Xã hội

Đủ năng lực tổ chức kỳ thi nghề theo tiêu chuẩn Đức

Với việc được trao chứng nhận Tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp tương đương tiêu chuẩn Đức, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) có thể tự tổ chức kỳ thi và cấp bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức.

Đại diện Phòng Thủ công nghiệp Handwerkskammer Erfurt (HWK Erfurt) trao chứng chỉ giám khảo cho các giáo viên của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh: H.Yến
Đại diện Phòng Thủ công nghiệp Handwerkskammer Erfurt (HWK Erfurt) trao chứng chỉ giám khảo cho các giáo viên của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh: H.Yến

Từ tháng 9 đến tháng 11-2019, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 đã phối hợp với các doanh nghiệp đối tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho 80 sinh viên các lớp thí điểm đào tạo nghề phối hợp. Kỳ thi có sự giám sát và tham vấn của Phòng Thủ công nghiệp Handwerkskammer Erfurt (HWK Erfurt - một cơ quan có thẩm quyền tại Đức về đào tạo và đánh giá năng lực nghề nghiệp).

* “Quả ngọt” của chương trình đào tạo kết hợp

80 sinh viên này thuộc 4 nghề: cắt gọt kim loại - CNC, cơ khí xây dựng, cơ điện tử và điện tử công nghiệp. Kết thúc kỳ thi, có 77 sinh viên được đánh giá đạt ở nhiều mức độ khác nhau (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình). Với đánh giá này, các sinh viên được cấp 2 bằng nghề: 1 bằng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, 1 bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức.

Đây là lứa sinh viên đầu tiên tham gia chương trình đào tạo nghề phối hợp của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2. Trong suốt thời gian triển khai chương trình, các chuyên gia của HWK Erfurt đã đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ giáo viên của trường và các doanh nghiệp đối tác ở tất cả các khâu: thiết kế chương trình, đào tạo, đánh giá…

Đánh giá về kỳ thi, tổ chức HWK Erfurt cho rằng các sinh viên đã chứng tỏ được năng lực chuyên môn của mình đối với tiêu chuẩn nghề đã đề ra, đồng thời cũng qua kỳ thi này, các giám khảo của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 và các doanh nghiệp đối tác cũng được HWK Erfurt đánh giá đạt theo tiêu chuẩn giám khảo Đức.

Đó là những cơ sở để tổ chức HWK Erfurt cấp chứng nhận Tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp tương đương tiêu chuẩn Đức cho Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2. Bên cạnh đó, 23 giám khảo là giáo viên của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 và các doanh nghiệp đối tác cũng được HWK Erfurt trao chứng chỉ giám khảo tương đương tiêu chuẩn Đức.

Với việc được cấp những chứng nhận này, HWK Erfurt công nhận nhà trường có đủ năng lực và điều kiện để xây dựng và tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp cùng với các doanh nghiệp đối tác theo định hướng tiêu chuẩn đào tạo và đánh giá Đức. Như vậy, kể từ năm học này, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 sẽ tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và cấp bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức cho những sinh viên đạt chuẩn.

* Học hỏi nhưng không “rập khuôn”

Mô hình đào tạo kép hay đào tạo song hành được xem là “thương hiệu” của giáo dục nghề nghiệp Cộng hòa liên bang Đức. Từ năm 2014, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 đã vận dụng để thực hiện mô hình đào tạo nghề phối hợp. Theo đó, doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường. Sinh viên sau khi tốt nghiệp vừa có bằng nghề theo chuẩn Việt Nam, vừa có bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức. Kết thúc thời gian đào tạo, sinh viên có thể trở thành lao động nghề trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm cho doanh nghiệp.

Thí sinh ngành Cắt gọt kim loại chuẩn bị các chi tiết cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: H.Yến
Thí sinh ngành Cắt gọt kim loại chuẩn bị các chi tiết cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: H.Yến

Mặc dù áp dụng theo tiêu chuẩn Đức nhưng từ khâu thiết kế khung chương trình đào tạo đến khâu thi tốt nghiệp đều được biên soạn lại cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Do đó, chứng nhận mà Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 và các giáo viên, đại diện doanh nghiệp được HWK Erfurt trao đều là chứng nhận tương đương tiêu chuẩn Đức.

Đối với khâu tổ chức thi tốt nghiệp, mỗi hội đồng thi tối thiểu phải có 2 giám khảo là giáo viên của trường và 1 giám khảo là đại diện doanh nghiệp đối tác. Hội đồng này hoạt động độc lập với nhà trường. Dựa theo tiêu chuẩn của Đức, hội đồng thi sẽ tự biên soạn các nội dung: quy chế thi chung cho tất cả các chương trình đào tạo phối hợp, các quy định thực hiện cụ thể cho từng nghề, nội dung thi (lý thuyết, thực hành)…

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết: “Dự án hợp tác được Chính phủ Đức hỗ trợ cho Lilama 2 thực hiện từ năm 2011 đến nay. Trong đó, nhà trường được đầu tư trang thiết bị, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, hệ thống đảm bảo chất lượng đều theo tiêu chuẩn Đức. Vừa qua, chúng tôi tổ chức thi tốt nghiệp cho 80 sinh viên lứa đầu tiên. Đây là niềm vui chung của cả giảng viên và sinh viên nhà trường. Tôi hy vọng, mô hình này sẽ được nhân rộng ở Đồng Nai và trong cả nước trong thời gian tới”.

Ông Thomas Malchereck, Giám đốc điều hành HWK Erfurt:

“Với việc tổ chức thành công mô hình đào tạo phối hợp cùng với khối doanh nghiệp, kết quả mà Lilama 2 đã đạt được minh chứng họ có đủ điều kiện trở thành một trung tâm tư vấn đào tạo phối hợp và đào tạo nâng cao cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam”.

Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,060,684       1/299