Khi con đã lớn

“Đạo chích” trong nhà

PNCN - Con trai tôi 17 tuổi, có người yêu bằng tuổi. Cháu muốn “chứng tỏ mình” với mọi người nên ngày ngày đưa đón cô bạn kia đi học và thể hiện tình yêu… như trên phim.

Gần đây tôi phát hiện đồ đạc trong nhà bị “bốc hơi”, khi là chai sữa tắm, lọ nước hoa, lúc thì xấp tiền polymer bị “thiếu” vài tờ. Nặng nhất là chuyện cháu “mượn tạm” chiếc xe máy của bố rồi đem đi cầm để có tiền tổ chức sinh nhật cho người yêu. Vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa vì lo con trai phạm pháp. Bên cạnh việc lo lắng cháu “vượt rào” với bạn gái khi cả hai còn vị thành niên, lúc nào chúng tôi cũng đề phòng như có kẻ cắp trong nhà. Chúng tôi phải làm gì để dạy con?

(Một người mẹ ở Q.1, TP.HCM)

Đến tuổi dậy thì, cậu trai bắt đầu tìm hiểu, khám phá và cảm nhận những cảm xúc mới lạ về cơ thể. Cùng với sự thay đổi về nội tiết tố thì sách báo, phim ảnh, internet và quan niệm sống cởi mở cũng giúp cậu tiếp cận dễ dàng hơn, nhanh hơn với vấn đề nhạy cảm mà các thế hệ trước cho là điều cấm. Yêu đương là nhu cầu bản năng, cha mẹ phải ứng xử hết sức khéo léo: đã không ngăn được dòng thác lũ của con sông thì phải biết biến sức nước ấy thành nguồn thủy điện có ích.

Trước hết chị cần khen con trai: mới 17 tuổi mà con đã rất rõ ràng trong tình cảm và biết nhận lãnh trách nhiệm về mình là tốt. Sau đó, hãy nói cho cháu hiểu rằng, nam tính phải được khẳng định bằng năng lực của bản thân và biết lo cho người yêu bằng đồng tiền chính đáng tự mình kiếm được nhờ sức lao động, muốn vậy phải có nghề nghiệp vững chắc, có sức khỏe và nhân cách tốt để gánh vác vai trò của người đàn ông. Lúc này con còn đang đi học, sống chủ yếu dựa vào cha mẹ mà cứ cố “kiễng chân” chứng tỏ với bạn gái thì khác nào kẻ sĩ diện hão, chưa kể còn như một tên “đạo chích” trong nhà. Chị cũng cần nhắc cháu: trách nhiệm của người con trai không chỉ là đưa đón bạn gái đi về, quan tâm những nhu cầu nho nhỏ của cô ấy, mà quan trọng nhất là phải giữ cho bạn gái trong sự bao bọc “an toàn” của một tình cảm trong sáng, cư xử đứng đắn, tránh tất cả những hành vi vượt giới hạn, sao cho gia đình bạn gái cảm thấy yên tâm tin tưởng. Muốn được vậy, cần biết tự giác, tự chủ, tự lập. Chị cũng nên cho phép cháu mời “người yêu” về nhà chơi, vừa để tiếp xúc và tìm hiểu, qua đó dễ góp ý cho con mình, vừa để tránh việc hai cháu gặp gỡ nhau ở những nơi “riêng tư”. Nếu cô bé ngoan ngoãn chăm học thì hãy liên kết với đồng minh để giúp con trai ham học, ngược lại nếu là một cô gái đua đòi, thiếu sự kèm cặp của gia đình thì chị cũng lên phương án đối phó và cảnh tỉnh con mình.

Về việc cháu cầm xe của bố để có tiền “bao” bạn gái, chính chị là người biết rõ tính tình và cách hành xử trước giờ của cháu. Trộm cắp là hệ lụy của một quá trình, cho dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì chị nên phòng ngừa bằng cách để ý quan sát những hành vi, tâm lý bất thường ở con mình, những thay đổi bất ngờ và so sánh với thời điểm trước đó của con. Trong nhà nên hạn chế sự phô bày của cải, tránh kích động thói xấu của con (ỷ lại, nảy lòng tham, tiện thể “cầm nhầm”).

Chị đừng chủ quan với hành vi xấu, cần thường xuyên quan sát xem con mình giao du với đối tượng bạn bè nào, có những dấu hiệu gì bất thường trong sinh hoạt hàng ngày để kịp thời khuyên bảo, đề phòng, kịp thời ngăn chặn bằng mọi hình thức. Một khi con phạm tội, cha mẹ không thể khuyên can thì hãy để pháp luật uốn nắn. Nếu cháu không rút kinh nghiệm và tiếp tục kiếm tiền bằng mọi cách để cung phụng bạn gái, gia đình cần có biện pháp mạnh tay hơn.

Bác sĩ Hoa Tiêu

www.phunuonline.com.vn

trộm cắp, bạn bè, người yêu, kinh nghiệm


© 2021 FAP
  674,086       5/1,099