Xã hội

Sinh thiết xuyên thành ngực các khối u phổi

Từ 3 năm nay, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã sử dụng kỹ thuật xuyên thành ngực do Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh) chuyển giao nhằm giúp bệnh nhân có khối u ngoài rìa lá phổi không phải mổ mở hay mổ nội soi để lấy mẫu trong khối u làm giải phẫu bệnh như trước đây.

Ông N.V.Q. tái khám trước ngày xuất viện sau khi trải qua ca mổ u phổi tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất
Ông N.V.Q. tái khám trước ngày xuất viện sau khi trải qua ca mổ u phổi tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: K. Ngọc

Suốt thời gian dài, ông N.V.Q. (ngụ xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) chỉ ra nhà thuốc mua thuốc uống khi bị ho, tức ngực. Tuy nhiên, gần đây dù uống thuốc cả tuần nhưng bệnh của ông Q. không thuyên giảm nên ông quyết định đi khám bệnh.

* Lấy mẫu bệnh phẩm chỉ bằng 1 mũi kim

“Nghe bác sĩ nói tôi có khối u phổi 5cm, phải mổ, tôi lo lắm. Bác sĩ tư vấn tôi dùng kỹ thuật mới (sinh thiết ung thư phổi xuyên thành ngực) không phải trải qua 2 cuộc mổ như trước đây, tôi đỡ lo hơn và quyết định mổ” - ông N.V.Q. cho hay.

Các bác sĩ khuyến cáo, những người hút thuốc lá, làm việc trong môi trường khói bụi, có người thân từng bị ung thư... có khả năng mắc ung thư phổi cao (nam từ 55 tuổi, nữ từ 60 tuổi), những đối tượng này phải làm tầm soát định kỳ, 1-2 lần/năm. Họ cần chụp phim phổi, CT hay X-quang. Các cơ sở y tế phải có thiết bị chuyên dụng như chụp CT với liều chiếu xạ thấp sẽ giúp tầm soát phát hiện khối u tốt lại không gây nhiễm xạ cho bệnh nhân.

Sau khi làm các xét nghiệm, dùng máy CT “chỉ đường” khối u để bác sĩ chọc kim vào lấy mẫu bệnh làm giải phẫu khối u, bác sĩ đã tiến hành mổ u phổi cho ông Q. Cứ 5 phút, các bác sĩ phải ngưng ca mổ 1 lần để bệnh nhân thở lại do chức năng hô hấp của bệnh nhân kém, khối u lớn không xẹp được phổi. Do đó, ca mổ phải kéo dài đến 4-5 giờ để nạo vét hạch và cắt thùy phổi trái.

Không chỉ có kích thước lớn, khối u của bệnh nhân còn làm co kéo màng phổi nhưng may mắn chưa xâm lấn sang các cơ quan khác. Bác sĩ Bùi Văn Linh, Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay, dưới sự “chỉ đường” của máy  CT hoặc máy siêu âm, bác sĩ sẽ định vị được khối u và tìm đường ngắn nhất tiếp cận khối u. Sau đó, các bác sĩ sẽ lấy 1 mũi kim để chọc vào khối u, lấy mẫu bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh, qua đó xác định  bệnh nhân mang u lành tính hay ác tính. Nhờ kỹ thuật mới này, bệnh nhân “tiết kiệm” được 1 cuộc mổ. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ sử dụng được cho các khối u phổi ở vùng ngoài rìa, còn các khối u sâu, bệnh nhân vẫn phải sử dụng phương pháp mổ nội soi để lấy mẫu bệnh phẩm như trước.

Theo bác sĩ Linh, lấy bệnh phẩm từ chính u phổi có vai trò đặc biệt quan trọng trong chẩn đoán u phổi, giúp xác định chính xác bản chất u phổi. Bên cạnh đó còn cho phép xác định chính xác loại ung thư phổi. Trước đây, bác sĩ muốn lấy mẫu để làm giải phẫu bệnh của khối u sẽ phải tiến hành mổ nội soi hoặc mổ mở đến tiếp cận khối u. Như vậy, bệnh nhân phải trải qua 1 ca mổ, được gây mê. Sau mổ, gan, phổi của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng bởi thuốc mê. Khi đã có kết quả giải phẫu bệnh, bệnh nhân tiếp tục chịu thêm 1 cuộc mổ để nạo vét các khối u phổi, tạo “gánh nặng” cho cơ thể của bệnh nhân.

* Bệnh nhân không phải mổ nhiều lần

Điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều bệnh nhân sau khi nhận kết quả bị u phổi dù ác tính vẫn “từ chối” mổ nạo vét các khối u rồi hóa trị, xạ trị nhằm kéo dài tuổi thọ. Họ chấp nhận uống thuốc nam ở các thầy lang với niềm tin khỏi bệnh hoặc khối u sẽ không lớn dần. “Chúng tôi gặp rất nhiều người quay lại bệnh viện chữa ung thư phổi vào giai đoạn nặng, di căn sang nhiều bộ phận khác vì uống thuốc nam” - bác sĩ Linh nói.

Bác sĩ Bùi Văn Linh kể, mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân nam N.V.T. (ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa)  bị ung thư phổi di căn lên não. Một năm trước, ông T. xuất hiện nhiều cơn tức ngực nên đi khám. Kết quả, bác sĩ phát hiện một khối u phổi khoảng 3cm và đề nghị bệnh nhân nhập viện làm sinh thiết xuyên thành ngực nhằm xem bản chất của khối u lành tính hay ác tính. Sau đó, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án chữa trị phù hợp. Tuy nhiên, ông T. kiên quyết không nhập viện chữa trị vì thấy bản thân mình còn khỏe và chữa trị bằng thuốc nam.

Cách đây 3 tháng, ông T. bắt đầu sụt cân nhanh, ăn uống kém, đau đầu và tri giác bắt đầu kém dần. Sau khi khám, chụp CT và làm các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ông T. bị ung thư phổi di căn lên não. “Lúc này, dù bệnh nhân muốn mổ, hóa trị hay xạ trị đều không được do khối u đã di căn lên não. Tôi thấy rất tiếc cho bệnh nhân vì từ chối chữa bệnh ngay khi khối u còn nhỏ, phát hiện sớm” - bác sĩ Linh tâm sự

Hầu hết các ca ung thư phổi ở giai đoạn sớm đều không có biểu hiện rõ ràng nên rất khó phát hiện. Nhiều bệnh nhân chỉ xuất hiện các cơn ho kéo dài, tức ngực và đến nhà thuốc mua thuốc uống vì nghĩ bệnh cảm cúm thông thường. Khi thấy đỡ, bệnh nhân không đi khám tiếp ở các bệnh viện lớn và bỏ qua cơ hội khám để phát hiện bệnh sớm. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có thể phẫu thuật được chỉ khoảng 20% do đa phần bệnh nhân phát hiện bệnh trễ, khối u lớn, di căn. Khi đó, dù các bác sĩ mổ để lấy khối u cũng không mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.               

Khánh Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,421,494       4/1,035