Kinh tế

Áp lực dân số 'dồn' lên đô thị Biên Hòa

TP.Biên Hòa là đô thị trung tâm của Đồng Nai, do đó tốc độ gia tăng dân số cơ học diễn ra rất nhanh. Điều này gây nên một áp lực rất lớn khi tốc độ phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông...

ông theo kịp tốc độ tăng dân số.

Các khu đô thị, khu dân cư lớn vẫn được tập trung xây dựng tại khu vực trung tâm đô thị Biên Hòa nên tạo sức hút dân cư đến sinh sống. Trong ảnh: Một đoạn đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa
Các khu đô thị, khu dân cư lớn vẫn được tập trung xây dựng tại khu vực trung tâm đô thị Biên Hòa nên tạo sức hút dân cư đến sinh sống. Trong ảnh: Một đoạn đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng

TIN LIÊN QUAN
Để có thể “giãn dân”, giảm áp lực cho khu vực trung tâm đô thị Biên Hòa đòi hỏi phải có chiến lược phát triển vùng ngoại vi đô thị một cách hợp lý.

* Dân số đô thị tăng “nóng”

TP.Biên Hòa hiện có 29 phường và 1 xã, là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất cả nước. Trong số này, phường Long Bình là phường đông dân nhất với dân số trên 130 ngàn người; phường Trảng Dài đông dân thứ 2 với hơn 120 ngàn người. Trong khi đó, phường Thanh Bình là phường ít dân nhất với hơn 6 ngàn người.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kết quả tổng điều tra dân số vào tháng 4-2019 cho thấy, dân số TP.Biên Hòa đã đạt gần 1,1 triệu người. Hiện nay, Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước.

TP.Biên Hòa cũng là địa phương có tốc độ gia tăng dân số hằng năm thuộc tốp đầu trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán, trong khoảng gần 10 năm qua, dân số của TP.Biên Hòa tăng bình quân hơn 30 ngàn người/năm. Dân số tăng nhanh khiến mật độ dân số trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng thuộc nhóm cao trong số các đô thị lớn trên cả nước. Hiện nay, mật độ dân số bình quân của TP.Biên Hòa đạt hơn 4 ngàn người/km2, cao nhất cả tỉnh.

Kinh tế phát triển với nhiều khu công nghiệp đóng chân trên địa bàn được cho là nguyên nhân chính khiến quy mô dân số của TP.Biên Hòa gia tăng nhanh trong những năm qua.

Trên thực tế, trước đây, dân số chủ yếu tăng nhanh tại các phường nội ô do có hạ tầng phát triển, thu hút người dân đến sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi có thêm các khu công nghiệp mới được thành lập, các phường ngoại ô cũng có tốc độ gia tăng dân số rất nhanh. Trong đó, chủ yếu là lượng công nhân ngoại tỉnh đến sinh sống để làm việc tại các khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Vương, Chủ tịch UBND phường Long Bình cho hay, do nằm ở khu vực giáp ranh với nhiều khu công nghiệp nên dân số trên địa bàn phường tăng rất nhanh. “Hiện dân số của phường đã lên đến gần 130 ngàn người và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng” - ông Nguyễn Quốc Vương cho hay.

Không chỉ phường Long Bình, một số phường vốn được xem là vùng ngoại ô của đô thi Biên Hòa như Trảng Dài, Long Bình Tân cũng có tốc độ gia tăng dân số rất nhanh. Long Bình, Trảng Dài hiện đã được xem là những “siêu phường” với dân số vượt mốc 100 ngàn dân, cao hơn dân số của nhiều huyện ở các tỉnh khác trong cả nước.

* Gánh nặng cho hạ tầng đô thị

Trước đây tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.Biên Hòa rất ít xảy ra. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, khi dân số tăng nhanh, tình trạng kẹt xe đã diễn ra phổ biến hơn. Đặc biệt, tại các tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp như: Đồng Khởi, Đặng Văn Trơn, Phạm Văn Thuận, Bùi Văn Hòa, quốc lộ 51 đoạn qua hai phường Long Bình Tân, An Hòa vào các giờ cao điểm đi làm và tan ca của công nhân, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên.

Không chỉ hạ tầng giao thông, dân số tăng nhanh cũng khiến cho nhu cầu về trường học, nhà ở tại TP.Biên Hòa trở nên quá tải.

Đồ họa thể hiện diện tích, quy mô dân số, mật độ dân số của TP.Biên Hòa hiện nay. (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện diện tích, quy mô dân số, mật độ dân số của TP.Biên Hòa hiện nay. (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho hay, hằng năm, tỉnh cũng như thành phố đều ưu tiên nguồn vốn để xây dựng mới các trường học. Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh nên vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu. “Nhiều khu vực đông dân cư vẫn phải mượn thêm phòng ở các trường nghề bố trí cho các em học sinh tiểu học, THCS” - ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết.

Tương tự, với lượng công nhân ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc, nhu cầu nhà ở hiện nay cũng trở nên hết sức bức thiết. Tuy nhiên, do eo hẹp về nguồn vốn, các dự án nhà ở xã hội chậm được triển khai nên hiện nay, nguồn cung nhà ở vẫn mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa thừa nhận, thành phố là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước nên tốc độ đô thị hóa rất cao. Hằng năm, có hàng chục ngàn lao động di cư đến Biên Hòa đã khiến dân số thành phố tăng nhanh, gây áp lực lên hạ tầng, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.

* Phát triển đô thị theo “quy trình ngược”

Theo kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kiến trúc sư trẻ Đồng Nai, không chỉ đô thị Biên Hòa mà hầu như các đô thị lớn trong nước hiện nay đều đang đối mặt với câu chuyện tăng “nóng” dân số. Bởi, trung tâm các đô thị là nơi có nhiều cơ hội phát triển, cơ hội việc làm cũng như các điều kiện sống tốt hơn. Do đó, việc người dân tìm đến các đô thị để sinh sống, để tìm các cơ hội về việc làm, tăng thu nhập là điều bình thường.

Điều này khiến cho áp lực lên hệ thống hạ tầng, an sinh xã hội đối với các đô thị, trong đó có đô thị Biên Hòa ngày càng lớn. Để giải quyết áp lực này, hầu hết các đô thị lớn đều có chiến lược phát triển vùng ngoại vi, các “đô thị vệ tinh” với mục đích “giãn dân”, giảm áp lực cho đô thị trung tâm.

TP.Biên Hòa cũng đã có chiến lược phát triển đô thị, định hình các khu vực ngoại vi để “giãn dân” như: khu vực các phường Phước Tân, Tam Phước, Bửu Long và xã Long Hưng. Tuy nhiên, đến nay, việc “kéo” dân ra các khu vực này vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Nhiều kiến trúc sư quan tâm đến sự phát triển đô thị cho rằng, Biên Hòa dù đã có chiến lược phát triển đô thị nhưng việc thực hiện vẫn chưa có sự nhất quán, không nằm trong một định hướng cụ thể. Bởi, để “hút” người dân đến sinh sống không chỉ cần cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội mà còn phải tạo ra được không gian sống đủ tốt. Nói “nôm na” là các khu vực ngoại vi phải có các khu dân cư đủ lớn, nhiều phân khúc, có các thiết chế phục vụ đời sống đủ tốt để người dân không cảm thấy lạc lõng so với khu vực trung tâm đô thị.

Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ riêng đô thị Biên Hòa mà nhiều đô thị lớn trên cả nước, việc thực hiện chiến lược phát triển đô thị đang được làm theo một “quy trình ngược”. Theo đó, thay vì đầu tư, phát triển các vùng ngoại vi một cách tương xứng, có điều kiện sống tốt để “giãn dân một cách tự nhiên” thì hiện nay những gì tốt đẹp nhất lại đều được đưa vào trung tâm thành phố. Điều này khiến cho trung tâm thành phố tiếp tục trở thành “thỏi nam châm” thu hút người dân đến sinh sống. Do đó, “bài toán” giải tỏa áp lực cho khu vực trung tâm đô thị vốn đã “khó giải” lại càng trở nên “khó giải” hơn.

Theo kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai, việc di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ hay hoàn thiện quy hoạch phát triển Cù lao Phố là những giải pháp có thể giúp TP.Biên Hòa thực hiện “giãn dân” hiệu quả, cũng như tạo trục cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, đến nay những giải pháp này vẫn chưa được thực hiện.

Phạm Tùng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  365,714       1/1,043