Sản phẩm

Fury X của AMD có 'trút giận' được NVIDIA?

(PCWorldVN) AMD sắp tung ra card đồ hoạ Fury X, nhưng người dùng vẫn muốn một thứ gì đó mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về mặt công nghệ.

Thị phần AMD trong thị trường GPU có vẻ không mấy khả quan kể từ 2005, bắt đầu có dấu hiệu giảm từ đầu năm 2010 và thực sự gặp khó khăn kể từ quý III/2014, khi mà NVIDIA tung ra GTX 980 và 970.

Nếu không tin, bạn hãy thử "google" xem sao.

Theo giới chuyên môn, sự suy giảm về thị phần của AMD có nguyên nhân chủ yếu là dó thiếu cải tiến công nghệ. Trong khi NVIDIA có được vài kiến trúc mới, còn AMD vẫn chỉ chỉnh sửa tới lui kiến trúc Graphics Core Next (GCN) của họ mà thôi, mà kiến trúc này có từ hồi năm 2011.

Chúng ta có thể nhận thấy một lần nữa kiến trúc GCN lại được chỉnh sửa trong dòng card đồ họa R9 300 series của AMD, mà 4 trong 5 chip đều dựa trên các phiên bản 1.0 và 1.1 GCN cũ. Kết quả hiển nhiên là dòng card AMD mới nhất không thể cạnh tranh lại với dòng card 900 series mới nhất của NVIDIA.

Newegg rao giá gần 700 USD cho card Fury X của AMD (tùy từng nhà sản xuất).

Tuy vậy, trong vài tháng qua, "bộ máy PR" của AMD đã khiến cộng đồng xôn xao với một card đồ họa cao cấp mới là Fury X, được xem như cạnh tranh trực tiếp với Titan X của NVIDIA, dựa vào bộ nhớ băng thông cao HBM (high bandwidth memory). Đây là loại bộ nhớ mới, tác động nhiều đến năng suất của GPU, vì nó cải thiện rất nhiều về băng thông so với loại bộ nhớ GDDR5 truyền thống, trong khi lại tiêu tốn ít điện năng hơn và chạy ở xung nhịp thấp hơn, không đòi hỏi mạch điều khiển bộ nhớ phức tạp trên GPU.

HBM cũng là tin tốt lành đối với thiết kế card đồ họa, vì về mặt vật lý, nó có thể đóng gói chung với GPU nên rất dễ cấp nguồn và tản nhiệt, không phải là module riêng rẻ gắn trên bản mạch PCM. Một điểm yếu của HBM là hiện thời nó chỉ được cấp tối đa 4GB, nhỏ hơn đáng kể so với bộ đệm khung hình của các dòng card đồ họa cao cấp như bộ nhớ 8GB của 390X, 12GB của Titan X hoặc 6GB của 980 Ti.

Dù vậy, nhờ có HBM mà Fury X đã xuất hiện trong các card đồ họa cao cấp của AMD nhưng với bản mạch PCB rất gọn gàng, chỉ rộng 195mm so với thiết kế thông thường của card cao cấp là 270mm. Do vậy, nó cũng có hệ thống tản nhiệt chất lỏng từ Cooler Master mặc định, ống bơm được tích hợp luôn bên trong khối nước và chạy bằng một máy bơm 120mm.

Nhưng một lần nữa, Fury X vẫn "cưỡi trên lưng" là GPU kiến trúc GCN, mặc dù kiến trúc này được nâng cấp lên phiên bản 1.2. Do đó, mặc dù có số bộ xử lý dòng rất lớn, chính xác là 4.096, nhiều hơn so với 390X (chỉ có 2.816) nhưng GPU mới này bị cho là chưa cân đối.

Ví dụ, GPU chỉ có cùng 64 ROP (chỉ số render output, hoặc raster operations pipeline) so với 390X, nên gặp tình trạng thắt cổ chai trong một số game "nặng" và có bật tính năng khử răng cưa.

Fury X sẽ được AMD tung ra trong tháng này. Nếu nó không bắt kịp Titan X thì rất có thể nó chỉ cùng cấp với 980 Ti ở 4K, hoặc có thể nó mạnh hơn 980 Ti một chút khi thiết lập ở độ phân giải thấp hơn 4K. Tuy vậy, Fury X lại có thể có ưu thế về mặt giá cả so với Titan X. Nhưng cuối cùng, cho dù Fury X có vài thế mạnh như ít ồn, tiêu tốn ít điện năng nhưng sức mạnh thực sự về khả năng xử lý vẫn chưa tạo được đột biến trên thị trường.

Tóm lại, Fury X là một card đồ họa tốt, nhưng chưa phải là xuất sắc, là yếu tố mà AMD cần để giành lại thị phần từ NVIDIA.

PCWorld

AMD, card đồ hoạ, NVIDIA, thị trường


© 2021 FAP
  2,740,361       5/1,021