Xã hội

Món quà vô giá

Món quà ngày 20-11 chỉ là những lá thư với tâm sự mộc mạc của học trò nhưng đã mang lại cho các thầy cô giáo niềm xúc động, tự hào. Nhờ những tình cảm chân thành này, họ có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề dạy học.

Cô Nguyễn Thị Lý với niềm vui khi nhận được thư của học trò cũ. Ảnh: Hải Yến
Cô Nguyễn Thị Lý với niềm vui khi nhận được thư của học trò cũ. Ảnh: Hải Yến

26 năm gắn bó với nghề dạy học, đây là kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam khá đặc biệt với cô Nguyễn Thị Lý (Trường tiểu học Nguyễn Huệ, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú). Cô đã nhận được nhiều lá thư của học trò cũ để bày tỏ tình cảm và kể lại những kỷ niệm khó quên đối với cô.

* Những lá thư tri ân

Cầm lá thư của cậu học trò Nguyễn Hoàng (hiện đang học ở Trường THCS Quang Trung, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) trên tay, cô Lý rưng rưng nhớ về cậu học trò cũ: “Trong lớp, Hoàng là học sinh khá nghịch, thỉnh thoảng em còn trốn học nhưng nếu được cô kèm cặp thì em học rất tiến bộ. Có lần, Hoàng trốn học, bị tôi phạt. Từ lần đó trở đi, Hoàng không trốn học nữa. Em chăm chỉ học hơn và lên lớp 5 thì tiến bộ hẳn. Em viết thư cho tôi kín hai mặt giấy, có nhắc lại chuyện bị cô phạt. Dù em viết thư không hay nhưng đây chính là tình cảm thật của em và tôi rất trân trọng điều đó”.

300 lá thư gửi thầy cô giáo

Đầu năm học 2019-2020, Trường THCS Quang Trung thành lập Câu lạc bộ văn học và lên kế hoạch hoạt động riêng cho từng khối lớp. Trong dịp kỷ niệm ngày 20-11 này, câu lạc bộ tổ chức hoạt động chung cho toàn trường là viết thư gửi thầy cô giáo. Hưởng ứng phát động của câu lạc bộ, 300 học sinh của trường đã viết thư để gửi lời tri ân đến các thầy cô giáo, trong đó phần lớn thư là gửi thầy cô giáo cũ.

Nguyễn Hoàng là một trong 300 học sinh của Trường THCS Quang Trung đã hưởng ứng hoạt động viết thư gửi thầy cô giáo cũ do Câu lạc bộ văn học của nhà trường phát động. Sau khi tiếp nhận thư của học sinh, câu lạc bộ soạn theo địa chỉ và chuyển đến tận trường cho các giáo viên.

Cầm lá thư đề tên người gửi Lương Đạt Sâm, cô Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ, nhận ra ngay cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn từng học ở trường cách đây 5 năm, dù cô không phải là giáo viên trực tiếp giảng dạy.

“Chỉ nhìn nét chữ rõ ràng, sạch sẽ mà em viết bên ngoài lá thư gửi cô giáo chủ nhiệm cũ thôi là tôi đã thấy vui rồi. Tôi nghĩ rằng những lá thư này sẽ tiếp thêm nghị lực để các thầy cô giáo bám trụ với nghề” - cô Thương cho hay.

Cô Nguyễn Thị Lý cũng chia sẻ: “Với những món quà có giá trị vật chất thì có thể là do sự sắp xếp của cha mẹ nhưng khi chính học sinh đặt bút viết thư thì đây là tình cảm chân thật mà các em dành cho mình. Nhờ những bày tỏ của các em, tôi hiểu rằng tâm huyết của mình với nghề đã được đền đáp xứng đáng. Tôi càng tin rằng mình đã chọn đúng nghề. Với tôi, đây chính là những món quà vô giá, không gì so sánh bằng”.

* Dạy học bằng trái tim

Như một cái duyên, cô Trần Cao Vân Nam (giáo viên Trường THCS Quang Trung) thường được giao chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh “đặc biệt”: gia đình nghèo, mồ côi, cha mẹ ly hôn phải sống với ông bà… Vì không có nhiều điều kiện chăm lo cho việc học nên đa số những học sinh này chỉ có học lực trung bình. Bù lại, đa số các em ngoan, lễ phép. Thương học trò, cô Nam thường gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh sống của các em để có sự giúp đỡ kịp thời như tìm học bổng, lấy tiền túi để mua bảo hiểm tai nạn cho học trò...

Năm học này, cô Nam được giao chủ nhiệm lớp 7. V. là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của lớp. Tuy được ở với cả cha và mẹ nhưng V. không được sống trong không khí hạnh phúc. Cha thường xuyên say xỉn. Những lúc như vậy, ông thường “rượt” mẹ con V. khắp nơi. Ba mẹ con V. đành phải tìm nơi ở nhờ, đợi cha qua cơn say rồi mới dám về nhà. Gánh nặng gia đình đè nặng cả lên vai mẹ. Vì thế, gia đình V. không thoát được cảnh nghèo.

Em Hồ Thị Bạch Dương, lớp 9/1 Trường THCS Quang Trung cho biết: “Hoạt động viết thư cho thầy cô giáo cũ nhân ngày 20-11 có ý nghĩa rất thiết thực. Bản thân em đã xa trường tiểu học nhiều năm mà chưa có dịp bày tỏ lòng biết ơn với các thầy cô. Đây là cơ hội để em bày tỏ cảm xúc và ôn lại kỷ niệm với thầy cô giáo cũ. Em hy vọng hoạt động này sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm sau, đồng thời lan rộng trong học sinh”.

Cô Nam đã dành nhiều sự quan tâm cho V., giúp V. hiểu rằng xung quanh em có rất nhiều người sẵn sàng che chở, yêu thương em. Mấy ngày trước, V. đã gặp riêng cô Nam và tận tay gửi cho cô một bức thư. Trong thư, V. kể lại tâm trạng lo lắng, mong ngóng cô chủ nhiệm đến lớp trong khoảng thời gian cô bị tai nạn. Em bày tỏ: “Trong số thầy cô giáo dạy em, thật khó tìm ra cô nào như cô Nam lớp em. Em yêu quý cô”. 

Bằng sự gần gũi, chân thành của mình, cô Nam đã chiếm trọn “trái tim” của các thành viên lớp cô chủ nhiệm, Đ. là một trong số đó. Từ một học sinh có thái độ bất cần, thường xuyên nghỉ học, bị lưu ban 2 năm, Đ. đã trở nên chăm chỉ hơn rất nhiều. Từ đầu năm học đến nay, em chưa nghỉ buổi học nào. Trong lớp, Đ. còn mạnh dạn phát biểu ý kiến, em quyết tâm được lên lớp và hoàn thành được chương trình THCS.

Cô Nam chia sẻ: “Nhiều năm đi dạy, tôi nhận ra rằng phương pháp dạy học hiệu quả nhất chính là dạy bằng trái tim chứ không phải chỉ là tri thức. Điều này càng đúng đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là học sinh có biểu hiện “nổi loạn”. Nếu đem điểm số ra để “hù dọa” các em thì khó có tác dụng. Phải gần gũi, chinh phục các em. Khi học trò tin tưởng mình rồi thì mình nói gì học trò cũng nghe. Với những học sinh học quá yếu, quan trọng là chúng ta phải dạy cho các em kỹ năng sống, nhân cách sống. Khi có được nhận thức tốt rồi thì các em sẽ tự thay đổi theo hướng tích cực”.           

Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,401,842       1/1,031