TTO - Vấn đề gây bức xúc thời gian qua là hàng loạt khu đất công do doanh nghiệp quản lý lòng lẻo dẫn đến lãng phí, sử dụng không hiệu quả, bỏ hoang nhiều năm.Tại sao Nhà nước chưa thu hồi và liệu có thu hồi được không?
Dự án tại 35/12 Bế Văn Cấm, Q.7, TP.HCM là một trong 60 dự án được Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ thanh tra - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giải trình về quá trình định giá bất động sản doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi cổ phần hóa tại Quốc hội ngày 28-5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà khẳng định "hoàn toàn có thể thu hồi những quỹ đất sau cổ phần hóa quản lý lỏng lẻo, sử dụng không hiệu quả".
"Truy trách nhiệm nếu định giá sai"
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ đã ban hành nghị định số 01 tháng 1-2017, quy định về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa DNNN, doanh nghiệp có trách nhiệm phải rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo pháp luật của đất đai, sắp xếp xử lý đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều quan trọng, theo ông Hà, nghị định 01 ra đời cũng sẽ xem xét lại cả quá trình định giá các khu đất vàng, kể cả các dự án đã được cổ phần hóa thành công.
"Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang giao thanh tra, kiểm tra lại các DNNN mà có dư luận phản ảnh là có đất vàng mà giá như bèo, yêu cầu kiểm tra sai ở đâu, vi phạm ở khâu nào, từ đó sẽ có kiến nghị xử lý" - ông Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: QUANG VINH
Ông Hà cho biết thêm Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính vào cuộc đối với các dự án đã cổ phần hóa thành công mà đất đai được định giá với giá chưa sát với thực tế, phương pháp, việc định giá có đúng hay không, việc chuyển đổi mục đích sử dụng có phù hợp hay không...
Nếu quá trình kiểm tra này phát hiện có việc định giá sai, chênh lệch giá lớn thì sẽ xem xét trách nhiệm để xử lý.
"Thẩm định giá là hình thức"
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, một trong những thất thoát lớn trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN là việc tài sản đất đai của Nhà nước chưa được tính giá đúng - sát với thị trường. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng có tình trạng "kền kền ăn xác chết" trong quá trình cổ phần hóa DNNN.
Việc định giá tài sản, trong đó có tài sản đất đai, trước khi cổ phần hóa chưa được thực hiện chặt chẽ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để chống thất thoát từ đất vàng, phải thanh tra, kiểm tra, nếu xác định giá đất không phù hợp thì phải xử lý. Trong ảnh: một dự án ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), trong nhóm 60 dự án Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho thanh tra - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các đại biểu cũng cho rằng mặc dù quá trình định giá đã có đầy đủ các cơ quan thẩm định, nhưng các cơ quan này dễ dàng bị chi phối, việc thẩm định giá cũng rất hình thức, thậm chí là vô nghĩa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng cần siết chặt quá trình sử dụng đất đai doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Theo ông Dũng, quá trình chuyển đổi mục đích đất đai sau cổ phần hóa phải đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nhằm hạn chế bớt thiệt hại tài sản của Nhà nước khi tính giá trị đất chưa sát. Như vậy người quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất phải tính tiền sử dụng đất theo giá đất ở và áp giá theo khung của thị trường.
"Nhưng chúng ta không làm được điều đó, vì thế không rõ trách nhiệm, trắng đen lẫn lộn, thiếu minh bạch và thất thoát" - ông Dũng nói.
Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa DNNN (nghị định số 01/2017) - Đồ họa: T.ĐẠT
Thực tế: trần ai
Nhiều khu đất công tại TP.HCM đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan chức năng, thậm chí có trường hợp đơn vị quản lý tự nguyện giao đất lại cho Nhà nước nhưng quá trình thu hồi đất kéo dài hàng năm chưa xong.
Tranh cãi thủ tục
Khu đất của Đài phát sóng phát thanh Quán Tre của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Q.12, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khu đất rộng 5,8ha ở P.Đông Hưng Thuận (Q.12) do Đài phát sóng phát thanh Quán Tre (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV) quản lý, sử dụng đã có chủ trương bàn giao về UBND Q.12 xây cụm trường học từ năm 2015.
Đài phát sóng phát thanh Quán Tre cũng đồng ý bàn giao đất, nhưng 3 năm qua chưa thực hiện được do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung về thủ tục.
Trong công văn gửi UBND TP.HCM tháng 3-2018, lãnh đạo VOV cho biết quyết định của Bộ Tài chính yêu cầu Đài phát sóng phát thanh Quán Tre bàn giao khu đất 5,8ha cho UBND TP.HCM.
Nay UBND Q.12 muốn tiếp nhận lô đất trên thì phải có văn bản hay quyết định chính thức của UBND TP.HCM.
Trong những lần làm việc, UBND Q.12 trưng ra thông báo của UBND TP.HCM về việc giao khu đất 5,8ha cho UBND Q.12 làm trường học nhưng nhà đài không đồng ý và cho đó là thông báo nội bộ, không có giá trị pháp lý thi hành!
Giao một đòi mười
41
Đó là số lô đất công với diện tích hơn 20ha đang được các cơ quan chức năng TP.HCM tổ chức thu hồi. Sở Tài chính cho biết phần lớn các lô đất này được UBND TP.HCM giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thu hồi để bán đấu giá hoặc giao về cho các địa phương xây dựng trường học, công trình công cộng. Tuy nhiên, việc thu hồi kéo dài nhiều năm không thực hiện được.
Một khu đất khác cũng được chủ trương thu hồi làm trường học tại Q.12 nhưng qua 16 năm chưa thu hồi được, đó là địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất (Q.12) rộng gần 10.000m2, do Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, thuộc Viện Dược liệu (Bộ Y tế) quản lý, sử dụng.
Nguyên khu đất này do UBND TP.HCM tạm giao cho Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM sử dụng trong 10 năm và có ghi chú rõ nếu sau 12 tháng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì sẽ bị thu hồi.
Năm 1999, Thanh tra TP.HCM có kết luận phần đất nói trên sử dụng sai mục đích nên kiến nghị thu hồi.
Đến năm 2002, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi khu đất và tạm giao cho UBND Q.12 quản lý để xây dựng trường học.
Sau đó cả Viện Dược liệu và Bộ Tài chính đều có công văn đề nghị UBND TP.HCM xem xét lại việc thu hồi, nhưng UBND TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng việc thu hồi để xây dựng trường học là đúng quy định.
Năm 2014, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận UBND TP.HCM phải đổi cho Trung tâm sâm và dược liệu một lô đất khác phù hợp với công tác duy trì, phát triển vườn dược liệu.
Từ đó đến nay, Sở Tài nguyên - môi trường đã giới thiệu hai khu đất thuộc xã Vĩnh Lộc và xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) để trung tâm này di dời đến.
Không đồng ý, Trung tâm sâm và dược liệu đề nghị phải đổi diện tích đất rộng 10hatại Q.9.
Doanh nghiệp tự nguyện trả: lấy cũng không dễ
Năm 2014, Công ty cổ phần Phân bón miền Nam tự nguyện giao cho UBND TP.HCM hai lô đất đẹp ở mặt tiền đường Kinh Dương Vương thuộc Q.Bình Tân.
Nhưng 4 năm trôi qua, cơ quan chức năng chưa làm xong thủ tục để nhận hai khu đất có tổng diện tích gần 17.000m2 này.
Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết hiện chưa thể tiếp nhận hai lô đất công này do chưa thỏa thuận xong việc hoàn trả giá trị nhà xưởng trên đất.
Chuyên gia: Luật cho phép thu hồi
TS Phạm Văn Võ (phó trưởng khoa luật thương mại Đại học Luật TP.HCM):
Thu hồi không bồi thường
Có thể thu hồi nếu có căn cứ doanh nghiệp sử dụng đất thuộc trong những trường hợp thu hồi đất theo điều 61, 62 hoặc 64, 65 của Luật đất đai.
Điều 64 quy định nếu đất được Nhà nước giao, cho thuê mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian chậm tiến độ.
Hết thời hạn được gia hạn chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.
Doanh nghiệp cố ý không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước cũng có thể thu hồi.
Đối với những khu đất doanh nghiệp đã chuyển nhượng hoặc liên danh, liên kết sẽ khó xử lý vì giá đất đã được hội đồng định giá thông qua và UBND tỉnh, thành phê duyệt.
Tuy nhiên, Nhà nước cũng có thể áp dụng căn cứ điều 112 của Luật đất đai quy định việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá thành công.
Trường hợp giá đưa ra thấp hơn, Nhà nước có thể thanh tra, kiểm tra kết luận sai phạm, yêu cầu định giá lại để thu hồi số tiền chênh lệch.