Kinh tế

Cần chính sách xử lý tận gốc 'tín dụng đen'

"Tín dụng đen" những năm gần đây đã gây hệ lụy lớn đối với bản thân và gia đình những người dính vào "tín dụng đen" và cả xã hội. Sau khi dạt từ các vùng thành thị về hoành hành ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay "tín dụng đen" đang lan rộng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất... thậm chí, ngay trong các sới bạc mà lực lượng công an triệt phá.

“Tín dụng đen” những năm gần đây đã gây hệ lụy lớn đối với bản thân và gia đình những người dính vào “tín dụng đen” và cả xã hội. Sau khi dạt từ các vùng thành thị về hoành hành ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay “tín dụng đen” đang lan rộng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất... thậm chí, ngay trong các sới bạc mà lực lượng công an triệt phá. Các đối tượng cho vay “tín dụng đen” lách luật bằng cách không ghi lãi suất trong hợp đồng, gói vay rất ngắn chỉ theo ngày, tuần, 30 ngày, 41 ngày và không bao giờ cho vay dài hạn như ngân hàng.

Một số đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bị lực lượng công an bắt giữ tại Bệnh viện đa khoa Tâm Hồng Phước (TP.Biên Hòa)
Một số đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bị lực lượng công an bắt giữ tại Bệnh viện đa khoa Tâm Hồng Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh tư liệu

Theo lực lượng công an, việc đấu tranh ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” gặp nhiều khó khăn do nhu cầu vay vốn để giải quyết việc đột xuất, kinh doanh của nhân dân rất lớn. Trong khi người dân không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, do đó họ tìm đến với “tín dụng đen”.

Nhưng cũng có một thực tế, một số nhân viên tín dụng ngân hàng vì áp lực chỉ tiêu cũng có thể tìm đến các đối tượng “tín dụng đen” để có thể tìm kiếm khách hàng dễ dàng. Tùy từng mức độ mà các cán bộ có thể dễ dàng có các gói tín dụng phù hợp với khách hàng như: phát hành gói vay tiêu dùng, vay tín chấp, phát hành thẻ vay thế chấp... Sau khi các khoản vay được giải ngân, các đối tượng “tín dụng đen” sẽ là người nhận, sử dụng tiền và trừ vào các khoản vay trước. Điều đó, do công tác bảo vệ nội bộ từ khâu tuyển dụng đến khâu kiểm soát của một số ngân hàng còn chưa tốt, dẫn đến việc cán bộ, nhân viên ngân hàng tha hóa, biến chất lợi dụng, móc nối, tiếp tay cho các tổ chức “tín dụng đen” hoạt động vi phạm pháp luật.

Để chấn chỉnh tình trạng này theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Văn bản 10340/NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung triển khai giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen”.

Theo đó, để hạn chế “tín dụng đen”, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng chú trọng mở rộng cho vay vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và NHNN.  Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý các đơn vị, cá nhân có hành vi tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay nặng lãi.

Rõ ràng, để trị tận gốc nạn “tín dụng đen”, ngoài việc tuyên truyền cho người dân, siết chặt quản lý của ngành ngân hàng thì cần phải có giải pháp căn cơ, bền vững hơn. Và việc xử lý nghiêm, trong đó có xử lý hình sự những cán bộ ngân hàng có sự thông đồng với băng nhóm cho vay nặng lãi là điều hết sức cần thiết. Điều này cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ sức răn đe hơn.

Văn Gia

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,744       1/1,131