buổi/ngày

Nhu cầu cho con em học 2 buổi/ngày của phụ huynh là rất lớn, tuy nhiên nhiều trường hiện mới chỉ tổ chức dạy học được 1 buổi/ngày. Áp lực tổ chức dạy 2 buổi/ngày sẽ lớn hơn nhiều khi từ năm học 2020-2021 chính thức áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1.

Học sinh Trường tiểu học Tân Tiến (TP.Biên Hòa) học 2 buổi/ngày. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trường tiểu học Tân Tiến (TP.Biên Hòa) học 2 buổi/ngày. Ảnh: C.Nghĩa

Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Tiến) là một trong số ít những trường tiểu học công lập ở TP.Biên Hòa không gặp phải áp lực sĩ số. Dù chưa là trường chuẩn quốc gia nhưng hiện trung bình sĩ số học sinh/lớp chỉ từ 32-34 em và  còn dư đến 9 phòng học.

* Tiện lợi học 2 buổi/ngày

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh mới chỉ có 65/294 trường tiểu học công lập (chiếm tỷ lệ 22%) tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Năm học 2019-2020, Trường tiểu học Tân Tiến được giao tuyển sinh 220 học sinh lớp 1, nhưng trường chỉ tuyển được 160 em. Số phòng học còn dư được nhà trường bố trí làm phòng ăn trưa cho 400/600 học sinh bán trú. Nhờ dư phòng học nên từ năm học trước nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với 100% học sinh các khối lớp. Buổi sáng các em học chương trình chính khóa, buổi chiều học tăng cường môn Tiếng Anh với người nước ngoài, sinh hoạt ngoại khóa, vui chơi, hoạt động nhóm. Trường tiểu học Tân Tiến còn là trường duy nhất tại TP.Biên Hòa mạnh dạn cho học sinh lớp 1 làm quen sớm với môn Tin học.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Tiến Đào Thị Kim Phượng vui mừng cho biết: “Với cơ sở vật chất đảm bảo đủ mỗi lớp có trên 1 phòng học cùng với Phòng Thư viện, Tin học, Mỹ thuật, âm nhạc… chúng tôi có thể tự tin việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1 từ năm học tới mà hoàn toàn không gặp khó khăn gì”.

Năm học này, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) đón danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất đảm bảo 1.044 học sinh ở 30 lớp của trường đều được học 2 buổi/ngày. Nhà trường còn có mô hình bán trú cho những phụ huynh eo hẹp về thời gian đưa rước con vào buổi trưa. Anh Lê Quốc Thạch (ngụ KP.1, phường Tân Mai) cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, sáng đi chiều mới về, buổi trưa không thể đưa đón con nên việc cho con học bán trú rất phù hợp. Việc học 2 buổi/ngày giúp con bớt áp lực hơn, lại không phải đi học thêm”.

Trường tiểu học Cao Bá Quát (thị trấn Trảng Bom) là trường tiểu học công lập duy nhất tại huyện Trảng Bom tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đồng thời trường còn có mô hình bán trú. Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Công Thức cho biết: “Từ năm 1999, trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Nhà trường hiện có 714 học sinh với 20 lớp, trung bình mỗi lớp chuẩn 35 em. Do có đủ số phòng học nên nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho 100% học sinh từ nhiều năm nay”.

Nhờ học 2 buổi/ngày nên học sinh lẫn giáo viên đều bớt áp lực, đặc biệt nhà trường đã tăng cường được nhiều giờ học kỹ năng cho học sinh. Em Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Cao Bá Quát cho biết: “Do học ở trường 2 buổi/ngày nên con không phải học thêm ở ngoài. Các kiến thức được cô truyền đạt sâu, học đến đâu con nắm được khá chắc đến đó”.

* Khó giải bài toán học 2 buổi/ngày

Lợi ích nhiều mặt của việc tổ chức học 2 buổi/ngày là rõ ràng, tuy nhiên theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 294 trường tiểu học công lập nhưng chỉ có 65 trường (chiếm tỷ lệ 22%) tổ chức dạy được 2 buổi/ngày. Địa phương có số trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày cao nhất là huyện Xuân Lộc với 19/34 trường, Cẩm Mỹ: 13/27 trường, Định Quán: 11/28 trường. Có những địa phương mới chỉ có 1-2 trường tổ chức dạy được 2 buổi/ngày là: Trảng Bom, Thống Nhất, Nhơn Trạch. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu phòng học.

Đồng Nai còn thiếu nhiều lớp học

Vào tháng 7 vừa qua, đoàn khảo sát về cơ sở vật chất phục vụ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới của Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT do ông Bùi Việt Hùng, chuyên viên chính làm trưởng đoàn đã về khảo sát tình hình tại Đồng Nai. Ông Bùi Việt Hùng cho rằng, áp lực về dân số cơ học tăng cao đã khiến Đồng Nai thiếu rất nhiều trường lớp. Với điều kiện trường tiểu học đủ cơ sở vật chất dạy 2 buổi/ngày thấp như hiện nay, Bộ sẽ phải có hướng dẫn linh hoạt hơn mới có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở Đồng Nai.

Nhiều phụ huynh có con học ở trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày cho biết, việc đưa đón lẫn chăm sóc con khá vất vả và bất tiện. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhã, có con học lớp 1/5, Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) than thở: “Trường chỉ dạy 1 buổi/ngày vào buổi sáng, trong khi vợ chồng tôi đều bận nên buổi trưa không thể đón con, buổi chiều lại càng không thể ở nhà với con. Do đó, cách tốt nhất là sau buổi học sáng, đến trưa về nhà cô ăn ngủ và học thêm, đến chiều thì cha mẹ đến đón về”.

Theo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, thành phố hiện có 56 trường tiểu học công lập nhưng chỉ có 6 trường dạy 2 buổi/ngày cho 100% khối lớp (tỷ lệ 10,7%); 15 trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho một số khối lớp (tỷ lệ 26,8%). Biên Hòa vẫn là địa phương chịu nhiều áp lực nhất về sĩ số học sinh, trung bình năm học này là 46 em/lớp. Chỉ tính riêng bậc tiểu học, hiện có trên 30 trường đang gặp áp lực vì thiếu lớp học, trong đó có những trường phải bố trí sĩ số trên 50 học sinh/lớp.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, năm học 2020-2021 sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp 1 cũng đồng nghĩa với một áp lực lớn nữa lại đặt ra, đó là làm sao có đủ lớp học cho học sinh học lớp 1 học 2 buổi/ngày. Hiện nay, thành phố đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đáp ứng tối đa các phòng học mới để có thể áp dụng chương trình mới. Cụ thể, thành phố đã khởi công một số trường mới, xây bổ sung trường học cho một số trường. Khi áp dụng chương trình mới, trường nào đủ lớp học sẽ triển khai học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1, trường nào chưa đủ lớp thì có thể học cả ngày thứ bảy để đảm bảo đủ số tiết quy định của chương trình.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) sau buổi sáng học ở trường sẽ lên ô tô về nhà cô ăn trưa và học thêm vào buổi chiều. Ảnh: C. Nghĩa
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) sau buổi sáng học ở trường sẽ lên ô tô về nhà cô ăn trưa và học thêm vào buổi chiều. Ảnh: C. Nghĩa

Sắp tới, TP.Biên Hòa sẽ linh hoạt trong xây dựng trường lớp để có đủ lớp học. Quy định xây trường tiểu học không được vượt quá 3 tầng vì học sinh không đủ sức leo cầu thang bộ và an toàn về độ cao, tuy nhiên thành phố vẫn có thể xây lên 4 tầng, học sinh sẽ học ở 3 tầng dưới, tầng 4 bố trí đặt văn phòng hiệu bộ, phòng hội đồng, văn thư… Thành phố đang rà soát các trường tiểu học có hội trường xuống cấp, sau đó sẽ thiết kế xây các phòng học ở 3 tầng dưới và hội trường ở tầng thứ 4.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết: “Nếu không linh hoạt xây dựng thêm trường lớp sẽ khó lòng đáp ứng đủ lớp học cho số học sinh tăng thêm hằng năm chứ chưa nói tới áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, vì thực sự quỹ đất dành cho giáo dục hiện còn rất ít”.

Trong khi đó, Phó phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT Nguyễn Minh Kiếm cho biết, Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định “nới lỏng” tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Trước đây, quy định trường chuẩn quốc gia không quá 30 phòng học, nhưng hiện nay quy định có bao nhiêu lớp thì có bấy nhiêu phòng học, miễn là có kinh phí để xây. Các địa phương có thể tận dụng quy định mới này xây thêm phòng học để đảm bảo đủ phòng học cho học sinh học 2 buổi/ngày”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,472,364       6/857