Xã hội

Bệnh viện 'đau đầu' vì bệnh nhân trốn viện

Ghi nhận tại một số bệnh viện trong tỉnh cho thấy, nhiều trường hợp bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch được các y, bác sĩ dồn lực cứu chữa nhưng khi sức khỏe ổn định lại trốn viện,...

lại khoản nợ viện phí không nhỏ.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn trao tặng số tiền 30 triệu đồng tiền viện phí do mạnh thường quân hỗ trợ cho bệnh nhân bị bệnh tim nặng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn trao tặng số tiền 30 triệu đồng tiền viện phí do mạnh thường quân hỗ trợ cho bệnh nhân bị bệnh tim nặng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Tình trạng này diễn ra với tần suất khá dày khiến không ít các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh “đau đầu”.

* Bác sĩ cũng… ngán ngẩm

Nhớ lại trường hợp bệnh nhân trốn viện mới đây, TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, đó là một bệnh nhân nam, khoảng 30 tuổi nhập viện lúc nửa đêm 4-10 do bị chém. Vết chém sắc vào vùng ngực gây lộ và rách phổi. Bệnh nhân mất nhiều máu nên bị choáng, nguy cơ tử vong cao. Do không có người thân đi cùng, bệnh nhân lại đang trong tình trạng nguy kịch nên các y, bác sĩ bỏ qua mọi thủ tục hành chính, không thu tiền viện phí trước mà tập trung vào cấp cứu, kiểm tra tổn thương, khâu phổi, đặt ống dẫn lưu cho bệnh nhân.

“Các bác sĩ làm việc liên tục trong phòng mổ, đến gần 6 giờ sáng ca mổ mới kết thúc. Bệnh nhân được đưa ra phòng hậu phẫu để được tiếp tục chăm sóc. Đến ngày 8-10, khi sức khỏe ổn định, bác sĩ cho về khoa để nằm theo dõi thì ngày hôm sau, bệnh nhân trốn viện, để lại khoản viện phí hơn 15 triệu đồng” - bác sĩ Anh Dũng cho biết.

Cũng “ngán ngẩm” với tình trạng bệnh nhân trốn viện, bác sĩ Nguyễn Đức Toản, Khoa Sản Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, có bệnh nhân nữ nhập viện cấp cứu vì thai ngoài tử cung gây vỡ, cả ê-kíp trực phải mổ cấp cứu, truyền máu hồi sức chống choáng. 5 ngày sau, bệnh nhân vắng mặt không lý do, gọi điện thoại không bắt máy.

Còn tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, việc bệnh nhân bị các vết thương như: gãy tay, đứt gân tay, cấp cứu ban đêm nhưng sáng hôm sau trốn viện xảy ra hằng tuần.

* Chưa có giải pháp...

“Có những bệnh nhân mới sinh hôm trước, hôm sau đã trốn viện. Ngoài ra, có không ít bệnh nhân đánh nhau, bị thương, say xỉn, vào bệnh viện cấp cứu ổn xong cũng trốn viện luôn” - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Đinh Cao Minh bày tỏ.

Bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thăm khám vết thương cho bệnh nhân
Bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thăm khám vết thương cho bệnh nhân

Nói về lý do vì sao bệnh nhân có thể bỏ trốn mà không thể kiểm soát được, lãnh đạo các bệnh viện cho biết, một khi bệnh nhân đã chủ ý bỏ trốn, họ sẽ tìm nhiều cách để thoát ra ngoài. Họ thay quần áo bệnh nhân bằng quần áo bình thường, cắt vòng đeo tay mà bệnh viện cấp và thường trốn viện vào ban đêm.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã triển khai phát thẻ thăm nuôi cho người nhà bệnh nhân để quản lý tốt hơn việc ra vào và an toàn, an ninh trong bệnh viện. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ chỉ giám sát được những người đi từ bên ngoài lên các khoa trại, còn những người đi từ trên các khoa trại xuống dưới rất khó quản lý. Ngoài ra, có những bệnh nhân khi vào viện khai họ tên, địa chỉ, số điện thoại không chính xác khiến bệnh viện cũng không thể liên hệ được. Vì thế, tình trạng bệnh nhân trốn viện gây thất thu số tiền viện phí không nhỏ cho bệnh viện cứ thế diễn ra mà chưa có cách nào xử lý triệt để.

Theo Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Đinh Cao Minh, để hạn chế tình trạng bệnh nhân không đóng viện phí, bệnh viện sẽ thu thẻ bảo hiểm y tế của những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm, thu tạm ứng một khoản tiền khi bệnh nhân nhập viện. Thế nhưng không phải ai cũng tạm thu được, nhất là trường hợp cấp cứu, không có người thân hoặc trường hợp bệnh nhân quá nghèo. Bảo vệ của bệnh viện cũng không thể lúc nào cũng kiểm soát và phân biệt được đâu là bệnh nhân, đâu là người nhà bệnh nhân. Do đó, bệnh viện chưa có cách nào để giải quyết triệt để vấn đề này.

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết: “Trung bình mỗi tháng, bệnh viện ký duyệt miễn, giảm viện phí cho bệnh nhân khoảng 200 triệu đồng. Nếu không có biện pháp, chế tài ngăn chặn tình trạng bệnh nhân trốn viện, trong khi bệnh viện đang tiến hành tự chủ thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho bệnh viện”.

Bài, ảnh: Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,406,375       1/940