PN - Buổi lễ Tri ân và trưởng thành của trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM diễn ra sáng 11/5 chỉ vỏn vẹn hai tiếng, nhưng mãi đến mấy giờ sau...
Khi tôi 18…
Là chủ đề của cuộc vận động viết tùy bút, đoản văn về ngày lễ Tri ân và trưởng thành của trường THPT Tây Thạnh năm học 2013-2014. Thầy Phạm Văn Cường - Phó hiệu trưởng cho biết: “Dù gần kề kỳ thi cuối cấp căng thẳng, nhưng hàng ngàn HS vẫn gửi bài tham dự. Đọc bài viết của các em, chúng tôi không khỏi bất ngờ…”. Quả thật, trên từng trang viết, các em đã cho thấy sự trưởng thành rất rõ. Em Phạm Vũ Cung Mi cảm nhận: “Tuổi 18, độ tuổi chưa hẳn là lớn, nhưng cũng không còn bé nữa. Bước vào tuổi 18, tôi như bước vào một chương mới của cuộc đời với nhiều sự thay đổi”. Em Ngân Hằng bộc bạch: “18 tuổi, tôi thấy mình chín chắn hơn, muốn tự do làm những gì mình thích, mình muốn”. Hay với Công Thành thì: “18 tuổi, tôi biết thế nào là cảm giác thích một người…”.
Từ ý thức về bản thân, các em nghĩ nhiều hơn đến những người xung quanh, bắt đầu từ tình yêu với ông bà, cha mẹ, với công lao dạy dỗ của thầy cô. Em Phương Thảo - lớp 12A10 trải lòng: “Mẹ tôi một đời sống vì người khác: khi nhỏ vì gia đình, lớn lên vì chồng, khi chồng mất thì hết lòng chăm lo cho đứa con độc nhất - là tôi. Vậy mà tôi đã nhiều lần làm cho mẹ khóc…”. Có em như Hồng Ngọc, suốt ba năm ở trường, không có thành tích gì đặc biệt nhưng qua bài viết, em đã mang đến cho thầy cô, cha mẹ cảm xúc rưng rưng: “Rồi bố mẹ chia tay nhau, mẹ buộc phải xa con. Ban ngày, mẹ tỏ ra vui vẻ nhưng cứ mỗi đêm về mẹ lại khóc… Thời đó chẳng có điện thoại di động, giá bưu điện lại mắc, nỗi nhớ con, mẹ gửi hết vào dòng nước mắt…”.
“Bất ngờ nhất với chúng tôi là trong cuộc vận động sáng tác lần này, nhiều em mang tiếng là “cá biệt” cũng sẵn sàng bộc bạch tâm tư. Tôi ngỡ ngàng nhận ra hoàn cảnh, suy nghĩ và những ước mơ cháy bỏng của học trò mình. Điều đó cho thấy cột mốc “tuổi 18” là vô cùng quan trọng với một đời người” - cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Phúc kể.
Niềm hạnh phúc của mẹ
Con đã lớn!
Thầy Cường cho biết: “Đây là năm thứ sáu, trường tổ chức lễ tri ân cho các học trò khối lớp 12. Buổi lễ đánh dấu sự trưởng thành của các em”. Nhiều phụ huynh đến tham dự không tin nổi những dòng tâm sự cứng cỏi, tự tin là của con em mình. Chị Phan Thị Kim Loan - một phụ huynh chia sẻ: “Khi nghe thầy dẫn chương trình trích đọc dòng ngợi ca mẹ của đứa con trai luôn kiệm lời, thậm chí có phần ương bướng, ngỗ nghịch và mời lên sân khấu nhận hoa từ con, tôi không cầm được nước mắt. Tôi tin con mình đã thực sự trưởng thành”.
Cả sân trường ngỡ ngàng lặng đi khi em Nguyễn Hoàng Quang Anh kể chuyện của mình. Cha mẹ Quang Anh ly hôn năm em ba tuổi. Thương con thiệt thòi, mẹ em - chị Hoài Anh, đã bù đắp cho con nhiều thứ, không để con phải thiếu thốn điều gì. Vậy mà, từ tuổi 14, 15 Quang Anh tỏ ra ngày càng ương bướng. Không quản nổi, người mẹ ấy đã phải gửi con vào trường nội trú. Được sự kèm cặp từ gia đình, nhà trường, Quang Anh bắt đầu chú ý đến việc học. Tuy không được khá, giỏi, nhưng Quang Anh đã có những bước tiến rõ rệt so với trước đó, bằng chứng là em đã thi đậu vào trường Tây Thạnh cách đây ba năm.
Bất ngờ lớn nhất là Quang Anh luôn quan tâm đến mẹ. Em viết: “Con biết rằng mẹ luôn cần một chỗ dựa vững chắc, một nơi an toàn để làm điểm tựa, con thật sự muốn trở thành tấm khiên vững chắc của mẹ. Nhưng mẹ ơi, cho con được xin lỗi mẹ thêm lần nữa và con biết rằng con cố gắng bao nhiêu lần cũng không bằng những tình cảm, những việc mẹ đã làm cho con…”.
“Cám ơn mẹ đã nuôi dưỡng con nên người. Có những lúc con bướng bỉnh, ngỗ nghịch làm nhiều điều khiến mẹ buồn lòng, phật ý nhưng chưa bao giờ mẹ nặng lời với con. Con ước mong sau này sẽ xây cho mẹ một ngôi nhà có đầy đủ tiện nghi để cuộc sống mẹ con mình không còn vất vả nữa…”, có mặt trong buổi lễ, nghe chính con gái Lại Thị Khả Tú rưng rưng đọc những lời tri ân gửi gắm đến mình, chị Lê Thị Lệ Duyên (Q.Tân Phú) không kìm được nước mắt. Chồng qua đời khi con gái mới vào lớp 1, những hụt hẫng, chới với khi mất đi người đàn ông trụ cột với chị Duyên sớm qua đi, thay vào đó nỗi lo làm thế nào để nuôi dạy các con nên người trong cảnh sống quá cơ cực. Chị nhớ lại: “12 năm con là HS giỏi. Trong khi con luôn thuộc tốp đầu những HS đạt thành tích cao thì tôi lại trở thành phụ huynh chậm… đóng học phí cho con nhất”. Con gái nghe vậy, nắm chặt tay mẹ, hứa: “Từ giờ, con đã trưởng thành, là một người lớn; bên cạnh chuyện học con có thể tìm việc làm thêm để phụ mẹ gánh nặng kinh tế. Con không để mẹ khổ nữa”. Không đợi đến buổi lễ, với chị Duyên, con gái đã “trưởng thành” từ lâu trong nhận thức, suy nghĩ khi con thường chín chắn đưa ra những quan điểm, hướng giải quyết mỗi khi gặp va vấp. Tú còn rất biết cách thể hiện tình yêu thương, nỗi lo lắng và biết quan tâm, chăm sóc mẹ khi ý thức về hoàn cảnh thiếu hụt của gia đình.
Khó khăn lắm, anh Dương Thoại (huyện Bình Chánh) mới kìm giữ được nước mắt hạnh phúc, tự hào khi nghe giọng đọc nghẹn ngào của con gái Dương Thị Lệ Thu: “Dẫu vất vả, khó khăn nhưng trong gia đình mình luôn đầy ắp tiếng cười, cha mẹ chưa bao giờ thể hiện điều gì để chúng con lo lắng. Không giống như nhiều người, cha mẹ lúc nào cũng tạo cho con sự gần gũi để con luôn thấy dễ dàng trong bộc bạch mọi chuyện, kể cả chuyện tình cảm với cha mẹ. Đoạn đường phía trước còn dài, những bước chân của con còn non nớt nên con rất cần cha mẹ bước cùng. Có lẽ con còn “làm khổ” cha mẹ nhiều nữa nhưng con hứa luôn cố gắng chín chắn, trưởng thành để cha mẹ không buồn lòng về con”.
Những giọt nước mắt xúc động đã rơi trên rất nhiều gương mặt. Buổi lễ ghi nhận sự trưởng thành hôm nay sẽ là một dấu ấn quan trọng, ghi khắc trong cuộc đời của các em.
Anh Thoại và con gái Lệ Thu - Ảnh: T. Dân
TINH CHÂU - YÊN NHẠN
trưởng thành, tình yêu, cuộc đời