Khi con đã lớn

Con hướng ngoại

PNCN - Con trai tôi 17 tuổi, học giỏi, là bí thư đoàn, lớp trưởng nhiều năm liền. Vợ chồng tôi rất tự hào về cháu. Mỗi lần đi họp phụ huynh lại được nghe giáo viên chủ nhiệm khen...

Bạn bè bỏ học, cháu đến nhà động viên bạn tiếp tục đến trường, phát động cả lớp quyên góp tiền giúp bạn vượt qua khó khăn. Bạn nào gặp chuyện buồn, gút mắc hay khó khăn trong học tập, cuộc sống, cháu đều tìm đến, giải tỏa, chia sẻ. Năm rồi, cùng gia đình đi du lịch xa, mới về tới nhà, cháu đã vội xách xe đi tổ chức sinh nhật cho một bạn trong nhóm. Tôi bảo cháu ở nhà vì tôi bị nhức chân, đau đầu sau chuyến đi nhưng cháu nhất định ra ngoài vì “không có con, tụi kia không làm gì ra trò”, cháu bảo tôi chờ cháu về sẽ phụ giúp. Tốt bụng, nhiệt tình với người ngoài nhưng cháu ít quan tâm, chăm lo người thân trong gia đình. Đó là một khoảng trống khiến tôi nhiều khi hụt hẫng. Tôi không biết vợ chồng tôi đã làm gì để cháu thờ ơ, vô tâm với người nhà. Hay vì vợ chồng tôi khá giả, cuộc sống ổn định nên không phải là nơi để cháu đặt lòng trắc ẩn của mình? Với vợ chồng tôi, cháu rất lễ phép, mối quan hệ không có vấn đề gì ngoài tình trạng cháu ít gần gũi, đỡ đần cho người trong nhà. Chúng tôi có đòi hỏi quá nhiều đối với cháu không khi cháu đã quá tốt, là một học sinh ưu tú, một thanh niên có trách nhiệm xã hội? Nếu sự thiên lệch hướng nội – hướng ngoại như thế là bất ổn và khó mong cải thiện khi cháu trưởng thành thì chúng tôi phải làm cách nào để xoay hướng quan tâm của cháu về với gia đình?

Nguyễn Thị Phượng (Q.1, TP.HCM)

Chị Phượng mến,

Chị thật hạnh phúc khi có người con biết yêu thương, chia sẻ, sẵn lòng vì mọi người, có khả năng lãnh đạo, học giỏi… Có lẽ nhiều người làm cha mẹ cũng ước mong con họ được như cháu nhà chị. Cháu đặt nhiều sự quan tâm của mình ra bên ngoài thì sẽ ảnh hưởng đến sự quan tâm ở chính gia đình mình. Thời gian, tâm trí… của chúng ta không thể cùng một lúc làm được nhiều việc. Chị cũng đã tự lý giải cho những hành động của con mình là do “vợ chồng chị là khá giả, cuộc sống ổn định nên không phải là nơi để cháu đặt lòng trắc ẩn của mình”. Cháu đang hướng sự quan tâm tới những nơi, những người cần cháu. Làm cha mẹ ai cũng mong được con quan tâm, chăm sóc, đỡ đần. Có lẽ cuộc sống đủ đầy khiến cháu không nhận ra dù bố mẹ có dư thừa vật chất, nhưng vẫn luôn cần tình yêu thương, sự quan tâm của con cái.

Chị không đòi hỏi nhiều ở cháu mà chỉ là đang tha thiết mong con gần gũi mình hơn. Cháu đã 17 tuổi, đang dần độc lập, không còn phụ thuộc cha mẹ, coi trọng bạn bè và hoạt động xã hội hơn cha mẹ… Điều đó làm chị hụt hẫng, băn khoăn, lo lắng về tình mẹ con.

Chị có thể giúp cháu hiểu hơn về mong đợi của cha mẹ đối với cháu bằng cách nói chuyện nhiều hơn với cháu; quan tâm đến cháu hơn; chia sẻ những vui buồn, khó khăn của cha mẹ với cháu như một người bạn… Từ đó, cháu sẽ sớm nhận ra cha mẹ cần gì ở mình. Cháu sẽ thêm gắn kết với cha mẹ, gia đình. Có lẽ cháu cũng đang cần một cảm giác ấm áp mỗi khi về nhà, một tình cảm cha mẹ con cái gắn bó hơn. Nhưng, cháu lại không thể chủ động do mối quan hệ cha mẹ và con cái xưa nay đã có khoảng cách, không giống những quan hệ ngoài xã hội, nơi mà cháu luôn được chào đón, được chứng tỏ năng lực của mình, được mọi người cần đến.

Thay vì buồn lo về cháu, chị có thể chủ động tạo dựng quan hệ bạn bè với cháu. Đến một lúc nào đó, cháu sẽ chợt nhận ra cha mẹ mới là người cần mình quan tâm nhất.

Chuyên viên tham vấn Phạm Thị Thúy

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

www.phunuonline.com.vn

bạn bè, cha mẹ, quan tâm


© 2021 FAP
  874,450       1/1,173