Xã hội

Bất cập y tế học đường

Một trường học có từ 1–4 ngàn học sinh nhưng chỉ có duy nhất 1 phòng y tế chật hẹp với những đồ dùng, thuốc men đơn giản. Thậm chí có nhiều trường không có phòng y tế, không có nhân viên y tế,...

Một trường học có từ 1–4 ngàn học sinh nhưng chỉ có duy nhất 1 phòng y tế chật hẹp với những đồ dùng, thuốc men đơn giản. Thậm chí có nhiều trường không có phòng y tế, không có nhân viên y tế, khi học sinh bị thương, xây xát, giáo viên phải chở xe máy đến cơ sở y tế gần nhất để băng bó vết thương.

Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tổ chức khám sức khỏe đầu năm học cho học sinh (ảnh: H.D)
Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tổ chức khám sức khỏe đầu năm học cho học sinh. Ảnh: H.D

TIN LIÊN QUAN
Những bất cập trên đã tồn tại nhiều năm nay ở nhiều trường học trên địa bàn Đồng Nai và cần có điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh.

* Nhân viên y tế vừa thiếu vừa yếu

Trong số 144 trường học trong tỉnh được Sở Y tế và Sở GD-ĐT kiểm tra, mới có hơn 62% trường học có căn-tin, bếp ăn có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng và khoảng 60% số bếp ăn, căn-tin có nhân viên có học qua kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, có khám sức khỏe định kỳ. Một số nhân viên chưa tuân thủ tốt các quy định về vệ sinh cá nhân trong chế biến và phân phối thực phẩm cho học sinh như: không đội mũ, không mang găng tay, khẩu trang, tạp dề, còn để móng tay dài…

Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có trên 920 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Tuy nhiên, hiện chỉ có 447 nhân viên y tế đang phụ trách y tế tại 447 cơ sở giáo dục trong tỉnh, trong đó có 261 y sĩ, 180 điều dưỡng, 3 hộ sinh, 3 kỹ thuật viên, không có bác sĩ. Nhiều trường không có nhân viên y tế buộc phải “bắt” kế toán, nhân viên thư viện… kiêm luôn nhiệm vụ của nhân viên y tế.

Đối chiếu với Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT quy định về công tác y tế trường học, nhân viên y tế trường học phải là người có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên thì tỷ lệ nhân viên y tế trường học đạt chuẩn tại Đồng Nai còn ở mức khiêm tốn.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết, đây là khó khăn của ngành GD-ĐT từ nhiều năm nay. Trước kia, nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho công tác y tế trường học, Sở GD-ĐT có chủ trương phối hợp với Trường cao đẳng y tế Đồng Nai để tuyển dụng những sinh viên sau khi tốt nghiệp, bố trí công tác tại các trường học trong tỉnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nên không cho phép các trường học tuyển nhân viên y tế hoặc có được tuyển cũng rất khó khăn.

Một số trường phải hợp đồng với các trạm y tế hoặc trung tâm y tế trên địa bàn để tiến hành khám sức khỏe đầu năm cho học sinh. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe đầu năm học cho học sinh còn mang tính hình thức, chủ yếu chỉ là tổng hợp, ghi chép cân nặng xem trẻ thiếu cân hay thừa cân, có cận thị, cong vẹo cột sống hay không.

Vì không được trực tiếp tuyển nhân viên y tế nên có nhiều trường ở ngay trung tâm thành phố có vài ngàn học sinh cũng không có nhân viên y tế.

 Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa) hợp đồng với nhân viên y tế của Trạm y tế phường khám sức khỏe ban đầu cho học sinh. Ảnh: H.Dung
Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa) hợp đồng với nhân viên y tế của Trạm y tế phường khám sức khỏe ban đầu cho học sinh. Ảnh: H.Dung

Cô Đỗ Thị Cao Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, trường hiện có hơn 3 ngàn học sinh nhưng 2 năm nay do nhân viên y tế nghỉ làm nên nhà trường không có nhân viên y tế. Trường cũng đã báo cáo với Phòng
GD-ĐT TP.Biên Hòa để báo cáo với Phòng Nội vụ thành phố nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí nhân viên y tế nào.

Để lấp khoảng trống này, trường có tiến hành hợp đồng tạm thời với một y tá đã nghỉ hưu nhưng do không có điều khoản gì ràng buộc nên nhân viên này cũng làm việc “bữa được bữa mất”. “Học sinh rất hiếu động, các em chạy nhảy, chơi đùa và xảy ra nhiều trường hợp xây xát, chảy máu. Việc không có nhân viên y tế túc trực gây cho nhà trường rất nhiều khó khăn. Có những trường hợp học sinh bị té ngã chảy máu, nhà trường liên hệ với gia đình đến đón để đưa đi sơ cấp cứu nhưng do cha mẹ bận đi làm hoặc đang bị bệnh không đến kịp buộc các cô giáo phải lấy xe máy hoặc thuê taxi chở học sinh đến bệnh viện để sơ cứu, chờ người thân của các em đến rồi mới quay lại trường” - cô Đỗ Thị Cao Sang cho hay.

Trong khi đó, tại Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), do học sinh quá đông (gần 4 ngàn em), số phòng học không đủ nên nhà trường phải mượn cơ sở của Trường tiểu học Bình Đa (phường Bình Đa) cho 23 lớp khối 4, 5 với khoảng 1,1 ngàn học sinh học nhờ. Vì toàn trường chỉ có 1 nhân viên y tế làm việc tại trường ở phường Long Bình nên những học sinh đi học nhờ hoàn toàn không được nhân viên y tế chăm sóc y tế nếu chẳng may có vấn đề gì xảy ra.

* Nhiều trường chưa đạt yêu cầu vệ sinh trường học

Cả nước hiện có khoảng 40,4 ngàn cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, nhưng chỉ có khoảng 75% số trường học có nhân viên y tế. Số trường có cán bộ làm công tác y tế trường học có trình độ chuyên môn đảm bảo theo quy định từ y sĩ trung cấp trở lên mới chỉ đạt khoảng 30%.

Trong năm học 2018-2019, Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT đã tổ chức các đợt giám sát vệ sinh, y tế trường học tại 144 trường học trong toàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, còn hơn 30% số trường học chưa đảm bảo cơ cấu diện tích phòng học theo quy định. Một số trường có khuôn viên còn nhỏ hẹp, không đủ diện tích sân chơi, cây xanh và các hoạt động ngoài trời cho học sinh. Phần lớn các trường có đủ nhà vệ sinh, có nơi rửa tay cho học sinh nhưng một số trường đã xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất xuống cấp nên nhà vệ sinh chưa được đảm bảo.

Một học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (TP.Biên Hòa) cho biết, trên dãy phòng học của em có 2 nhà vệ sinh nam và nữ. Tuy nhiên, cứ đến giờ ra chơi, học sinh đi vệ sinh xong không chịu dội nước khiến mùi khai bốc lên khó chịu. Nhiều học sinh khác khi vào nhà vệ sinh phải bịt mũi, nín thở để “giải quyết” cho xong rồi chạy vội ra ngoài. Bản thân em cũng có nhiều lần cố “nhịn” đợi tan học mới về nhà “giải quyết”.

Ngoài vấn đề diện tích trường học, nhà vệ sinh trường học, ở những địa phương như TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, do sĩ số học sinh/lớp quá đông nên nhiều trường không thể bố trí bàn ghế theo đúng tiêu chuẩn 2 học sinh/bàn mà phải kê các bàn ghế dài với 4-5 em/bàn. Việc phải ngồi học chật, không thoải mái cũng phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của các em.

Một học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa) chạy nhảy chơi đùa với bạn bị xây xát trán, chảy máu, được nhân viên y tế của nhà trường sơ cứu
Một học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa) chạy nhảy chơi đùa với bạn bị xây xát trán, chảy máu, được nhân viên y tế của nhà trường sơ cứu. Ảnh: H.Dung

Bên cạnh đó, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cũng còn nhiều điểm cần lưu ý. Kết quả kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại các trường học trên địa bàn tỉnh của cơ quan chức năng cho thấy, mới chỉ có gần 80% số trường có bếp ăn, căn-tin sạch sẽ. Một số bếp ăn, căn-tin trong trường học chưa thực hiện lưu mẫu thực phẩm đúng quy định, sắp xếp nhà kho chưa hợp lý, thực phẩm còn để dưới nền đất, gần nhà vệ sinh.

Thiếu kinh phí hoạt động

Theo quy định của Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT về công tác y tế trường học, các hoạt động bảo vệ, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong trường học bao gồm: kiểm tra sức khỏe vào đầu năm học (đo chiều cao, cân nặng với trẻ dưới 36 tháng tuổi; đo chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp tim, thị lực đối với học sinh từ 3 tuổi trở lên) để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của học sinh.

Nhân viên y tế phải thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Qua đó, áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của học sinh; phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tổ chức khám, điều trị theo các chuyên khoa cho học sinh; sơ cứu, cấp cứu cho học sinh theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, nhân viên y tế  phải thông báo định kỳ tối thiểu 1 lần/năm học và khi cần thiết về tình hình sức khỏe của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh; đánh giá tình trạng sức khỏe học sinh vào cuối mỗi cuối cấp học để làm căn cứ theo dõi sức khỏe ở cấp học tiếp theo….

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, do thiếu kinh phí hoạt động nên đa số các trường học đều thực hiện chưa đầy đủ các quy định đưa ra hoặc có thực hiện nhưng cũng chỉ qua loa.

Kinh phí dành cho công tác y tế trường học chủ yếu lấy từ nguồn bảo hiểm y tế học sinh. Tuy nhiên, theo Điểm a Khoản 1 Điều 34 Nghị định 146/2018/NĐ/CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì để được trích chuyển 5% số tiền bảo hiểm y tế học sinh, yêu cầu cơ sở giáo dục phải có ít nhất một người có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; cơ sở phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ, cấp cứu, xử trí ban đầu cho các đối tượng do cơ sở giáo dục quản lý khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường học.

Quy định này đã gây rất nhiều khó khăn cho các trường học bởi trên thực tế, hầu hết các nhân viên y tế tại các trường học đều không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, để tháo gỡ khó khăn này cho các trường học, vừa qua Sở Y tế đã thống nhất với Sở GD-ĐT sẽ mở các lớp tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế của các trường học trong tỉnh. Song song với việc tập huấn, Sở Y tế sẽ có kiến nghị với BHXH tỉnh để kiến nghị với BHXH Việt Nam tháo gỡ khó khăn này cho các trường học.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,085,112       1/1,012