Kinh tế

Tăng cường phối hợp quản lý thị trường giữa các địa phương

Thời gian qua tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều điểm nóng, nhất là những địa bàn, khu vực giáp ranh các tỉnh Đông Nam bộ.

Thời gian qua tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều điểm nóng, nhất là những địa bàn, khu vực giáp ranh các tỉnh Đông Nam bộ.

Lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai kiểm tra một container chứa thịt heo, thịt gà không rõ nguồn gốc ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) vào khoảng giữa tháng 8-2019. Ảnh: CT.V
Lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai kiểm tra một container chứa thịt heo, thịt gà không rõ nguồn gốc ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) vào khoảng giữa tháng 8-2019. Ảnh: CT.V

Nhằm tăng cường công tác thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là đối với điểm nóng về buôn lậu tại các khu vực giáp ranh, từ tháng 6-2019, 5 Cục Quản lý thị trường (QLTT) của các địa phương: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Tây Ninh đã ký kết Quy chế phối hợp kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các địa bàn giáp ranh.

* Vẫn diễn biến phức tạp

Công tác phối hợp triển khai công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường; thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, hồ sơ phục vụ công tác xử lý vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu… giữa các địa phương ngày càng có nhiều chuyển biến, nhất là đối với hoạt động chống buôn lậu các mặt hàng thuốc lá, đường cát… qua những khu vực biên giới, các vùng giáp ranh giữa các địa phương.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh, các địa phương cần có phương án chủ động phối hợp, kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa vào dịp gần Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành giáp ranh bước vào cao điểm kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn nhằm quản lý chặt chẽ về chất lượng, chủ động nắm tình hình giá cả hàng hóa, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa sản xuất, lưu thông trên thị trường, hoạt động thương mại điện tử…không để xảy ra bị động giữa các địa phương.

Theo Cục QLTT Đồng Nai, từ khi Quy chế phối hợp giữa các địa phương được ký kết, Cục đã có nhiều hoạt động phối hợp, cung cấp thông tin với các địa phương lân cận để có phương án kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm. Riêng trong năm 2019, Cục QLTT Đồng Nai đã kiểm tra hơn 2,4 ngàn trường hợp, trong đó phát hiện và xử lý hơn 1,7 ngàn vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 8,7 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều trường hợp giúp ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển lượng hàng hóa vi phạm đến các địa phương khác.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Đồng Nai nhận định, trên thực tế, hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nội dung phối hợp chưa thể hiện sự phong phú, đa dạng và nhất là chưa phối hợp theo chiều sâu trên một số lĩnh vực như phối hợp kiểm tra sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... qua cung cấp thông tin về đường dây sản xuất hàng giả ở địa bàn này và tiêu thụ ở địa bàn khác.

Tương tự, ông Hồng Văn Hoàng, Phó cục trưởng Cục QLTT Tây Ninh chia sẻ, tình hình vận chuyển hàng lậu ở các địa bàn giáp ranh, nhất là ở địa phương có đường biên giới như Tây Ninh diễn biến phức tạp, nhất là khi địa bàn quản lý rộng, có nhiều trục đường giao thông huyết mạch nhưng biên chế nhân sự của một số đội QLTT giáp ranh ít, thiếu phương tiện thực hiện công tác chống buôn lậu, trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và sử dụng phương tiện hiện đại, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Ngoài ra, theo đại diện của Cục QLTT các địa phương nói trên, việc trao đổi thông tin về hàng hóa, mặt hàng kinh doanh, các đối tượng vận chuyển trái phép trên các tuyến đường giao thông liên tỉnh còn nhiều hạn chế.

* Cần khoanh vùng, xác định nhiệm vụ trọng tâm

Vào tháng 11-2019, Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) và Cục QLTT Đồng Nai tổ chức hội nghị giao ban công tác phối hợp giữa các Cục QLTT của 5 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Tây Ninh. Hội nghị xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của từng địa phương, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” trong công tác QLTT.

Ông Võ Văn Tỉnh cho biết, trước tình hình hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu ngày càng phức tạp, các địa phương trong khu vực cần tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, trao đổi nghiệp vụ, phương án kiểm tra, kiểm soát ở khu vực giáp ranh, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm... Đồng thời, nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Ông Trần Văn Tùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Bình Dương cho rằng, các hoạt động kiểm soát thị trường thương mại điện tử, bán hàng đa cấp, chống hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ, các hành vi giả mạo cả tài liệu, chứng từ, giả mạo xuất xứ Việt Nam... ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp nên cần có phương án phối hợp để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh yêu cầu Cục QLTT 5 tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới. Các địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của từng địa phương.

Theo ông Linh, đối với những địa phương có đường biên giới như Tây Ninh, Long An, bên cạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục QLTT địa phương cần tăng cường nhân lực, xây dựng chuyên đề tập trung nhiều hơn vào công tác chống buôn lậu nhất là đối với các mặt hàng như thuốc lá, đường cát...

Trong khi đó, các địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương cần có kế hoạch kiểm tra, phân bố lực lượng nhiều hơn đối với công tác kiểm soát, xử lý những vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Lam Phương

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,632       6/1,148