PN - Bước vào độ tuổi trưởng thành, hầu hết bạn trẻ đều cảm thấy sự bảo bọc của cha mẹ như một rào cản, ngăn họ bước ra thế giới xung quanh.
* Huỳnh Thị Thu Trang (sinh viên ngành Ngữ văn ĐH KHXH&NV TP.HCM): Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ bắt đầu khi tôi bước chân vào TP.HCM học đại học. Mỗi lần gọi điện thoại mà nghe tôi nói đang đi học thì mẹ vui, còn đang đi chơi với bạn thì mẹ mắng. Nhiều khi tôi không giữ được bình tĩnh, lỡ nặng lời, làm mẹ giận.
Khi nhận ra mình đã chọn ngành học không hợp sở thích, tôi tâm sự với mẹ. Mẹ yêu cầu tôi tiếp tục học, “không được nghĩ lung tung”. Mẹ giận dữ và suy sụp đến quên ăn quên ngủ. Sau đó, tôi thi đại học lại, cho rằng ngành này sẽ phù hợp với mình hơn. Đòi hỏi của mẹ không những giảm mà còn tăng lên với quan niệm “một người giỏi thì làm việc gì, học môn nào cũng phải giỏi”, rồi kèm cặp tôi như một đứa con nít hư. Tôi bị áp lực đến mức nhiều khi muốn gạt bỏ tất cả để được sống theo ý mình. Thế nhưng vì thương mẹ, tôi im lặng đẩy mình vào cô đơn cùng cực.
Điều thật buồn là mọi ý kiến của tôi, mẹ đều cho là “quái đản”, “điên rồ”. Với mẹ, tôi luôn sai, mẹ luôn đúng. Tôi thực sự không biết làm thế nào để là một đứa con tốt, và được sống theo ý muốn của mình thì sẽ ra sao?
* Chị Trương Mỹ Nga (giáo viên Trường THPT Sào Nam, Quảng Nam): Băn khoăn của bạn Trang có lẽ nhiều bạn trẻ cũng gặp phải. Một khi các bạn băn khoăn điều này chứng tỏ bạn vẫn muốn làm một đứa con tốt. Theo tôi, đứa con tốt không hẳn là phải vâng lời, phải giỏi, phải làm ra tiền. Đứa con tốt là biết vì gia đình, biết giữ nền nếp gia đình. Khi được sống với lựa chọn chín chắn của mình, các em sẽ có trách nhiệm và lạc quan hơn, điều đó sẽ làm ba mẹ vui mừng.
* Nhà báo Ý Cơ (Báo Giáo Dục TP.HCM): Nghe Trang kể, tôi thấy hình như ở gia đình bạn đang thiếu sự lắng nghe, sự chia sẻ của cha mẹ với con cái, hoặc sự chia sẻ của ba mẹ bạn đã không thành công.
Bản thân tôi nhiều khi cũng điên đầu vì những quyết định rất riêng của con. Nhưng rồi tôi cũng phải kìm nén để lắng nghe và tôn trọng con. Tâm lý của tuổi mới lớn chịu nhiều tác động của môi trường, cha mẹ cần cập nhật tình hình xã hội để hiểu những điều đang tác động đến con mình.
Phụ huynh cũng có những tâm tư và ước mơ của họ, và cần được các con chia sẻ. Vì vậy, con cái nên lắng nghe nguyện vọng của cha mẹ mình, đồng thời, chia sẻ với cha mẹ về những gì mình có thể và chưa thể làm được.
* Nguyễn Phương Uyên (sinh viên ngành Hán Nôm ĐH KHXH&NV TP.HCM): “Quyền cha mẹ” chính là hàng rào ngăn cách giữa tôi và bố mẹ. Lúc nhỏ, tôi phản ứng nhiều với “quyền” ấy của bố mẹ. Bây giờ, tôi cố gắng làm theo ý bố mẹ hoặc lẳng lặng làm theo cách của mình.
Vào đại học, tuy trường khá gần nhà nhưng mẹ vẫn đồng ý cho tôi ra ngoài ở riêng để học cách tự lập. Nói vậy để thấy mẹ tôi là người khá “thoáng” và rất tin tưởng tôi. Nhưng không vì thế mà mẹ thôi áp đặt quyền của mình lên suy nghĩ của tôi. Cuộc sống bon chen mấy mươi năm khiến suy nghĩ của bố mẹ đã ít nhiều “thực dụng”, mẹ không tài nào chấp nhận những suy nghĩ mông lung của con gái. Biết là mẹ luôn muốn tôi có được lựa chọn đúng đắn, nhưng tôi còn quá trẻ, tôi cần có một giai đoạn được sống đúng với đam mê hiện tại của mình. Vì sự khác biệt này, lắm lúc rời giảng đường trở về nhà, tôi lại thấy cô đơn bủa vây.
Người tôi yêu thương nhất trên đời vẫn là bố mẹ, nhưng sau này tôi sẽ cố gắng để không phạm phải những sai lầm mà mẹ đã mắc phải với tôi.
Chị Trương Mỹ Nga: Phương Uyên đã nói thật lòng mình. Là một người mẹ, tôi thấy cái “quyền cha mẹ” mà bạn nhắc tới không hề sai, bởi trước khi làm mẹ, tôi cũng đã là con. Chúng tôi cũng đã trải qua giai đoạn “muốn nổi loạn” như các bạn bây giờ. Nhưng, điều làm các bạn khó chịu nhất và làm mẹ đau lòng nhất là các bạn không tâm sự thật lòng mình với cha mẹ. Là mẹ, chúng tôi luôn muốn biết con mình có khó khăn gì không. Vì thế, có người thì bắt con ru rú bên mình, có người đọc trộm nhật ký, đọc trộm tin nhắn của con... Uyên nói sẽ không tái diễn lại sai lầm của mẹ. Nhưng Uyên hãy tin tôi, bạn sẽ bị con bạn nói về bạn y như thế đấy, bởi thế người ta mới nói, “khi con làm mẹ, con sẽ hiểu tấm lòng của mẹ”, bạn ạ.
Nhà báo Ý Cơ: Những kinh nghiệm của người đi trước có thể đúng với thế hệ của họ, nhưng chưa chắc đúng với hoàn cảnh, điều kiện xã hội mà con họ đang sống. Trong khi người trẻ luôn có xu hướng phải khác đi, phải có những cái mới, cái hay so với trước. Một bên dùng quyền, “cưỡng ép” thế hệ sau phải giống mình, phải theo quyết định của mình. Một bên cố gắng khẳng định mình bằng cách phủ phận những giá trị của thế hệ trước, thậm chí cố tình làm ngược, làm trái, bất chấp đúng sai. Điều này sẽ chỉ làm cha mẹ, con cái dần xa nhau. Tôi tin chỉ có một cách duy nhất để hóa giải khoảng cách này, là đối thoại.
* Trần Hà My (sinh viên ngành Marketing, ĐH Kinh tế TP.HCM - con gái chị Trương Mỹ Nga): Tôi may mắn hơn nhiều bạn bè khi có ba mẹ hiểu tâm lý mình và còn “xì tin”, việc chia sẻ, tâm sự vì thế cũng dễ dàng hơn, thế nhưng, tôi vẫn hay gặp khó khăn trong việc tạo dựng niềm tin với ba mẹ.
Cách đây không lâu tôi có đăng ký vé du lịch nước ngoài cùng nhóm bạn, nhưng bị ba ngăn cản vì ba mẹ không tin là tôi có thể xoay xở tốt ở một đất nước xa lạ. Thuyết phục ba mẹ không được, tôi chấp nhận bỏ tấm vé khứ hồi đó, vì không muốn đánh đổi niềm vui khám phá của mình bằng sự lo lắng, bất an của ba mẹ.
Sau chuyện đó, tôi cứ băn khoăn, bao giờ mới có được niềm tin từ ba mẹ đây khi trong mắt ba mẹ, con luôn là đứa con bé bỏng.
Không bỏ cuộc, vài tháng sau tôi lại đặt vé đi tiếp. Lần này, tôi viết một “tâm thư” thiệt dài gửi cho ba, trong đó nói ra những cơ sở để lấy được niềm tin của ba mẹ và chi tiết lịch trình chuyến đi, cũng như cách xoay xở với những khó khăn mà ba mẹ nghĩ tôi có thể gặp phải. Cuối cùng ba mẹ đã hiểu và đồng ý.
Nhà báo Ý Cơ: Tôi nghĩ câu chuyện của Hà My là câu trả lời chung cho tất cả các bạn trẻ: muốn cha mẹ “thôi” lo lắng, thôi can thiệp “quá đáng” vào cuộc sống riêng, điều đầu tiên, các bạn phải tạo được sự tin tưởng, chứng tỏ được sự vững vàng của bạn trước những cám dỗ bên ngoài. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh và cả sự kiên nhẫn của bạn.
Minh Trâm
(thực hiện)
cám dỗ, bản lĩnh, kiên nhẫn, lắng nghe