Xã hội

Khó phát triển ngoại khoa tuyến huyện

Nhiều năm nay, các trung tâm y tế tuyến huyện gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển ngoại khoa để phục vụ người dân.

Các bác sĩ chuẩn bị mổ khối u mỡ cho một bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch. Ảnh: B. Nhàn
Các bác sĩ chuẩn bị mổ khối u mỡ cho một bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch. Ảnh: B. Nhàn

Hiện ngoài trung tâm y tế các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ đã thực hiện được nhiều kỹ thuật ngoại khoa như: mổ ruột thừa, kết hợp xương… thì các cơ sở y tế tuyến huyện khác vẫn chưa phát triển được bất cứ kỹ thuật ngoại khoa nào.

* Thiếu bác sĩ trầm trọng

Cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu bác sĩ ngoại khoa và quá gần các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân… là những nguyên nhân khiến Trung tâm y tế TP.Biên Hòa khó phát triển về ngoại khoa. Do đó, nhiều năm nay, Trung tâm y tế TP.Biên Hòa chỉ chú trọng khám, chữa bệnh thông thường.

Theo Sở Y tế, đến thời điểm này, 3 trung tâm y tế huyện gồm: Tân Phú, Vĩnh Cửu, Biên Hòa chưa triển khai được bất cứ kỹ thuật ngoại khoa nào. Các trung tâm y tế còn lại: Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom mới chỉ triển khai được một số kỹ thuật ngoại tổng quát cơ bản như: kết hợp xương nhỏ, mổ ruột thừa, túi mật…

Tương tự, Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu đến nay không triển khai được kỹ thuật ngoại khoa nào. Bác sĩ Bùi Quang Tân, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Phát triển ngoại khoa của tuyến huyện là cần thiết nhưng rất khó triển khai vì không thu hút được bác sĩ về làm việc tại các trung tâm y tế huyện”.

Bác sĩ Tân phân tích thêm, phẫu thuật ngoại khoa hay sản khoa đều phải đối mặt với nhiều tai biến bất ngờ. Do đó, chuyên khoa ngoại yêu cầu bác sĩ phải có phản ứng nghề nghiệp nhanh, chính xác và có kinh nghiệm xử lý tình huống tốt. Nhưng thực tế, các trung tâm y tế tuyến huyện rất khó tuyển bác sĩ đáp ứng được các điều kiện trên về làm việc. Bác sĩ ngoại khoa hầu như chỉ “thích” làm việc ở các bệnh viện lớn, tuyến tỉnh. “Hiện nay, chúng tôi chỉ có một bác sĩ ngoại khoa và nhiều năm nay, không có bác sĩ ngoại khoa nào chịu về trung tâm làm việc” - bác sĩ Tân tâm sự.

Theo bác sĩ Tân, thu nhập thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến các trung tâm y tế tuyến huyện không thu hút được bác sĩ ngoại khoa. Nhiều năm qua, trung tâm đã đi khắp nơi để thu hút bác sĩ ngoại khoa về làm việc nhưng không tuyển được thêm một ai…

Để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ngoại khoa, những năm qua Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch đã cử bác sĩ tại chỗ đi đào tạo. Bác sĩ Hồ Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch cho biết, nhờ giải pháp này mà đến nay trung tâm đã có 3 bác sĩ ngoại khoa, có thể triển khai được một số kỹ thuật ngoại khoa, đáp ứng phần nào yêu cầu của người dân.

Theo bác sĩ Phong, bác sĩ về làm việc tại các đơn vị y tế tuyến huyện sẽ nhìn vào cơ sở vật chất của đơn vị để “đoán định” tương lai. Từ đó, họ sẽ đặt nghi vấn về vấn đề thu nhập, phát triển chuyên môn sau này của bản thân. “Chúng tôi đã từng thu hút được một bác sĩ ngoại khoa chấp nhận về trung tâm làm việc nhưng 2 ngày sau bác sĩ này đã xin nghỉ việc ngay” - bác sĩ Phong nói.

* Giá viện phí bị khống chế

Nhiều năm nay, Sở Y tế đã tìm giải pháp bổ sung nguồn lực cho các trung tâm y tế tuyến huyện bằng việc bố trí công tác cho các bác sĩ theo học chương trình đào tạo bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng. Tuy nhiên, để có một bác sĩ ngoại khoa là không dễ dàng.

Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, so với những năm trước đây, một số trung tâm y tế tuyến huyện đã thực hiện được khá nhiều kỹ thuật ngoại, sản khoa như: mổ ruột thừa, mổ bắt con, cắt túi mật, kết hợp xương… Nhưng các trung tâm chỉ mới dừng lại ở các kỹ thuật ngoại khoa cơ bản nhất, chưa có những kỹ thuật cao. Nguyên nhân của tình trạng này là thiếu nhân lực, bởi khi thực hiện các kỹ thuật khó, cần nhiều nhân lực, vật lực. Một ê-kíp mổ phải bao gồm: bác sĩ mổ (phẫu thuật viên), bác sĩ gây mê - hồi sức và các dịch vụ hỗ trợ: xét nghiệm, theo dõi bệnh, chụp CT, MRI…

“Chỉ một mình bác sĩ phẫu thuật thì không thể thực hiện được ca mổ. Ê-kíp phẫu thuật phải đủ cả 3 chuyên khoa: nội khoa, ngoại khoa và gây mê - hồi sức mới làm được, nhưng có được ê-kíp này là điều không dễ dàng” - bác sĩ Trung nhận định.

Về mặt trang thiết bị, thời gian qua, Sở Y tế đã trang bị cho các trung tâm y tế một số máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là viện phí. Một ca phẫu thuật phải làm nhiều loại xét nghiệm nhưng bị khống chế giá viện phí. Hơn nữa, một bất cập khác là cùng một dịch vụ kỹ thuật như mổ ruột thừa, bệnh nhân mổ ở trung tâm y tế lại có giá thấp hơn khi mổ ở các bệnh viện tuyến khu vực, tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Điều này cũng khiến nguồn thu của các trung tâm y tế huyện thấp, ảnh hướng đến sự phát triển lâu dài của đơn vị.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho rằng, thực tế nhiều chi phí khác phục vụ cho các kỹ thuật ngoại khoa lại chưa tính đúng, tính đủ, dẫn đến tình cảnh càng làm kỹ thuật cao càng lỗ. Khi mở ra dịch vụ mới mà không có lợi nhuận, các cơ sở y tế rất khó đầu tư tiếp. Nếu giá viện phí vẫn tính như hiện nay, trung tâm y tế tuyến huyện sẽ vẫn “ì ạch” trong việc phát triển ngoại khoa.

Bích Nhàn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,403,320       7/929