Xã hội

Không nên hoang mang vì vi khuẩn "ăn thịt người"

Gần đây, nhiều địa phương như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên... xuất hiện những ca bệnh do vi khuẩn Whitmore khiến người dân hoang mang.

Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh. Ảnh: K. Ngọc
Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh. Ảnh: K. Ngọc

Nhiều người cho rằng đây là vi khuẩn “ăn thịt người” nhưng các bác sĩ nhận định, Whitmore không phải là loại vi khuẩn mới, có tính ăn mòn cơ thể. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh.

* Đồng Nai chưa từng ghi nhận ca bệnh

* Thưa bác sĩ, vi khuẩn Whitmore có phải là vi khuẩn "ăn thịt người" không? Ai sẽ là những người có nguy cơ mắc bệnh?

- Whitmore được mô tả lần đầu tiên bởi Alfred Whitmore vào năm 1912 tại Burma (Myanmar ngày nay). Về mặt hình ảnh, khi bị nhiễm vi khuẩn này, bộ phận bị tổn thương giống như bị khoét, mất dần bộ phận nên dân gian thường gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”. Thực chất, vi khuẩn này chỉ gây bệnh trên một phần cơ thể, ăn mòn vị trí mà nó xâm nhập ở bất cứ nơi nào.

Cả người lớn lẫn trẻ em đều có nguy cơ bị bệnh, nhưng bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người và ít có khả năng phát triển thành dịch. Những người lao động có tiếp xúc với bùn đất, đặc biệt là người có vết thương ngoài da cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn lao động. Người dân nên phòng bệnh bằng cách sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động khi lội bùn, tiếp xúc với bùn đất để phòng tránh căn bệnh này.

* Bệnh do vi khuẩn Whitmore gây ra có phải là căn bệnh hiếm? Đồng Nai đã từng ghi nhận ca mắc bệnh chưa, thưa bác sĩ?

- Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường phải tiếp xúc với bùn đất. Trong khi vi khuẩn luôn có trong bùn đất nên với người không có miễn dịch đủ mạnh sẽ dễ mắc bệnh. Hơn nữa, chúng ta không dễ để phát hiện những vùng đất có vi khuẩn. Bệnh Whitmore không phải là hiếm, bệnh thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch nên được xếp vào nhóm căn bệnh bị lãng quên.

Nhiều năm qua, Đồng Nai chưa từng ghi nhận ca bệnh Whitmore trong toàn tỉnh. Hơn 10 năm, tôi làm việc về dự phòng chưa từng gặp ca bệnh hay ổ dịch nào của vi khuẩn này.

* Bệnh có thể chữa được

* Bác sĩ có thể cho biết, thời gian vi khuẩn xâm nhập và biểu hiện thành bệnh bao lâu? Bệnh có thể điều trị sớm để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra không, thưa bác sĩ?

- Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn Whitmore kéo dài từ 1-21 ngày, trung bình là 9 ngày bệnh sẽ bộc phát. Tuy nhiên, triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như: viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...

Thời gian gần đây, bệnh Whitmore có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11. Biểu hiện lâm sàng của bệnh khá đa dạng như: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Triệu chứng bệnh có thể cấp tính gồm: sốt, suy hô hấp, co giật hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người. Khi tiếp nhận những ca bệnh trên, bác sĩ điều trị phải nghĩ đến bệnh này để làm xét nghiệm xác định và điều trị đúng kháng sinh.

Bệnh nhân bị bệnh phải được điều trị theo phác đồ riêng, sử dụng kháng sinh liều cao trong 2 tuần. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được sử dụng kháng sinh duy trì từ 3-6 tháng. Nguyên nhân do vi khuẩn này nằm ngoài, thuốc khó tiếp cận nên thời gian điều trị phải liên tục, kéo dài. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.

* Bệnh này có vaccine phòng bệnh hay thuốc đặc hiệu chữa trị không?

- Bệnh này không có vaccine phòng bệnh do tỷ lệ mắc bệnh ít. Bệnh có thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được phát hiện muộn, đã bị nhiễm trùng huyết, tỷ lệ tử vong khá cao, khoảng 40%.

Ngoài ra, tùy vào vị trí mà vi khuẩn này xâm nhập sẽ làm bệnh nặng hay nhẹ. Có những ca bệnh tử vong rất nhanh, nhất là những ca nhiễm trùng huyết hoặc khi vi khuẩn xâm nhập vào tim, phổi, não... Vì vậy, khi thấy bất thường về các cơ quan trên cơ thể, người dân cần đi khám ngay. Những người có bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường hoặc những bệnh suy giảm miễn dịch, khi mắc bệnh này sẽ nặng nề hơn.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Khánh Ngọc (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,473,121       4/835