Xã hội

Coi trọng hơn nữa công tác y tế trường học

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình, hiện tại các cơ sở giáo dục đang quá coi trọng việc dạy kiến thức mà có phần xem nhẹ việc giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học.

Học sinh thực hành rửa tay bằng xà phòng phòng chống các bệnh truyền nhiễm tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP.Biên Hòa). Ảnh: A.Yên
Học sinh thực hành rửa tay bằng xà phòng phòng chống các bệnh truyền nhiễm tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP.Biên Hòa). Ảnh: A.Yên

TIN LIÊN QUAN
Nếu không muốn cho ra “lò” những thế hệ học sinh như những “chú gà công nghiệp” thì  ngay từ bây giờ, các trường học phải chú ý hơn tới phát triển thể lực, giáo dục đạo đức cho học sinh song song với phát triển trí lực.

* Chấm dứt tình trạng nhà vệ sinh không đảm bảo

Mới đây, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi các phòng GD-ĐT, các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, các đơn vị có giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT trong tỉnh hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2019-2020.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục sớm kiện toàn ban chăm sóc sức khỏe học sinh, xây dựng kế hoạch, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu, bố trí nhân lực, kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động y tế trường học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT quy định về công tác y tế trường học.

“Người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, coi trọng công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho học sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm, các điều kiện vệ sinh trường học. Đặc biệt, phải chấm dứt ngay tình trạng các nhà vệ sinh trường học không đảm bảo để nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh đối với học sinh. Những công trình xây dựng mới cũng phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chí nhà vệ sinh” - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình nhấn mạnh.

* Phòng chống dịch bệnh trong trường học

Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang tăng nhanh trong cộng đồng. Đặc biệt tại các trường học, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, dịch bệnh tay chân miệng đang có những diễn biến phức tạp. Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi các trường học, yêu cầu các trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế tại địa phương tổ chức các hoạt động phòng, chống các dịch bệnh như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… Các trường mầm non cần lưu ý dọn dẹp vệ sinh trường học sạch sẽ, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của học sinh thường xuyên. Khi trong lớp phát hiện có học sinh bị bệnh cần liên hệ với gia đình để cho học sinh nghỉ học, cách ly với những học sinh khác, tránh lây lan bệnh.

Để đảm bảo an toàn trong trường học, Sở GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục không trồng một số loài cây, hoa có độc tố tự nhiên gây ngộ độc trong khuôn viên trường học; thường xuyên rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, loại bỏ các dụng cụ có thể gây tai nạn đối với học sinh, quản lý kỹ các loại hóa chất sử dụng trong phòng thí nghiệm của nhà trường; tăng cường giáo dục cho học sinh những kỹ năng để phòng, tránh các loại tai nạn thương tích trong nhà trường và ngoài cộng đồng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình Sữa học đường tại các trường mầm non, trường tiểu học nhằm nâng cao tầm vóc và sức khỏe của trẻ.       

Những bệnh học đường thường gặp bao gồm: Cong vẹo cột sống (có khoảng 15-25% số học sinh Việt Nam mắc bệnh này). Nguyên nhân chính là do kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh, học sinh ngồi học không đúng tư thế, thường nằm, nghiêng khi học bài, mang vác cặp sách, ba lô nặng... Tật khúc xạ (hiện có khoảng 3 triệu học sinh từ 6-15 tuổi trên cả nước mắc các tật khúc xạ cần phải điều trị, trong đó 2/3 là bị cận thị, tập trung chủ yếu ở đô thị). Nguyên nhân chính là học sinh ngồi học thiếu ánh sáng, ngồi sai tư thế trong thời gian dài, dinh dưỡng chưa đáp ứng, thời gian học tập căng thẳng và liên tục, không cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn. Cùng với đó, nhiều học sinh sử dụng máy tính, điện thoại để học tập, chơi game hoặc xem tivi quá nhiều.

 Bệnh nhiễm trùng đường tiểu do học sinh nín tiểu trong thời gian dài khiến bàng quang bị kéo căng, các cơ vòng ngoài bàng quang không kiểm soát tốt khiến nước tiểu thường xuyên bị rò rỉ gây nhiễm khuẩn niệu đạo, nhiễm khuẩn bàng quang, suy thận. Về lâu dài sẽ gây ra chứng bí tiểu; các bệnh lây nhiễm như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, thủy đậu… lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, dùng chung đồ dùng cá nhân…

 An Yên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,443,106       32/1,034