Xã hội

Bác sĩ trẻ mê ngoại ngữ

Ra trường với tấm bằng loại khá, sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, chị Nguyễn Dương Thiên Thanh đã từ chối cơ hội du học sau đại học và lời mời của nhiều bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh để theo chồng về làm việc tại Khoa Nội tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Bác sĩ Nguyễn Dương Thiên Thanh (phải) trao đổi công việc với đồng nghiệp tại Khoa Nội tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai
Bác sĩ Nguyễn Dương Thiên Thanh (phải) trao đổi công việc với đồng nghiệp tại Khoa Nội tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: B. Nhàn

Ngay từ khi học lớp 3, Nguyễn Dương Thiên Thanh đã bắt đầu làm quen với môn tiếng Anh nhưng lại là học sinh học kém nhất lớp về môn học này.

* Từ cô học trò kém tiếng Anh...

“Có lần, thầy bắt tôi chép phạt từ mới hàng trăm lần. Nhưng cũng chính nhờ vậy đã giúp tôi nhớ từ mới, yêu thích môn học này hơn đồng thời dần cải thiện được khả năng ngoại ngữ” - bác sĩ Thiên Thanh kể.

Tạo điều kiện cho các bác sĩ giỏi ngoại ngữ phát huy

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ: “Chúng tôi đang thành lập Phòng Nghiên cứu khoa học - quan hệ quốc tế và đào tạo. Phòng này sẽ tập trung những bác sĩ giỏi ngoại ngữ, chuyên môn tốt để tiếp đón những đoàn làm việc của nước ngoài đến làm việc tại bệnh viện. Tương lai, chúng tôi sẽ cử họ đi học ở nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho bệnh viện”.

Ước mơ lớn nhất của Thiên Thanh là trở thành một bác sĩ. Năm 2012, Thiên Thanh chính thức theo học bác sĩ đa khoa tại Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch. Quá trình học, Thiên Thanh thấy rằng, chương trình đào tạo bác sĩ rất nặng nhưng lại hạn chế sử dụng tiếng Anh. Tiếng Anh chỉ có “đất sống” khi sinh viên tự tìm đọc tài liệu y khoa, còn khả năng nghe, nói đều bị “vô hiệu hóa”.

Sợ bị mai một vốn kiến thức ngoại ngữ này, Thiên Thanh quyết tìm “con đường riêng” để giữ niềm đam mê với tiếng Anh. “Năm thứ 3 đại học, tôi bắt đầu viết một số bài báo khoa học bằng tiếng Anh. Ngoài ra, tôi còn xin làm bán thời gian cho một công ty dịch thuật. Tuy nhiên, tôi phải giấu gia đình vì cha mẹ muốn tôi chỉ tập trung việc học, không đi làm thêm” - bác sĩ Thiên Thanh nhớ lại.

Chỉ khi cầm hợp đồng hợp tác chính thức với Công ty dịch thuật Lạc Việt, Thiên Thanh mới báo với cha mẹ việc làm của mình. Thấy được khả năng thực sự của con gái, gia đình Thiên Thanh đã để cô tiếp tục sở thích của mình với điều kiện, không làm ảnh hưởng đến việc học y khoa. Được sự ủng hộ của gia đình, Thiên Thanh còn học thêm tiếng Nhật và tiếng Trung. Khi ra trường, ngoài bằng chuyên môn về y khoa, cô cũng sử dụng lưu loát 3 thứ tiếng là  Anh, Trung, Nhật.

* Trở thành bác sĩ giỏi ngoại ngữ, vững chuyên môn

Khi đọc bản sơ yếu lý lịch của bác sĩ Thiên Thanh, bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai rất ngạc nhiên vì thành tích đáng nể của chị. Trong đó, từ năm 2015 đến nay, bác sĩ Thiên Thanh cộng tác phiên dịch về y - nha - dược cho Công ty dịch thuật Lạc Việt; năm 2018 tham gia phiên dịch cho Hội nghị Liên minh nghị viện khu vực châu Á - Thái Bình Dương; phiên dịch cho các công ty y - dược, thiết bị y tế của Malaysia… “Tôi rất mừng vì bệnh viện có bác sĩ trẻ vừa có bằng chuyên môn khá lại biết nhiều ngoại ngữ như vậy” - bác sĩ Tuấn nói.

Chính vì vậy, khi làm kế hoạch cho chương trình hội thảo truyền hình trực tuyến về dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch từ Dubai về Việt Nam, bác sĩ Ngô Đức Tuấn đã cử bác sĩ Thiên Thanh phiên dịch trực tiếp cho hội nghị này. Theo đó, bác sĩ Thiên Thanh phải thực hiện dịch cabin (loại hình phiên dịch khó nhất đòi hỏi các phiên dịch viên phải có trình độ cao) tại điểm cầu của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Từ điểm cầu này, các thông tin về hội thảo sẽ được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho các bác sĩ dự hội nghị ở các bệnh viện khác trong cả nước.

Thêm vào bản thành tích của bản thân, mới đây bác sĩ Thiên Thanh đã đoạt giải nhì Cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ năm 2019 do Trung ương Đoàn phối hợp hệ thống Anh ngữ quốc tế AMES tổ chức. Chia sẻ “bí quyết” giành chiến thắng tại cuộc thi Olympic, bác sĩ Thiên Thanh cho hay, thí sinh phải có vốn tiếng Anh vững, phản xạ tốt để có câu trả lời nhanh. Ngoài ra, thí sinh cũng cần phải có kiến thức rộng và tổng hợp tốt về các vấn đề nóng trên toàn cầu, ảnh hưởng tới Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai nhận xét, dù thời gian làm việc tại khoa chưa dài nhưng 1 năm qua bác sĩ Thiên Thanh đã thể hiện được khả năng nắm bắt công việc nhanh nhạy. Do thành thạo nhiều ngoại ngữ, bác sĩ Thiên Thanh đã tích cực cập nhật được các tiến bộ y khoa của thế giới về lĩnh vực nội tim mạch để phục vụ cho công việc của mình.

Khánh Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,403,142       1/927