Xã hội

Nhiều trường hợp trẻ nuốt, hóc dị vật nguy hiểm

Những tuần gần đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và các bệnh viện trong tỉnh liên tục tiếp nhận và chữa trị cho nhiều trường hợp trẻ em nuốt, hóc dị vật nguy hiểm.

Bác sĩ Mạc Quốc Dũng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám một bệnh nhi nuốt phải cây tăm vào dạ dày. Ảnh:H.Dung
Bác sĩ Mạc Quốc Dũng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám một bệnh nhi nuốt phải cây tăm vào dạ dày. Ảnh:H.Dung

Các bác sĩ cảnh báo, việc nuốt phải các dị vật sắc nhọn có thể gây thủng ruột, nếu dị vật chặn ngang cổ có thể gây ngưng thở, đe dọa đến tính mạng của trẻ.

* Nuốt tăm, xương cá, đồng xu

Em M.V.Q. (10 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) được người nhà đưa vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng đau nhiều vùng cổ, không thể xoay đầu, xoay cổ được, liên tục ói ra máu.

Nguyên nhân là trong bữa cơm tối, gia đình ăn canh cá chẽm, em Q. không để ý đã nuốt phải chiếc xương cá. Nhận thấy đây là ca bệnh khó, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã bật hệ thống báo động đỏ. Qua xét nghiệm, chụp phim, bác sĩ phát hiện có xương cá dài khoảng 3cm, ngang khoảng 2cm trong thực quản bệnh nhân. Chiếc xương cá có hình thù phức tạp, nhiều góc cạnh.

Bác sĩ Mạc Quốc Dũng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay: “Ngoài việc đưa các dị vật vào miệng, nhiều trẻ còn nhét dị vật vào mũi, tai. Do đó, phụ huynh có con nhỏ nên lưu ý để xa tầm tay trẻ em những vật nhỏ, tròn, sắc nhọn mà bé có thể nuốt phải, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nếu phát hiện bé nuốt phải dị vật, phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý, không tự ý tìm mọi cách để lấy vì có thể dị vật sẽ chui vào sâu hơn”.

Bác sĩ Ngô Văn Phan, Trưởng khối liên khoa Mắt - răng hàm mặt - tai mũi họng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, đây là dị vật rất nguy hiểm. Nếu gắp không khéo hoặc để lâu sẽ gây rách thực quản bệnh nhân. Do đó, bác sĩ đã tiến hành gây mê cho bệnh nhân, đưa một ống cứng bằng hợp kim vào thực quản bệnh nhân, sau đó dùng cây gắp đi vào ống cứng, lựa thế để gắp chiếc xương cá ra ngoài qua ống cứng mà không làm ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân. Bác sĩ Phan cũng nhận định, đây là chiếc xương cá to nhất từ trước đến nay ông gặp phải khi tiến hành chữa trị, gắp dị vật ra ngoài cho bệnh nhi.

Cùng ngày tiếp nhận bệnh nhân M.V.Q., Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cũng tiếp nhận bệnh nhân T.X.H. (11 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) trong tình trạng nuốt phải cây tăm sau khi ăn cơm.

Bác sĩ Mạc Quốc Dũng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, qua chụp phim các bác sĩ phát hiện có cây tăm dài khoảng 5cm nằm trong dạ dày bệnh nhân. Bệnh nhân được khám tiền mê và nội soi gắp dị vật ra ngoài. “Cái khó khi thực hiện ca bệnh này là bệnh nhân vừa ăn cơm xong nên trong dạ dày có rất nhiều thức ăn. Việc nội soi để tìm kiếm que tăm trong dạ dày vì thế mà khó khăn hơn” - bác sĩ Dũng cho biết.

Trước đó ít ngày, bác sĩ Mạc Quốc Dũng cũng đã tiến hành nội soi gắp dị vật là đồng xu có đường kính khoảng 2cm ra khỏi dạ dày bệnh nhi N.N.T.N. (28 tháng tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom). Bé N. nuốt phải đồng xu khi đang chơi đùa, rất may đồng xu hình tròn và đường kính không quá lớn nên bé đã nuốt được xuống dạ dày.

* Nguy cơ thủng ruột, tắc đường thở

Bác sĩ Ngô Văn Phan cho biết, trường hợp bệnh nhân M.V.Q. nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ rất nguy hiểm do chiếc xương cá quá to và nhiều góc cạnh nên để lâu trong thực quản sẽ gây rách thực quản. Việc gắp dị vật ra ngoài nếu không khéo léo cũng sẽ khiến các cơ quan khác trong cơ thể bệnh nhân bị rách theo bởi các góc cạnh của xương cá.

Bác sĩ Mạc Quốc Dũng thì cho hay, tình trạng trẻ em nuốt, hóc phải dị vật không phải là hiếm. Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận từ 2-3 trường hợp bệnh nhi bị hóc dị vật. Những dị vật mà trẻ thường cầm chơi và nuốt phải như: đồng xu, đinh sắt, pin đồng hồ, que tăm, vỏ vỉ thuốc, chìa khóa, nhẫn… thậm chí có những trẻ mới 6 tháng tuổi, cha mẹ không cẩn thận để trẻ nuốt phải chiếc lưỡi câu cá khá to.

Với những dị vật có đầu sắc, nhọn như đinh, tăm, khi dạ dày co bóp rất dễ gây thủng dạ dày. Còn những dị vật có hình dạng to, nếu bị hóc sẽ có nguy cơ chẹn ngang đường thở, gây tắc đường thở, dễ dẫn đến tử vong, nếu cấp cứu không kịp thời sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng đến đời sống sau này.

Vào tháng 10 vừa qua, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ cũng đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhân nam tên L.T.T. (13 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị thủng túi thừa trong ruột non, viêm ruột thừa thứ phát do nuốt phải tăm tre.

Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng 2 ngày. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa và chỉ định phẫu thuật. Trong quá trình mổ nội soi, bác sĩ phát hiện trong ruột non của bệnh nhân có một túi thừa (là những túi nhỏ, thuộc dạng bẩm sinh, bất thường, cứ 100 người được sinh ra thì có 3 người có túi thừa. Túi thừa này nếu để lâu đến sau 40 tuổi có khả năng gây ung thư ruột), trong túi thừa của bệnh nhân có một que tăm dài khoảng 5cm.

Que tăm di chuyển làm thủng túi thừa khiến dịch tiêu hóa thoát ra khỏi chỗ bị thủng gây viêm phúc mạc làm bệnh nhân đau đớn. Bác sĩ đã tiến hành cắt, khâu chân túi thừa, loại bỏ nguy cơ ung thư ruột sau này, làm sạch tổn thương. Bệnh nhân cho biết, không biết nuốt phải cây tăm lúc nào, có thể sau khi ăn cơm xong, bệnh nhân xỉa tăm rồi ngủ quên nên nuốt phải trong lúc ngủ.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,402,792       5/931