Tiêu dùng

Outlet cho ra outlet mới hút khách

SGTT.VN - Giữa năm 2013, thông tin một loạt các outlet biến khỏi thị trường TP.HCM sau một hai năm hoạt động như outlet của Nine West trên đường Nguyễn Trãi, của Esprit trên đường Phạm Hồng Thái, Del Amo outlet trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, Elle outlet trên đường Cao Thắng… Trước đó, cuối năm 2012, trung tâm Premium Outlet trên đường Phạm Văn Hai, Tân Bình cũng âm thầm biến mất khiến nhiều người nghĩ outlet đã “chết non”.

Vài chục ngàn sản phẩm trong một outlet của F.O.S cũng là trong những lợi thế thu hút khách.

Outlet, theo cách hiểu thông thường nhất là nơi bán hàng giảm giá của những nhãn hiệu tên tuổi với giá rất hời. Tỷ lệ giảm thông thường từ 30 – 80% so với giá chính thức trong mùa. Ở nước ngoài, outlet thường là những chuỗi cửa hàng tầm trung để giải quyết lượng hàng giạt ra từ các thương hiệu chính thống. Kinh doanh outlet thời trang có thể theo mùa, ở Mỹ, từ tháng 11 đến Giáng sinh là mùa bán hàng giảm giá lớn nhất trong năm, trong những ngày này, tín đồ mua sắm có thể xếp hàng rồng rắn hoặc lê lết cả ngày để mua được những món hàng hiệu với giá cực sốc. Ở Singapore hay Hong Kong, hệ thống outlet hoạt động suốt năm cũng thu hút rất nhiều người yêu thời trang ghé tiêu tiền khi đi du lịch.

Biến shop... thành outlet

Xuất hiện ở Việt Nam khoảng năm năm nay, outlet đã được nhiều người đón nhận với tâm trạng hồ hởi. Tuy nhiên, người đã từng mỏi chân mà chưa hề nản trong các outlet nước ngoài sẽ rất dễ thất vọng khi mua sắm với loại hình này tại Việt Nam. Trước hết là các mono-outlet, xuất hiện nhiều trên thị trường hiện nay, là cửa hiệu giảm giá của một thương hiệu riêng lẻ nào đó thường chỉ đủ sức giữ chân khách chừng 20 phút, vì không có nhiều sản phẩm để lựa chọn. Thêm nữa, outlet có khi còn bị hiểu phiến diện và dùng thay cho khái niệm cửa hàng hay shop. Trên đường Trường Chinh, biển hiệu của một doanh nghiệp may mặc uy tín trong nước đã đổi thành “outlet” dù bên trong, hình thức kinh doanh y như thời là “cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm”. Trên đường Nguyễn Đình Chiểu, trong một mặt bằng khiêm tốn, hàng nguyên giá trên sào, hàng giảm giá xếp trong thùng gỗ, mô hình kinh doanh không khác gì một số shop thời trang quen thuộc nhưng từ namecard đến biển hiệu, chữ “shop” đã được thay bằng “outlet”. Hiểu sai (vô ý hay chủ ý của người bán) về kinh doanh outlet đã khiến cho người tiêu dùng Việt lạnh nhạt dần với mô hình vốn thu hút người mua ở nhiều nơi trên thế giới. Thậm chí, sau vài lần ghé thăm, bà Thuỳ Linh, giám đốc công ty vận chuyển Sài Gòn thất vọng bởi – “hàng hoá không phong phú để thoả thuê lựa chọn, tệ hơn, có chỗ treo biển outlet mà bên trong còn bán cả hàng fake”.

Việc biến mất hàng loạt các outlet trong năm 2013 có thể do khủng hoảng kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc và các thương hiệu này buộc phải “hành động” để “cắt lỗ”. Cũng có thể, thái độ thờ ơ của người tiêu dùng do mô hình outlet đã bị biến dạng khi bước chân vào thị trường Việt Nam khiến “hai xôi nhồi một chõ”, làm cho tình hình tệ thêm đến mức đóng cửa. Dù vậy, người nghiện mua sắm hàng giảm giá chớ vội lo lắng. Cho đến thời điểm này, những “ông lớn” trong kinh doanh thời trang hàng hiệu cũng đã khởi động “tung chiêu”, outlet Việt đang dần trở lại đúng hướng của nó bởi xét cho cùng, trong kinh doanh thời trang, bài toán xả bán hàng tồn là một bài toán khó mà lời giải là mô hình outlet đã được kiểm chứng thành công ở nước ngoài.

Dù là hàng qua mùa, sản phẩm ở outlet vẫn được trưng bày trang trọng đẹp đẽ.

Outlet thực đang hồi phục

Tháng 11.2013, Hoàng Phúc International khai trương hai outlet ở quận 5 và Gò Vấp nâng số lượng outlet tại TP.HCM lên sáu cái. Chuyên phân phối các thương hiệu thời trang như Dr Martens, Kappa, Ecko, Skechers… các cửa hàng outlet của Hoàng Phúc là nơi giải quyết hàng qua mùa cho các shop hàng nguyên trong toàn hệ thống. Do đó, sản phẩm có thể thiếu , có vài lỗi nhỏ và dù quy định chung là hàng outlet thường không cho đổi, trả nhưng Hoàng Phúc luôn uyển chuyển xử lý để khách hàng dù mua sản phẩm qua mùa vẫn có thể thoả mãn và sử dụng tốt.

Được thành lập từ cuối năm 2010, ACFC – một công ty con trực thuộc tập đoàn IPP, là nhà phân phối các thương hiệu thời trang, chuyên về các thương hiệu nổi tiếng quốc tế tại Việt Nam như Banana Republic, CK, Gap, Nike, Tommy Hilfiger… với mạng lưới phân phối rộng rãi tại các vị trí sang trọng, cũng đã thiết lập hai outlet để “clear” lượng hàng tồn ngày càng nhiều của mình. Cuối năm 2013, một outlet rộng hơn 500m2 ở Super Bowl của ACFC ra đời, hàng hoá được trưng bày đẹp đẽ trang trọng không khác gì các gian hàng nguyên giá khác. Trên đường Cộng Hoà, outlet dành cho hai nhãn CK và Nike cũng rất thu hút người mua sắm. Sắp tới, khi Zen Plaza tái sắp xếp, một nguồn tin riêng cho biết ACFC sẽ đặt một outlet để cơ hội mua hàng hiệu giảm giá của người tiêu dùng trở nên dễ dàng hơn.

Ở phân khúc khác, chủ yếu với các nhãn hiệu tầm trung và tấn công vào mô hình kinh doanh outlet nhưng không phải sản phẩm qua mùa mà là sản phẩm “xuất thẳng từ nhà máy”, mỗi outlet của hệ thống F.O.S (Fashion Outlet Store Co., Ltd) với vài chục ngàn sản phẩm nhập từ Malaysia, hiện đã phát triển được năm điểm ở TP.HCM sau khi thu hút được nhiều người mua sắm tại điểm đầu tiên là Crescent Mall, quận 7. Ở Hải Phòng và Hà Nội, F.O.S cũng có mỗi nơi một outlet bán hàng của các hiệu Playtime Dress, Old Skool Tees, Northern Rock, Giovanni Valentino…

Việc mở rộng hệ thống outlet của các nhà nhập khẩu thời trang lớn trong khoảng sáu tháng gần nhất đã cho thấy, outlet Việt có thể chệch choạc một hai bước đầu, nhưng càng ngày, càng tiệm cận với sự kỳ vọng của người tiêu dùng về mô hình kinh doanh thú vị này. Theo ý của một quản lý kinh doanh chuỗi outlet và thực tế thị trường, người tiêu dùng có thể tin rằng multi-outlet sẽ là xu hướng chung cho loại hình kinh doanh này, bởi hàng hoá tại các outlet càng phong phú sẽ càng thu hút người tiêu dùng. Có thể bước đầu, thị trường còn vài mảng lệch lạc nhưng nếu làm bài bản và đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên thì outlet sẽ dần lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng Việt.

bài và ảnh: Gia Hoà

sgtt.vn

© 2021 FAP
  84,150       1/319