Khi con đã lớn

Cháu gái hư

PNCN - Con trai tôi ly hôn, có vợ khác, giao con gái của nó cho vợ chồng tôi nuôi từ lúc bốn tuổi, đến bây giờ được 17 tuổi. Vợ chồng nó “khoán trắng” việc chăm sóc, nuôi dạy con cho vợ chồng tôi.

Nhà tôi buôn bán tạp hóa, cháu cứ trộm tiền để mua sắm quần áo, nữ trang, điện thoại. Điều tôi lo hơn là cháu có tính lẳng lơ. Cháu có ngoại hình khá xinh nên nhiều cậu ve vãn, rủ đi chơi. Ai rủ cháu cũng đi và có biểu hiện rất “cởi mở” với nhiều người. Cháu thường bỏ học, đi chơi đến khuya, để mặc tôi thức canh cửa, gọi điện thì cháu chửi lại rất hỗn rồi tắt điện thoại. Có khi cháu đi đâu mấy ngày mới về. Vợ chồng tôi hết lòng lo cho cháu, kiên trì hỏi han, dỗ ngọt nhưng cháu phớt lờ mọi lời khuyên. Sợ cháu sớm hư, vợ tôi khóc hết nước mắt. Tôi phải làm sao? Tôi có thể đưa cháu lên phường, nhờ răn đe cháu được không?

Văn Công (Bình Dương)

Bác Văn Công mến,

Hai bác đã rất vất vả khi phải vừa làm ông bà, vừa làm cha mẹ thay cha mẹ cháu. Vốn dĩ vai trò dạy con phải do cha mẹ đẻ chịu trách nhiệm, và cũng chỉ có cha mẹ đẻ mới có mối quan hệ trực tiếp gắn bó để điều chỉnh hành vi của trẻ. Ông bà dù muốn cũng khó có thể thay thế hoàn toàn vai trò cha mẹ của cháu.

Cháu gái của bác lại đang tuổi mới lớn, chưa hẳn đã là người lớn trong tính cách nhưng lại muốn chứng tỏ mình đã lớn, coi mình có toàn quyền trong cuộc sống. Cháu đã phải chịu ảnh hưởng của cuộc ly hôn giữa cha và mẹ từ khi bốn tuổi, là giai đoạn rất cần gần gũi cha mẹ.

Trong hoàn cảnh đó, cháu gái của bác đã rất khó khăn để vượt qua. Những gì chất chứa trong tâm trí của cháu đã và đang bộc lộ ở giai đoạn cháu trưởng thành. Những biểu hiện lẳng lơ, dễ dãi, cởi mở… với bạn khác giới là những phản ứng lệch lạc khi cháu không được học cách ứng xử, tôn trọng chính cơ thể mình. Hơn nữa, tuổi mới lớn thường hay bướng bỉnh, cãi lại cha mẹ, ông bà, thích làm theo ý mình, gần bạn, nghe bạn hơn người thân. Ngay cả trẻ có hoàn cảnh gia đình bình thường cũng có hiện tượng đó. Tôi mong bác hiểu những khó khăn của cháu để cùng giúp cháu vượt qua giai đoạn này.

Nếu có thể, hai bác tìm cách nói chuyện, chia sẻ để cháu thấy ông bà thấu hiểu khó khăn của cháu. Hoặc hai bác có thể tìm người mà cháu tin cậy nói chuyện cùng cháu. Cháu đang cần được giúp đỡ từ những người cháu có thể trải lòng và thấu hiểu cháu chứ không phải những hình thức la mắng, bắt ép. Vì thế, việc bác tính nhờ công an răn đe cháu là không phù hợp, có thể làm cho mối quan hệ ông bà - cháu càng xa cách, càng khó định hướng cho cháu về sau.

Đọc tâm sự của bác, tôi nhận thấy bác thương cháu mà đang chiều cháu, nhịn cháu nhiều hơn là nghiêm với cháu. Ông bà vì thương nên đối xử có phần nương nhẹ với cháu. Cháu ăn cắp tiền, bỏ học, đi chơi khuya, bỏ nhà đi mấy ngày, dám mắng chửi ông bà… là những hành vi xấu cần có biện pháp xử phạt nghiêm, phân tích cho cháu biết hậu quả của những hành vi đó. Đặt giới hạn cho cháu biết điều gì được làm và điều gì không được làm là rất quan trọng. Nếu chỉ dỗ ngọt, khóc lóc, kêu gọi cháu biết yêu thương ông bà già yếu thì chưa đủ.

Hai bác có thể bàn bạc với cha mẹ cháu, tuy họ không sống cùng nhưng họ cần có trách nhiệm chia sẻ việc dạy con với ông bà. Khi bác nói lên những khó khăn hiện nay của cháu, có thể sẽ là sự cảnh tỉnh họ quay về chăm lo, quan tâm hơn đến con gái. Ngoài ra, mối quan hệ bạn bè, thầy cô, họ hàng cũng là những nguồn lực trợ giúp quan trọng để ông bà giúp cháu.

Phạm Thị Thúy - Chuyên viên tâm lý

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

www.phunuonline.com.vn

Cháu gái hư


© 2021 FAP
  874,553       1/1,167