Sống khỏe

Vì tin đồn bắt cóc, 6 người bị đánh hội đồng đến chết

TTO - Nhiều người bị nghi oan trên mạng xã hội Ấn Độ là kẻ bắt cóc trẻ em, sau đó bị người dân đánh hội đồng cho tới chết. Nhà chức trách Ấn Độ phải phát đi cảnh báo vì vấn đề này.

Vì tin đồn bắt cóc, 6 người bị đánh hội đồng đến chết - Ảnh 1.

Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 35 người có liên quan tới vụ đánh đập tập thể một người phụ nữ chuyển giới hôm 26-5 - Ảnh: AFP

Ngày 29-5, cảnh sát Ấn Độ đã kêu gọi người dân nước này tránh tin vào những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, sau khi khi một nạn nhân thứ 6 bị nghi oan là người bắt cóc trẻ em đã bị đám đông giận dữ đánh cho tới chết.

Cụ thể, cuối tuần trước, một phụ nữ chuyển giới 52 tuổi đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương sau khi bị một đám đông đánh tập thể ở thành phố Hyderabad, bang Telangana, miền nam Ấn Độ.

Công chúng cáo buộc các nạn nhân này dính dán tới một đường dây bóc lột trẻ em. Tuy nhiên, cảnh sát Ấn Độ khẳng định không có một đường dây nào như vậy .

Các nạn nhân đều là những người ăn xin. Vụ việc xảy ra vào lúc 23h đêm 26-5 khi 4 người phụ nữ trên đến ăn xin tại Chandrayanagutta, thành phố Hyderabad. Một số người liền tung tin rằng các phụ nữ này đến để bắt cóc trẻ em. Thế là khoảng 20 người nhào tới tấn công họ, trong khi một đám đông khoảng 200 người đứng thờ ơ cổ vũ.

Theo Đài CNN, các tin đồn giả bắt nguồn từ ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Người dùng đã tung tin nói rằng người các phụ nữ chuyển giới ăn xin trong khu vực trên đứng sau một âm mưu bắt cóc trẻ.

Tuần trước, một người đàn ông 42 tuổi cũng bị đánh đến chết tại thành phố Nizamabad, cách thành phố Hyderabad khoảng 160 km. Đám đông đánh đập ông này sau khi cáo buộc ông là một tên bắt cóc trẻ em.

"Không có các băng nhóm bắt cóc nào ở Hyderabad. Chúng tôi cảnh báo công chúng tránh làm hại người khác chỉ dựa vào các tin đồn trên mạng xã hội" - hãng tin AFP dẫn lời ông Anjani Kumar, cảnh sát trưởng thành phố Hyderabad, nói ngày 29-5.

Hàng chục cảnh sát và người dân địa phương chiều tối 28-5 cũng đã tuần hành qua thành phố Hyderabad, mang theo loa phát thanh kêu gọi người dân không xem thường pháp luật và tự tiện gây hại người khác.

Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 35 người có liên quan tới vụ đánh đập người phụ nữ chuyển giới trên. Bà đã qua đời trong bệnh viện chỉ một ngày sau khi bị đánh oan.

Nhà chức trách Ấn Độ cũng đã phát cảnh báo trên toàn bang Telangana và các bang lân cận như Andhra Pradesh và Tamil Nadu - nơi xảy ra 4 vụ việc tương tự.

Một đám đông cả trăm người đã đánh chết một người làm công và khiến 7 người khác bị thương ở bang Andhra Pradesh hôm 20-5. Người ta cũng tin rằng các nạn nhân này có liên quan tới một đường dây buôn bán trẻ em.

Nhà chức trách Ấn Độ hiện chưa tìm thấy bất kỳ trường hợp bắt cóc nào có liên quan tới các video được lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội như WhatsApp ở nước này.

Một số người đã bị bắt giữ vì lan truyền các video như vậy. Không rõ là thật hay giả, một vài đoạn video được đăng tải cho thấy cảnh "những kẻ bắt cóc" nhấc bổng một đứa trẻ ra khỏi nhà và đưa đi.

​Công an Bình Thuận bác tin đồn bắt cóc trẻ em

Công an tỉnh Bình Thuận ngày 3-3 cho biết sau khi xác minh đã xác định tin báo của người dân về vụ bắt cóc trẻ em vào ngày 5-2 là không đúng sự thật.

Thiết bị chống bắt cóc trẻ em của sinh viên

TTO - Làm thế nào bảo vệ con nhỏ từ xa trước những tình huống bị bắt cóc, đi lạc, tai nạn ngoài ý muốn? Làm thế nào phụ huynh biết được tình hình con nhỏ khi ở xa vòng tay cha mẹ?

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,284,458       2/1,511