Xã hội

Tận dụng công nghệ trong dạy và học

Bằng cách tải các ứng dụng (app) thích hợp cho dạy học về điện thoại cộng với chút ý tưởng sáng tạo, giáo viên có thể thiết kế được những tiết học sôi động, hứng thú cho học trò...

hụ huynh cũng có thể tận dụng những công nghệ này để cùng trẻ vừa học, vừa chơi.

Học sinh Trường THPT Xuân Lộc sử dụng điện thoại đi động để ghi lại quá trình thực hiện bài tập và gửi lên trang Facebook của lớp. Giáo viên sẽ nhận xét và chấm điểm trực tiếp, công khai để tất cả thành viên của lớp được biết
Học sinh Trường THPT Xuân Lộc sử dụng điện thoại đi động để ghi lại quá trình thực hiện bài tập và gửi lên trang Facebook của lớp. Giáo viên sẽ nhận xét và chấm điểm trực tiếp, công khai để tất cả thành viên của lớp được biết. Ảnh: H.Yến

* Dạy học với công nghệ thực tế ảo

Một nhóm học sinh lớp 4, Trường quốc tế Việt Úc (TP.Hồ Chí Minh) cùng nhau tô màu bức tranh con bươm bướm. Sau khi tô màu, một học sinh dùng ứng dụng Quiver trên điện thoại di động để quét mã QR trên bức tranh rồi trình chiếu lên màn hình lớn trên bảng. Hình ảnh hiện lên trên bảng không chỉ là sản phẩm nhóm đã tô màu mà là hình ảnh 3D mô tả lại vòng đời của loài bướm, từ khi còn là cái kén cho đến khi con bướm nhỏ tung cánh bay lượn trên vườn cây. Dựa vào những hình ảnh đó, nhóm thuyết trình về quá trình sinh trưởng của loài bướm. Tiết học diễn ra sôi động, tất cả các học sinh đều hào hứng, chủ động, cô giáo đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ.

Quiver chỉ là một trong số rất nhiều ứng dụng sử dụng công nghệ thực tế ảo, cung cấp miễn phí hoặc có thu phí trên điện thoại di động đang được nhiều giáo viên tận dụng trong dạy học. Theo đó, ngoài việc tải ứng dụng về điện thoại, người dùng phải vào trang web của những ứng dụng này để tải hình ảnh về rồi in ra giấy. Sau đó mở các ứng dụng này ra, quét vào mã QR trên giấy, các hình ảnh 3D, 4D sẽ hiện ra. Nếu chỉ dừng lại ở đó, những ứng dụng này đơn giản chỉ là một trò giải trí. Nhưng nếu biết thiết kế phù hợp với nội dung bài học, giáo viên có thể biến những ứng dụng này thành công cụ hữu hiệu trong dạy học.

Ngoài Quiver, một số ứng dụng tương tự đã được sử dụng trong dạy học như: Animal 4D, Merge cube... Trong đó, ứng dụng Merge cube có thể được sử dụng cho nhiều môn học như: Hóa học, Sinh học, Kỹ thuật, Địa lý… Bằng hình ảnh 3D, học sinh có thể quan sát một cách trực quan, cộng với các hoạt động như: thuyết trình, thảo luận nhóm… kiến thức sẽ được dung nạp một cách dễ dàng hơn.

* Đừng sợ smartphone

Ngày nay, smartphone (điện thoại thông minh) không còn là thiết bị xa lạ đối với mọi người. Từ đứa trẻ mới lên 3 đến những cụ già đã ở tuổi xưa nay hiếm đều có thể sử dụng rành rẽ loại thiết bị này. Có nhiều lo ngại về việc trẻ ngày càng lạm dụng smartphone sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều giáo viên đã tận dụng chính thiết bị này để hỗ trợ đắc lực cho quá trình dạy học.

ThS.Nguyễn A Say (Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường đại học Văn Hiến, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng tôi đã từng thực hiện một bài nghiên cứu về tình trạng “nghiện” smartphone trong sinh viên, gây ảnh hưởng đến quá trình dạy - học và đề ra 2 nhóm giải pháp để khắc phục điều này: một là cấm hẳn, hai là linh động sử dụng trong lớp. Nếu cấm hẳn, giáo viên phải thay đổi và đa dạng phương pháp giảng dạy, làm sao cho sinh viên tập trung vào các hoạt động, quên tâm lý cần điện thoại. Còn nếu không cấm thì giáo viên phải lồng ghép các hoạt động cho sinh viên dùng điện thoại để phục vụ việc học ngay tại lớp”.

Trên thực tế, nhiều giáo viên đã tận dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber để làm một kênh thông tin liên lạc hữu ích trong quá trình dạy học. Những ứng dụng này đặc biệt phù hợp để giáo viên triển khai các hình thức học tập: làm việc nhóm, thuyết trình, thảo luận, dạy học theo dự án…

Thầy Nguyễn Thanh Huy (Trường THPT Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc) là giáo viên đã cho học sinh sử dụng smartphone trong tiết học. Theo đó, trong giờ học STEM (Science - Khoa học; Technology - Công nghệ; Engineering - Kỹ thuật và Math - Toán học) thầy yêu cầu học sinh dùng điện thoại để chụp lại hình ảnh quá trình làm việc của nhóm, cập nhật kết quả lên nhóm Facebook của lớp. Sau đó, những hình ảnh này được trình chiếu lên màn hình tivi để các nhóm thuyết trình.

Thầy Huy còn lập hẳn một group trên Facebook về dạy học STEM cho học sinh. Trong group này, học sinh sẽ tải lên các clip về quá trình thực hiện những bài tập mà thầy giao để thầy và các bạn cùng biết. Thầy cũng nhận xét, chấm điểm công khai trên group.

Ngoài ra, thầy Huy còn sử dụng app Kahoot để tạo gameshow cho học sinh vừa học vừa chơi. Trước tiên, giáo viên sẽ nhập các câu hỏi trắc nghiệm vào app này, chia lớp thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm đều tải app Kahoot sẵn trên điện thoại và trả lời câu hỏi trắc nghiệm theo đề của giáo viên trên app này. App Kahoot sẽ thống kê đáp án đúng - sai, thời gian trả lời của từng nhóm. Sau mỗi câu hỏi, app sẽ dừng 15 giây để thống kê xếp hạng. Điều này tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các nhóm.

“Thay vì phát tờ giấy rồi bắt học sinh ngồi giải, tôi sử dụng app Kahoot thì thấy lớp học sôi nổi hẳn, trò vui mà thầy cũng vui” - thầy Huy chia sẻ.          

Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,401,640       21/1,897