Nút “hoãn báo thức” có thể giúp bạn được nằm thêm vài phút nữa nhưng coi chừng tác hại khó lường của nó.
Trời đã sáng rồi, và bạn còn phải chuẩn bị bao nhiêu thứ cho ngày mới bắt đầu, nhưng bạn lại chỉ muốn ngủ thêm vài phút nữa thôi. “Vẫn còn sớm mà”, bạn nghĩ vậy và nhấn nút “hoãn báo thức” (snooze) trên đồng hồ.
Nhiều người có thói quen ấn nút "hoãn báo thức" khi có chuông báo thức thay vì tắt chuông và thức dậy.
Nếu tình huống trên đây có vẻ quen thuộc với bạn, thì tin buồn là điều này có thể ảnh hưởng rất xấu đến cơ thể bạn. Việc nhấn nút “hoãn báo thức” hay “báo lại” thực ra sẽ chỉ làm bạn cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi hơn mà thôi.
Sự thật là, khi bạn tỉnh dậy và cài lại giờ báo thức, bạn sẽ bắt đầu lại chu kỳ ngủ và có thể rơi vào giấc ngủ sâu hơn nữa. Điều này sẽ làm rối loạn hoạt động cơ thể bởi nó đã bắt đầu thực hiện các quá trình sinh học để tự đánh thức bạn khi bạn sắp phải dậy.
Bạn ghét cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi trong lúc cần thiết? Vậy đừng ngủ cố nữa nhé!
Khoảng 1-2 tiếng trước giờ dậy, nếu bạn ngủ đủ thân nhiệt bạn sẽ tăng lên, não bộ sẽ giải phóng thêm các chất cortisol và dopamine – các hóc-môn giúp bạn “chuẩn bị ngày mới”. Thế nhưng, việc ngủ cố thêm vài phút không những làm cho việc giải phóng các hóc-môn này bị ảnh hưởng xấu, nó còn phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể.
Hơn nữa, khi bật nút hoãn báo thức, bạn đã vô tình khiến não bộ phải ngủ không đủ giấc vì thời gian hoãn báo thức chỉ khoảng 5-10 phút trong khi một chu kì ngủ hoàn chỉnh phải 90 phút. Điều này sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ và khiến bạn vẫn lơ mơ buồn ngủ khi tỉnh dậy, theo như Robert Rosenberg - giám đốc Y tế tại trung tâm Rối loạn giấc ngủ Prescott Valley và Flagstaff, Arizona (Mỹ).
Hãy cố gắng ngủ sớm hơn và dậy với một chuông báo thức duy nhất.
Vì thế, thay vì cố tình hẹn giờ sớm hơn 10 phút hoặc hẹn nhiều chuông báo thức một lúc, hãy chỉ đặt 1 giờ duy nhất và cố ép bản thân phải dậy. Cố gắng đi ngủ sớm hơn, tự đặt cho mình một lí do để dậy sớm mỗi ngày, hoặc đơn giản là lấy một bản nhạc yêu thích làm chuông báo thức. Dù thế nào đi nữa, hãy dừng việc lạm dụng cái nút “hoãn báo thức” kì diệu đó càng sớm càng tốt!
(Nguồn: Metro, BusinessInsider)