Kinh tế

Vùng hoa lớn nhất Đồng Nai vào Tết

Ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) là vùng trồng hoa Tết lâu năm quy mô lớn nhất tỉnh. Tại đây, có những nông dân đã gắn bó với nghề trồng hoa gần 40 năm...

là những người đã có công đưa nghề trồng hoa về địa phương rồi nhân rộng.

Bà Vũ Thị Tin, ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) là một trong những người trồng hoa lâu năm nhất tại đây. Ảnh:H.Giang
Bà Vũ Thị Tin, ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) là một trong những người trồng hoa lâu năm nhất tại đây. Ảnh:H.Giang

Vùng trồng hoa Phúc Nhạc 2 vào dịp Tết Nguyên đán cung cấp cho thị trường từ 400-500 ngàn chậu hoa các loại. Hiện đã có hơn 10 loại hoa được trồng tại đây như: mào gà, cát tường, dạ yến thảo, cúc bảy màu, păng - sê, đồng tiền, vạn thọ... Song loại hoa chủ đạo của làng hoa vẫn là cúc pha lê, vạn thọ và mào gà.

* Khai sinh nghề trồng hoa

Trước đây, ấp Phúc Nhạc 2 chủ yếu trồng rau quanh năm, nhưng vào cuối năm hay gặp cảnh “dội chợ” giá giảm sâu. Do đó, một số người dân đã nghĩ đến việc chuyển đổi sang trồng cây khác để có thu nhập cao hơn. Qua tìm hiểu thị trường, họ đã chọn trồng hoa vào vụ cuối năm để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Loại hoa được đưa về trồng đầu tiên ở đây là vạn thọ.

Bà Vũ Thị Tuyết, ấp Phúc Nhạc 2 kể: “Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trồng hoa ở ấp Phúc Nhạc 2. Ban đầu tôi chọn trồng vạn thọ vì dễ làm, nhu cầu trên thị trường của loại hoa này vào dịp Tết khá lớn. Trong vụ hoa Tết đầu tiên, lợi nhuận đã đạt gấp 2-3 lần trồng rau. Những năm sau cứ cách Tết Nguyên đán khoảng hơn 3 tháng, gia đình tôi lại chuyển qua trồng hoa thay cho cây rau”.

Thấy trồng hoa vào dịp cuối năm cho thu nhập cao hơn hẳn so với trồng rau, nhiều hộ bắt đầu rủ nhau chuyển qua trồng hoa. Lúc đầu chỉ trồng với diện tích nhỏ, sau có kinh nghiệm và thị trường nên nông dân mở rộng dần diện tích lên đến hàng chục hécta.

Theo lời kể của bà Vũ Thị Tin, ấp Phúc Nhạc 2 thì bà có gần 40 năm làm hoa Tết và từng trải qua những thăng trầm của nghề. Bởi mỗi giai đoạn người tiêu dùng thích một loại hoa, người trồng hoa muốn bán được hàng cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. “Những năm đầu chủ yếu trồng các loại vạn thọ, cúc bảy màu, sau đó thị trường ưa thích các loại hoa mào gà, tôi đã chuyển sang trồng mào gà. Gần 10 năm nay, dịp Tết người dân trong tỉnh và những tỉnh lân cận thích chưng cúc pha lê nên tôi đã đổi sang trồng loại hoa này” - bà Tin chia sẻ.

Tuy vạn thọ, mào gà, cúc pha lê là các loại hoa bình dân, nhưng mỗi một giai đoạn chuyển đổi, các hộ trồng hoa ở Phúc Nhạc 2 phải mất 2-3 năm mới có kinh nghiệm để làm tốt giống hoa chủ đạo và cho nở đúng dịp Tết. Với vạn thọ, mào gà người trồng chỉ mất thời gian từ 3-3,5 tháng, song cúc pha lê phải mất 4,5-5 tháng.

* Vùng hoa Tết lớn nhất

Từ nhiều năm trước, ấp Phúc Nhạc 2 đã trở thành vùng trồng hoa Tết lớn nhất tỉnh. Hoa của ấp Phúc Nhạc 2 ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh còn được đưa đi các tỉnh, thành khác như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... tiêu thụ. Cách Tết Nguyên đán chừng 1 tháng là thương lái các nơi đổ về đây, đặt cọc trước để mua hoa. Từ ngày16 tháng Chạp, thương lái bắt đầu đến lấy hàng vận chuyển đến các nơi bán.

Nông dân ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) chăm sóc hoa cát tường. Ảnh:H.Giang
Nông dân ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) chăm sóc hoa cát tường. Ảnh:H.Giang

Ông Vũ Văn Đức, Phó trưởng ấp Phúc Nhạc 2 cho hay: “Thời điểm nhộn nhịp nhất của làng hoa Tết là từ ngày 16 đến 25 tháng Chạp. Lúc đó, thương lái, người mua ra vào nhộn nhịp từ sáng sớm tới đêm khuya. Đây là lúc làng hoa rực rỡ sắc xuân và đẹp nhất”. Cũng theo ông Đức, nhiều gia đình ở đây có đến 2-3 đời cùng làm hoa Tết.

Làng hoa cũng trải qua không ít thăng trầm vì có năm tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hoa khó bán, phải giảm giá, người trồng hoa đành phải lấy công làm lời. Tuy nhiên, vài năm nay, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu mua sắm hoa cảnh dịp Tết tăng, đầu ra của làng hoa thuận lợi hơn.

Chủ tịch UBND xã Gia Tân 3 Đỗ Anh Mỹ cho biết: “Những người có công đưa nghề trồng hoa về ấp Phúc Nhạc 2 đầu tiên nay cũng đều đã ngoài 60 tuổi. Trong đó, có những gia đình nghề trồng hoa Tết được truyền qua 3 thế hệ. Hiện nay, các hộ đã trồng đa dạng các loài hoa để cung ứng cho thị trường và diện tích được mở rộng theo từng năm và trở thành nơi trồng hoa có tiếng ở khu vực Đông Nam bộ”.

  Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  374,966       1/1,148