Sản phẩm

Máy tính chơi game 4K với 50 triệu đồng

(PCWorldVN) Chất lượng hình ảnh của game ngày càng cải thiện sau mỗi năm. Nếu như Full HD được xem là xa xỉ cách đây 3-5 năm thì giờ đây, 4K mới là đỉnh cao mới mà bất cứ game thủ nào cũng mong muốn trải nghiệm.

Hiển nhiên, để đáp ứng được mức phân giải lớn gấp bốn lần Full HD (3.840x2.160 pixel), chiếc máy của bạn phải có sức mạnh “khủng” nếu không muốn số khung hình trên giây tụt xuống mức... thảm hại.

Với người dùng rủng rỉnh hầu bao, việc dồn vài trăm triệu đồng cho một hệ thống với toàn món “đỉnh” là điều không khó. Tuy nhiên, để xây dựng một chiếc máy “ngon - bổ - rẻ” đủ để bạn có những trải nghiệm hình ảnh game 4K tốt cũng là điều không quá khó – thậm chí chỉ với con số vài chục triệu đồng.

Không khó để vung tiền cho những hệ thống đầu bảng, nhưng đâu là cấu hình 4K “ngon, bổ, rẻ”?

Chip xử lý: Intel Core i7-5820K
Giá: 9 triệu đồng + 2 triệu đồng (tản nhiệt).

Với Core i7-5930k, bạn sẽ có sức mạnh đáng nể trong khi không cần quá vung tay cho dòng 5960X (vốn có giá 24 triệu đồng). Một số ý kiến cho rằng việc chi cho 5820K cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, quyết định của bạn sẽ phụ thuộc vào sự khác biệt giữa hai dòng chip này: trong khi 5930K (13,4 triệu đồng) có xung nhịp nhanh hơn 200MHz, đồng thời cho phép cấu hình 16x-16x-8x đối với kết nối ba card đồ họa song song thì 5820K giới hạn ở 16x-8x-4x (vẫn vừa đủ cho một cặp card đồ hoạ song song với bốn kênh còn lại cho một ổ SSD PCI-Express tốc độ cao). Mặt khác, với nhiều trò chơi hiện đại, chip 4 lõi bắt đầu yếu thế nên việc chọn lựa dòng chip như Core i7-4960X có thể sẽ không thực sự cho độ phân giải 4K.

Cùng đó, bạn cũng nên trang bị một hệ thống tản nhiệt nước khép kín tương xứng để hạn chế tiếng ồn trong khi vẫn đạt hiệu năng cao. Giá của nhóm sản phẩm này thường không tới 2 triệu đồng và hiện nay có khá nhiều lựa chọn từ các thương hiệu tên tuổi như Corsair, Cooler Master, NZXT...

Độ phân giải gấp bốn lần Full HD đồng nghĩa với việc sức mạnh hệ thống cũng cần nâng lên đáng kể để có thể tải các trò chơi 4K mới.

Bo mạch chủ: ASUS A99-A
Giá: 6,8 triệu đồng.

Sử dụng chipset X99 mới nhất của Intel với hàng loạt chức năng thời thượng, X99-A là bo mạch chủ phù hợp với mục tiêu xây dựng cấu hình của bài viết này. Nếu dư dả hơn, bạn có thể xem xét lựa chọn khác là dòng MSI X99A GAMING 7 với giá gần 8 triệu đồng. Bản thân các nhà sản xuất cũng có những dòng X99 với giá đắt hơn (12-14 triệu đồng) nhưng phần lớn chúng dường như quá dư thừa tính năng so với nhu cầu game nói chung. Những mẫu sản phẩm như X99-A với thiết kế socket đặc biệt cũng hỗ trợ ép xung khá tốt – điều mà những tay game luôn thích thú. Ngoài ra, nó cũng có khe cắm M2 cho các dòng SSD tốc độ cao và chip âm thanh ALC1150 đủ tốt cho trò chơi nói chung. Tuy nhiên, dù chọn bo mạch nào, bạn cũng nên ưu tiên PCI-Express với khe 1 và 4 hỗ trợ tốc độ PCI-Express 3.0 x16, cho phép lắp vừa 2 card cao cấp (vốn chiếm khá nhiều thể tích thùng máy) trong khi vẫn có khoảng trống ở giữa để làm mát. Nhiều dòng bo mạch chủ thực tế chỉ hỗ trợ tốc độ x16 ở khe cắm 1 và 3 có thể sẽ gây rắc rối cho việc lắp ráp và tản nhiệt về lâu dài.

Card đồ hoạ: MSI GTX 980Ti 6GD5
Giá: 16,6 triệu đồng.

Trong suốt 2 năm vừa qua, hầu như mọi hệ thống chơi game 4K đều gắn liền với cơ cấu bộ xử lý đồ hoạ kép. Sau một thời gian dài, giờ đây giải pháp card đơn chip đầu tiên đã có mặt: chính là Geforce GTX 980 Ti và Radeon R9 Fury X. Tuy nhiên, GTX 980 Ti thể hiện năng lực toàn diện vượt trội hơn hẳn cả về khả năng tiết kiệm năng lượng, dung lượng bộ nhớ RAM cũng như hiệu năng nhỉnh hơn so với đối thủ - chưa kể tới việc dễ mua và lắp ráp cũng dễ hơn do không yêu cầu tản nhiệt nước. Lưu ý rằng dù trên thị trường các dòng GeForce GTX 980 với bộ nhớ 4GB là khá phổ biến, mức 6GB là thoải mái hơn để tải lượng dữ liệu hình ảnh khổng lồ mà các trò chơi 4K tạo ra – tránh hiện tượng nghẽn dữ liệu gây giật hình. Với cấu hình thùng máy như trong bài viết này, sự hiện diện của GTX 980 Ti sẽ đảm bảo mức khung hình/giây trên 60 (ở thiết lập cao nhất có thể) cho phần lớn các trò chơi 4K có mặt vào thời điểm hiện tại. Hiển nhiên, mức chất lượng hình ảnh tương đối đẹp hay độ phân giải 2.560x1.440 mà nhiều người dùng đang hướng tới trên các loại màn hình 27 - 30 inch thế hệ mới sẽ chỉ là... chuyện nhỏ.

Dù một card GTX 980 Ti là đủ cho việc giải trí đơn thuần, nếu có điều kiện, một cặp với SLI sẽ đảm bảo cho bạn “tung cánh” trong thế giới ảo.

Hiện tại, không ít game đã bắt đầu hỗ trợ độ phân giải 4K (hay còn được gọi là Ultra HD). Trong đó có thể điểm tới The Witcher 3, DiRT: Showdown, Call of Duty: Advanced Warfare, Dishonoured, Dying Light, Bioshock Infinite, Metro: Last Light Redux, Grand Theft Auto V... Ngoài ra, nhiều trò cũ khác cũng có thể đạt tới độ phân giải mới thông qua các gói nâng cấp hoặc bản mod.
 

Card đồ họa Palit Nvidia GTX 980Ti Super JetStream 6GB (384-bit) DDR5 có bán tại www.tandoanh.vn ở mức giá 16,5 triệu đồng.


Bộ nhớ RAM: 4x4GB DDR4 G.Skill RIPJAW 4 2.133 MHz hoặc tương đương
Giá: 4 triệu đồng.

Nền tảng chipset X99 mới của Intel sử dụng bộ nhớ DDR4 với xung nhịp vận hành rất cao cùng mức điện thế thấp. Với mức giá ngày càng rẻ hơn (trung bình có thể lên tới 10%/tháng), giờ là lúc bạn có thể tậu cho mình một bộ 4x4GB (để tận dụng bộ nhớ 4 kênh của Haswell-E). Tại sao lại chọn 2.133 MHz? Thực tế bạn có thể sẽ thấy các loại DDR4 với xung nhịp lên tới 3.000 MHz trong các báo giá sản phẩm. Tuy nhiên hiệu quả của sự chênh lệch này trong thực tế các trò chơi là không lớn – hay nói cách khác là không “đáng tiền” cho lắm. Chính vì vậy, bạn có thể tiết kiệm chi phí phần nào ở hạng mục này và đầu tư vào những thành phần khác. Dĩ nhiên, mức bộ nhớ RAM 32GB cũng là một lựa chọn nâng cấp đáng cân nhắc.

Lưu trữ: ổ cứng truyền thống 4TB và ổ SSD 512GB trở lên.
Giá: 3,7 triệu đồng (Western Digital Caviar Green 4TB) + 6 triệu đồng (Plextor M6V 512GB).

Với mục tiêu là nội dung 4K, dung lượng ổ cứng sẽ là thứ bạn cần tính toán vượt lên mọi dự định thông thường. Ngay cả những trò chơi hỗ trợ độ phân giải siêu cao nói trên cũng thường có kích thước cài đặt hàng chục GB – điều khiến những giải pháp lưu trữ phổ thông trở nên chật chội. Chính vì thế, hãy mạnh dạn đầu tư cho ổ SSD tối thiểu 512GB dùng cho việc lưu hệ điều hành và các ứng dụng trong khi ổ cứng 4-6 TB mới đủ cho việc lưu thêm phim 4K để thưởng thức bất cứ khi nào muốn – song song với các dữ liệu khác.

Sự hiện diện của ổ SSD sẽ giúp rút ngắn thời gian tải các trò chơi ở độ phân giải 4K – vốn nặng về dữ liệu hình ảnh hơn nhiều so với các mức thông thường.

Case và nguồn: Corsair RM1000 và CoolerMaster 690 II Advanced
Giá: 2,2 triệu đồng + 2,5 triệu đồng.

Nếu như thùng máy thường được coi đơn thuần là bài toán về sở thích, bạn cũng nên lưu ý rằng kích thước của nó phải đủ rộng rãi cho những linh kiện cao cấp mà chúng ta đã chọn như ở trên (thường khá lớn). Như thế, các dòng với kích thước Full-Size sẽ là lựa chọn tốt bởi lẽ chúng cũng sẽ góp phần tạo không gian thông thoáng cho việc làm mát. Một số tính năng mở rộng như khoang lắp tản nhiệt nước, quạt cỡ lớn (trên 140mm), khay ổ cứng Hotswap... cũng thường là những trang bị tiêu chuẩn trên các dòng sản phẩm này. Trong khi đó, với bộ nguồn 1.000W, bạn sẽ có không gian trần về công suất khá thoải mái cho hệ thống hoạt động, đồng thời mở ra khả năng nâng cấp linh hoạt hơn cho máy về sau này. Dĩ nhiên, ở một hệ thống cao cấp, việc nguồn điện phải đạt chuẩn 80 Plus Gold nhằm đảm bảo tính ổn định, an toàn về lâu dài là... khỏi bàn. Thực tế, nếu hầu bao rủng rỉnh, bạn luôn có thể bổ sung thêm 1 card GTX 980 Ti nữa, tăng cường gấp đôi bộ nhớ RAM hoặc đơn thuần bổ sung thêm ổ cứng hay các phụ kiện chơi game cao cấp theo ý muốn.

Ngay vào lúc này, hàng loạt tựa game đã hỗ trợ độ phân giải mới – kể cả GTA V như chúng ta thấy ở hình trên.

Sẵn sàng cho tương lai game 4K

Với cấu hình đề xuất mà chúng ta đề cập tới ở phần trên bài viết, bạn có thể thoải mái trải nghiệm không gian game 4K mới với chất lượng hình ảnh đáng kinh ngạc (dĩ nhiên là với màn hình phù hợp). Thử nghiệm thực tế cho thấy mức hiệu năng là khá tốt với Battlefield 4 hay Far Cry 4 ở hình ảnh chất lượng Ultra sẽ vẫn đạt mức khung hình trên giây khoảng 60. Giảm bớt chút ít các thông số hình ảnh, bạn có thể vươn tới ngưỡng 80 - 90 dễ dàng – đủ cho trải nghiệm chơi tốt. Dù thế, nếu muốn thoải mái tung cánh trong môi trường ảo độ phân giải siêu cao, việc bổ sung thêm một card 980 Ti nữa sẽ là hợp lý. Dĩ nhiên, bo mạch chủ, nguồn điện, vỏ máy mà chúng ta chọn ở trên đều đã được tính toán sẵn sàng cho điều đó.

* Giá linh kiện trong bài viết được tham khảo vào thời điểm tháng 8/2015.

Đánh giá card đồ họa Palit GTX 750 Ti StormX Dual

Hiệu năng cao, vận hành êm ái, khả năng tản nhiệt tốt cùng thiết lập ép xung đơn giản là những điểm giúp Palit GTX 750 Ti StormX Dual vượt qua các đối thủ cùng phân khúc.

Palit GTX 750 Ti StormX Dual là mẫu card đồ họa tầm trung đã được nhà sản xuất ép xung sẵn, nhưng vẫn đảm bảo công suất tiêu thụ điện năng thấp nhờ ứng dụng GPU kiến trúc Maxwell phát triển trên quy trình 20nm.

Linh hồn của mẫu card đồ họa này là GPU GeForce GTX 750 Ti xung nhịp 1.202MHz (tiêu chuẩn) và có thể đạt mức 1.281MHz khi tăng tốc. Trợ lực cho GPU tầm trung này là các chip nhớ Samsung GDDR5 tốc độ cao (6GHz) cho tổng dung lượng đạt 2GB cùng hệ thống tản nhiệt dùng đôi quạt 11 cánh, cụm tản nhiệt nhôm bao trùm toàn bộ diện tích bề mặt card.

Với “nội lực” từ nhân đồ họa tầm trung của nVidia, card đồ họa Palit GTX 750 Ti StormX Dual lẽ đương nhiên hỗ trợ tốt DirectX 11.2 với Shader Model 5.0, Open GL 4.4, PhysX, TXAA, FXAA, CUDA cũng như công nghệ 3D mà nVidia phát triển. Về kết nối, so với những sản phẩm đang có mặt trên thị trường, Palit GTX 750 Ti StormX Dual cũng không hề kém cạnh khi hỗ trợ cả chuẩn mini HDMI, DVI cũng như VGA.

Từ những trải nghiệm thực tế, Test Lab đánh giá cao Palit GTX 750 Ti StormX Dual ở khâu thiết kế, khả năng vận hành không cần thêm nguồn phụ. Đáng chú ý hơn là dù hoạt động ở chế độ “thư giãn” cũng như khi “chơi” hết công suất, mẫu card đồ họa này vẫn vận hành rất êm ái ngay khi không gian xung quanh gần như tĩnh lặng.

Về hiệu năng, nhờ được ép xung sẵn nên Palit GTX 750 Ti StormX Dual qua mặt hầu hết đối thủ dùng GPU GTX 750 Ti khác cùng tầm giá. Test Lab nhận thấy việc tối ưu ép xung thông qua ứng dụng Thunder Master của Palit cũng là một yếu tố “đáng tiền” vì không phải hầu hết game thủ đều yêu thích hoặc can đảm tự mình thực hiện. Với Palit GTX 750 Ti StormX Dual mọi thứ đã được đơn giản hóa tối đa nên game thủ có thể yên tâm “chiến” các tựa game nặng về đồ họa ở độ phân giải 1080p mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Hiệu năng tổng thể khi ép xung thêm bằng công cụ hỗ trợ từ Palit tuy cải thiện không nhiều, nhưng vì xung mặc định của Palit GTX 750 Ti StormX Dual phải nói là đã cao ngất ngưởng nên sản phẩm thực sự là một lựa chọn đáng giá so với những mẫu card GTX 750 Ti khác.

Nhược điểm có chăng chính là Palit GTX 750 Ti StormX Dual không hỗ trợ cầu nối SLI cho phép phát huy tối đa sức mạnh với game nhờ kết hợp cùng lúc nhiều card đồ họa.

Chi Lan

PC World VN, 08/2015

PCWorld

bo mạch chủ, bo mạch chủ Skylake, card đồ họa, Intel Skylake, laptop chơi game, máy tính chơi game


© 2021 FAP
  2,576,948       1/1,301