TTO - 'Kỳ tích' của Micheal Brown bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái, khi cậu vào mạng kiểm tra kết quả xin vào Đại học Stanford, Mỹ.
Micheal Brown - Ảnh: Berthinia Rutledge-Brown
Cậu bé hồi hộp ngồi xuống cạnh chiếc laptop của mình để kiểm tra. Một giây sau, căn phòng đã nổ tung trong những tiếng hét sung sướng "Ôi, Chúa ơi", "Ôi, Chúa ơi". Micheal hét lên trong niềm vui không thể tin nổi, rồi nhảy khỏi chiếc ghế đang ngồi và òa khóc.
Bà Berthinia Rutledge-Brown ôm con vỗ về.
"Cậu đậu rồi!", các bạn cùng lớp cũng reo hò khắp căn phòng.
Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu của một kỳ tích không thể tin được. Suốt vài tháng tiếp theo, cậu học trò xuất sắc của Trường trung học Lamar ở thành phố Houston liên tục nhận được những lời chấp nhận từ các đại học khác.
Trong số đó là những tên tuổi đáng mơ ước như Yale, Princeton, Northwestern, Johns Hopkins, Đại học Texas và Đại học Georgetown.
Và cuối cùng, tuần vừa qua, Harvard cũng đã chấp nhận đơn xin vào đại học của cậu.
Tổng cộng Micheal đã nộp đơn xin vào 20 trường và được chấp nhận tất cả, đồng thời mỗi trường đều cấp cho cậu học bổng toàn phần.
"Với mỗi trường, em đều rất căng thẳng vì không ai lại muốn bị từ chối, đặc biệt là đối với trường Stanford. Em cũng không kỳ vọng mình sẽ được tất cả các trường chấp nhận, cho tới khi em được Stanford thông báo kết quả đậu", cậu bé nói với Washington Post.
Kỳ tích của cậu không phải là không có tiền lệ - nhưng đó vẫn là điều gây sửng sốt nếu xét đến tỉ lệ được chấp nhận thấp kỷ lục ở một số trường, mà đặc biệt là tại Trường trung học Lamar của cậu, nơi mà có hơn 3.300 học sinh, nhưng hơn phân nửa trong số đó được xem là có nguy cơ bỏ học.
Với Rutledge-Brown, thành công của con trai bà thậm chí còn xúc động hơn. Micheal là "con cầu con khẩn" của bà vì trước đó bà đã hư thai đến ba lần. Và dù vợ chồng bà đã ly hôn khi cậu bé còn học tiểu học, nhưng cha của Micheal vẫn ghé thăm và chăm sóc cậu bé.
"Mike là đứa trẻ ngoan. Nó dễ nuôi. Tôi thật sự biết ơn Chúa. Tôi nhận thấy rằng thằng bé rất thông minh, vì thế tôi biết rằng nó cần được thử thách", bà tâm tình với Washington Post.
Bà cho biết Micheal thật sự trở nên tập trung vào việc học từ năm lớp 6.
"Nó quyết định mọi thứ, vì thế tôi chỉ hỗ trợ và cho phép nó làm điều nó thích. Có một điều mà tôi luôn nhắc nó là nếu bắt đầu một chuyện gì đó thì không bỏ cuộc nửa chừng".
Chẳng hạn như khi học lớp 7, cậu tham gia đội bóng đá được một thời gian nhưng lại thấy mình không hợp với thể thao. Cậu không thích làm đau người khác và nó cũng ảnh hưởng đến việc học. Nhưng bà đã bảo cậu hãy ráng chơi cho đến hết học kỳ.
"Tôi nói, con không được bỏ cuộc nửa chừng, không được bỏ đội bóng. Hãy chơi đến hết học kỳ và nếu sau đó không muốn chơi nữa thì cũng không sao", bà kể lại.
Thế là Micheal chơi hết mùa đó và chuyển sang chơi tennis. Ở trường trung học, cậu đã khám phá ra được những hoạt động ngoại khóa khác mà mình yêu thích - như tranh luận, câu lạc bộ khuyến khích khả năng lãnh đạo, và chính phủ do sinh viên điều hành... và chính giai đoạn này, cậu thật sự đã đặt mục tiêu vào đại học.
Micheal Brown và các bạn - Ảnh: Berthinia Rutledge-Brown
Suốt quãng thời gian ở trung học, Micheal đã xây dựng được tình bạn khắng khít với các bạn trong lớp (đặc biệt là nhóm tranh luận của mình), thầy cô và các nhà cố vấn, những người mà theo mẹ cậu là cũng có tầm quan trọng tương tự trong việc thúc đẩy cậu học tốt.
"Mấy đứa bạn của nó giống như một đất nước Nam Phi thời hậu phân biệt chủng tộc thu nhỏ. Chúng không coi vấn đề chủng tộc theo cách chúng ta vẫn làm.
Chúng không xem chuyện học hành như chúng ta. Chúng chỉ nhìn thấy lẫn nhau. Và tôi cảm thấy rằng nếu người lớn chúng ta ngừng chỉ trích thì chúng có thể biến thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn nhiều", bà Rutledge-Brown nói.
Bà cũng biết ơn các chương trình như Breakthrough Houston và Emerge - hai chương trình giúp học sinh ở các cộng đồng thu nhập thấp và ít được vào đại học tìm được cách vào đại học.
Bà nói với New York Times rằng mình đã khóc tại một buổi giới thiệu của Emerge khi biết rằng con trai mình có thể vào đại học, một điều mà trước đây là dường như không thể mơ tới.
Trong khi đó, Micheal cho biết chính mẹ là người đã tạo cảm hứng, thúc đẩy cậu.
Khi cậu còn học tiểu học, bà Rutledge-Brown đã quay trở lại trường đại học cộng đồng Houston để học tiếp. Giờ đây bà là một nhà tư vấn cho những người bị nghiện rượu hoặc ma túy, và cho biết ước mơ của mình là mở cơ sở phục vụ những người bệnh đang hồi phục.
Và nỗ lực của bà đã không hề bị cậu con trai bé bỏng phụ lòng.
Micheal Brown cho biết chính mẹ là người đã tạo cảm hứng, thúc đẩy cậu - Ảnh: Berthinia Rutledge-Brown
"Sau khi ly dị, mẹ em quyết định mình cần có một công việc tốt hơn. Đó là lần đầu tiên em có thể hiểu được học đại học là như thế nào, và thấy được nó quan trọng thế nào đối với mẹ, cũng là một điều quan trọng đối với em.
Em không nghĩ mẹ thật sự biết em đã hiểu rằng điều đó có một tác động lên em - nhưng quả thật là có", cậu bé kể lại.
Khi đến thời điểm nộp đơn vào đại học, Micheal đã đạt được một kỷ lục học tập rất ấn tượng (điểm GPA là 4.68, điểm thi SAT là 1540 và ACT là 34), cùng với những hoạt động tình nguyện và ngoại khóa khác.
Trong các bài luận của mình, cậu bé viết về người bà quá cố, cũng như mình đã yêu thích chính trị nhiều thế nào, và "cách em sẽ tập trung vào việc làm cho thế giới tốt hơn trong tương lai".
Cậu nộp đơn vào trường Stanford trước, rồi sau đó là 19 trường khác mà cậu thấy mình đủ khả năng vào.
"Thằng bé rất có phương pháp. Nó hiểu mình đang làm gì", mẹ cậu tự hào cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, cậu có 1 tháng để cân nhắc nhiều chọn lựa trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Dù trước đây cậu dự định vào Stanford, nhưng hiện tại cậu cho biết mình không chắc lắm.
Cuối tuần qua, cậu và các bạn đã có một chuyến đi chơi ở biển để ăn mừng kỳ tích của mình, cũng như nhận được những lời mời phỏng vấn của giới truyền thông.
Mẹ cậu cho biết sự chú ý đó cũng gây khó chịu cho con trai mình vì cậu hơi nhút nhát, nhưng cuối cùng cậu đã quyết định xuất hiện để chia sẻ câu chuyện của mình để mang đến hi vọng cho các học sinh khác.