Xã hội

Nỗi niềm ở các điểm trường lẻ

Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, một số trường tiểu học ở những xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đã mở các điểm trường lẻ để tạo điều kiện cho các em đến trường. Những điểm trường lẻ này đều có đặc điểm chung là nằm xa điểm trường chính từ 7-10km, thậm chí có điểm lẻ cách trường chính đến 20km, điều kiện dạy và học còn khó khăn, thiếu thốn.

Học sinh lớp 2 và lớp 5 ngồi lớp ghép ở Phân hiệu đồi Bằng Lăng (Trường tiểu học Xuân Tâm 1, huyện Xuân Lộc) trong giờ học. Ảnh: C. Nghĩa
Học sinh lớp 2 và lớp 5 ngồi lớp ghép ở Phân hiệu đồi Bằng Lăng (Trường tiểu học Xuân Tâm 1, huyện Xuân Lộc) trong giờ học. Ảnh: C. Nghĩa

Khu đồi 57, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) nằm sâu trong những lô cao su, cách trung tâm xã khoảng 7km. Ở khu đồi 57 có trên 150 hộ dân nhưng chỉ có khoảng 10 học sinh tiểu học. Hằng ngày, học sinh của khu đồi này nếu ra điểm chính của Trường tiểu học Trần Quốc Toản học thì quá xa nên xã đã duy trì một điểm trường lẻ với 2 lớp học.

* Còn nhiều khó khăn

Điểm trường lẻ của Trường tiểu học Trần Quốc Toản ở khu đồi 57 có 6 phòng nhưng chỉ có 2 lớp học với tổng số 11 học sinh, được ghép thành 2 lớp. Một lớp có 6 em gồm học sinh lớp 1 và 3, lớp còn lại có 5 em gồm học sinh lớp 2 và 5. Có 3 giáo viên ở điểm trường chính được cử luân phiên vào phụ trách dạy học ở điểm trường lẻ này, trong đó có 1 giáo viên tiếng Anh. Hiện tại, điểm trường lẻ của Trường tiểu học Trần Quốc Toản vẫn chưa có điện, chưa có nước sạch nhưng so với 1-2 năm về trước đã khá hơn nhiều vì con đường đất nắng thì bụi, mưa thì sình lầy nay đã được đổ nhựa sạch sẽ hơn.

Từng bước giảm các điểm trường lẻ

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã từng bước thu gọn các điểm trường lẻ bằng việc đầu tư cơ sở vật chất tập trung cho các điểm trường chính. Chỉ trừ những điểm trường lẻ nằm quá xa thì mới nhất thiết phải duy trì. Tuy nhiên, sẽ phải tính toán đầu tư nhiều hơn để học sinh điểm chính và điểm trường lẻ không bị khoảng cách lớn về điều kiện dạy và học.

Cô Phạm Thị Hà, giáo viên phụ trách lớp ghép 1 cho biết, dạy học ở điểm trường lẻ này khá khó khăn, vất vả. Khó khăn nhất là giáo viên phải dạy trong điều kiện ghép lớp, một buổi học vừa dạy chương trình lớp 1, vừa dạy chương trình lớp 3, do đó một ngày phải soạn 2 giáo án khác nhau. Ngay cả chiếc bảng đen trên tường trong buổi học cũng được chia làm đôi, một nửa dành giảng bài cho học sinh lớp 1, nửa còn lại dành cho học sinh lớp 3.

Trong khi đó, cô Phan Thị Huyền Trang, phụ trách lớp ghép 2 cho hay, nếu không có điểm trường lẻ này, học sinh phải ra điểm trường chính cách nhà 7km. Khi đó, chắc nhiều em sẽ bỏ học vì cha mẹ không có điều kiện đưa đón. Ngoài học 1 buổi/ngày, mỗi tuần học sinh ở điểm trường lẻ này được tăng cường dạy thêm 1 buổi môn tiếng Anh.

Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản Vũ Thị Kim Huệ, điểm lẻ của trường ở khu đồi 57 có 6 phòng học được thiết kế dùng làm phòng giáo viên, phòng học, phòng thư viện và thiết bị. Tuy nhiên, do chỉ là điểm lẻ nên phòng nào cũng chỉ có bàn và ghế chứ  không có thiết bị giảng dạy tiên tiến. Nếu so với điều kiện học tập ở điểm trường chính thì học sinh ở điểm trường lẻ khu đồi 75 phải chịu thiệt thòi hơn rất nhiều.

* Cần được hỗ trợ nhiều hơn

Trường tiểu học Xuân Tâm 1 (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) nằm sát quốc lộ 1 nhưng lại có một điểm lẻ nằm ở ấp Bằng Lăng, với điều kiện đi lại hết sức khó khăn. Tại điểm trường lẻ này có 40 học sinh được chia làm 3 lớp học, trong đó chỉ có học sinh lớp 4 là không phải học ghép, còn lại học sinh lớp 1 và lớp 3 học chung một lớp, lớp 2 và lớp 5 học chung một lớp.

Do nằm cách xa điểm trường chính và xa trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn nên có giáo viên tại điểm trường lẻ phải ở lại trường tới cuối tuần mới về nhà. Ngay cả Ban giám hiệu nhà trường hằng ngày cũng phải vất vả và tốn nhiều thời gian ra vào giữa điểm chính và điểm lẻ để kiểm tra chuyên môn và điều kiện dạy và học của trường.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Tâm 1 Dương Đức Cường cho hay, vận động hết số học sinh điểm trường lẻ này ra điểm trường chính để học là không khả thi vì đa số phụ huynh không có điều kiện đưa rước con ra điểm trường chính. Trong khi ở điểm trường chính, học sinh được học tiếng Anh 4 tiết/tuần thì ở điểm trường lẻ vẫn chưa có điều kiện để dạy. Những giáo viên được phân công bám lớp ở điểm lẻ cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn so với giáo viên ở điểm chính khi điều kiện đi lại, ăn ở, dạy và học đều không thuận lợi.

Thầy Dương Đức Cường cho hay: “Hiện tại điểm trường lẻ ở phân hiệu Bằng Lăng, ấp Bằng Lăng vẫn chưa có thư viện và những thiết bị phục vụ dạy học hiện đại như: máy chiếu, bảng tương tác… nên học sinh vẫn phải “học chay”. Nhà trường cũng mong muốn có thêm chế độ cho những giáo viên phải dạy ở điểm trường lẻ, nhất là những giáo viên phải phụ trách dạy lớp ghép vì khi dạy lớp ghép phải soạn nhiều giáo án, một buổi học phải quan tâm tới 2 đối tượng học sinh nên khá vất vả”.

Còn tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) hiện có 4 trường tiểu học vẫn đang duy trì thêm các điểm lẻ, lớp ghép. Những điểm trường lẻ này có sĩ số học sinh từ 40-200 em. Cô Phan Thị Minh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết, hiện nay trường vẫn duy trì 1 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ, trong đó điểm trường lẻ Vy Sinh ở ấp 6 chỉ có 40 học sinh được chia làm 2 lớp ( lớp 2 và lớp 3 học chung một lớp, học sinh lớp 1 học lớp riêng biệt). Do những điểm trường lẻ không có trang bị thiết bị dạy học nên mỗi khi cần, giáo viên lại phải ra điểm trường chính để mượn, rất mất thời gian và vất vả.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,420,229       3/1,030