TTO - Giáo viên vào lớp, ghi bài rồi im lặng ra về. Phải chăng trong đó dồn nén một thái độ thách thức, bởi cô giáo bảo từng bị học sinh đe dọa ghi âm?
Em Phạm Song Toàn chia sẻ tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh tiêu biểu TP.HCM ngày 23-3 - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
Câu chuyện em Phạm Song Toàn bật khóc trong buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố vẫn đang khiến tôi trăn trở rất nhiều.
Em kể về cô giáo dạy Toán suốt nhiều tháng liền vào lớp chỉ ghi bài mà không hề nói gì. Em tha thiết mong cô giáo đối xử với lớp học bình thường.
Thật khó tưởng tượng được rằng chuyện đó lại xảy ra trong môi trường giáo dục ở một thành phố lớn suốt một thời gian dài.
Những giọt nước mắt rơi hôm ấy đã nói lên được nỗi lòng của một cô học trò với những áp lực khủng khiếp về bài vở, quan hệ thầy trò.
Sự cố gắng của em đã được đền đáp. Ngay sau đó là một làn sóng mạnh mẽ lên án cách ứng xử khô cứng của giáo viên với học sinh.
Có thể nói, dù có cảm thông và rộng lượng thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng rất khó có thể đồng cảm với cô giáo trong suốt một thời gian dài bạo hành tinh thần các em.
Hãy thử tưởng tượng những giờ học lặng im đến đáng sợ. Giáo viên vào lớp, ghi bài rồi im lặng ra về. Phải chăng trong đó còn dồn nén một thái độ thách thức, bởi cô giáo bảo từng bị học sinh đe dọa ghi âm?
Cô đã sai quy chế chuyên môn. Cô cũng đã vi phạm đạo đức nghề giáo một cách nghiêm trọng. Nhưng tôi tin rằng khi trình bày với lãnh đạo thành phố, hẳn Song Toàn không hề muốn một mức án kỷ luật nghiêm trọng dành cho cô giáo, không hề mong cô nhận sự đả kích mạnh mẽ từ dư luận.
Chỉ là em phải nói, phải trình bày để thay đổi tình hình cực kỳ căng thẳng mỗi giờ học Toán. Em muốn chấm dứt những giờ học lặng im và quan hệ cô trò được cải thiện.
Thế nhưng nếu không có buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố ấy, tâm sự của Song Toàn cũng như toàn thể lớp 11A1 sẽ gửi gắm cho ai và giải quyết thế nào?
Buổi đối thoại giữa cô giáo và lớp 11A1 vừa mới diễn ra đã phần nào xoa dịu được vết thương lòng của những cô cậu học sinh ấy và cởi "nút thắt" lâu nay trong quan hệ thầy trò.
Dẫu vậy tôi vẫn ao ước giá như buổi đối thoại giữa cô giáo và học sinh đến sớm hơn, như vậy có lẽ mọi chuyện sẽ không kéo dài và gây tổn thương sâu sắc đến thế.
Những câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta chính là lâu nay, ý kiến của học sinh được lắng nghe như thế nào? Chúng ta có tạo cơ hội cho các em được nói, phản biện và tôn trọng? Nhà trường đã quan tâm, theo dõi sát sao tình hình học tập, sinh hoạt của học sinh chưa?
Một số trường học có xây dựng các buổi đối thoại với học sinh và phụ huynh, nhưng hiển nhiên có những chuyện, những vấn đề cha mẹ học sinh và các em muốn nói vẫn kìm lại giữa tập thể công khai.
Khi các buổi đối thoại ấy chỉ mang tính hình thức, phong trào thì những "nỗi niềm giấu kín" sẽ còn bị đề nén và làm gãy đổ nhiều mỗi quan hệ.
Câu chuyện về cô giáo im lặng suốt mấy tháng nay là bài học đắt giá.
Và khi có vụ việc gì liên quan đến giáo viên xảy ra, thông thường nhà trường tìm cách xử lý theo kiểu bênh vực, bảo vệ người thầy.
Chính điều đó làm các em nghĩ đến việc mình lên tiếng cũng chẳng thay đổi được gì. Cá biệt có những trường hợp các em phải mượn mạng xã hội để lên tiếng.
Sự cả nể giữa giáo viên đã làm khổ học sinh!
Một vấn đề quan trọng nữa là sau mỗi lần học sinh "tố giác" thầy cô, ai sẽ là người bảo vệ các em? Các em có nhận được sự đồng cảm, thân thiện hay đổi lại sự lạnh nhạt, dè chừng từ giáo viên?
Tôi cũng không loại trừ cả tình huống học sinh bị trù dập, o ép, phân biệt đối xử sau khi dũng cảm lên tiếng. Hi vọng rằng em Song Toàn sẽ không rơi vào tình huống đáng buồn ấy. Để sự trung thực và dũng cảm vẫn luôn là bài học đắt giá và chân lý bất di bất dịch.
Nhà trường luôn nêu cao khẩu hiệu dân chủ. Tuy nhiên, trong cách ứng xử với học sinh, tôi thấy nhiều giáo viên cũng chưa thật sự dân chủ, tôn trọng các em.
Và khi tiếng nói của các em còn chưa dám cất lên, chưa được tôn trọng, giấc mơ về một thế hệ trẻ vừa hồng vừa chuyên, dám nghĩ dám làm còn rất xa vời…