Khi con đã lớn

Hun đúc tình yêu quê hương cho trẻ

PN - Tình yêu Tổ quốc được ươm mầm, hun đúc trong từng mái ấm từ những điều giản đơn nhất…

Khơi Tình yêu đất nước từ những điều dung dị, gần gũi

Là người làm trong ngành du lịch, với chị Nguyễn Vũ Hàn Ny (Công ty cổ phần lao động Hội An), tình yêu đối với những cảnh sắc quê nhà đã trở thành hơi thở, nên cách chị truyền tình cảm ấy sang con cũng giản dị, tự nhiên. Theo chị, tình yêu quê hương, đất nước khởi đi từ những điều dung dị, gần gũi nhất, vậy nên sự hiểu biết và lòng trân quý vẻ đẹp của Hội An là điều đầu tiên chị muốn gửi gắm cho con. Những ngày Anh Tú, con trai chị còn bé, chị hay dắt con đi bộ trên đường Bạch Đằng để vào chợ Hội An, rồi dạy con chào hỏi những cô chủ hàng quen, hoặc nói với con về những chuyến đò đang rời hoặc cập bến. Chị Ny chủ ý dạy con niềm nở chào hỏi, mỉm cười với những người không quen biết vô tình gặp gỡ trên đường. Chị chia sẻ: “Thành phố này dễ khiến người ta yêu, nhưng tôi muốn con yêu Hội An bằng tình cảm thân thương, máu thịt, cho xứng đáng với mảnh đất đã sinh ra và cùng con trưởng thành”.

Hai mẹ con chị Hàn Ny
 

“Con trai mới 10 tuổi nhưng tôi tin con đã ghi nhận khá trọn vẹn tình cảm ấy nơi mẹ. Một lần tình cờ, tôi nghe con hồn nhiên khoe với người anh bà con xa về những đêm đèn lồng phố Hội, những chuyến đò chở khách dạo chơi sông Hoài, rồi lè lưỡi, rụt vai khi nhắc tới những trận lụt kinh hoàng từng ghé qua Hội An mà con được chứng kiến. Tôi nghĩ, nếu trong lòng đã ghi khắc những hình ảnh quê hương, thì tình yêu đất nước sẽ được nhân lên từ đó”, chị bộc bạch.
 

Mẹ con chị Bảo Ngọc

“Gieo vào con những thói quen tốt, từ đó âm thầm ươm mầm tình yêu đất nước” là cách mà chị Đỗ Bảo Ngọc (ngụ P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang thực hiện, dù Boo (con của chị Ngọc) mới lên ba. Chị Ngọc cho biết: “Với tôi, những ấn tượng đầu đời của trẻ là cực kỳ quan trọng, người mẹ phải tạo ra những ấn tượng mang tính định hướng từ khi con còn nhỏ. Mọi thứ tôi có thể làm là gieo vào con tình yêu với những điều nhỏ bé và cụ thể: Biết yêu động vật, yêu người thân, yêu thiên nhiên, thì sau này mới có được tình yêu Tổ quốc. Hồi Boo mới biết đi, tôi rất… đau đầu khi thấy Boo có dấu hiệu rất ghét chó, luôn xua đuổi, đánh đập mỗi lần thấy chó đến gần. Hơn thế, một lần, thấy ba vội vàng giết một con kiến lửa đang bò lên chân mình, bé Boo cũng bắt đầu… tìm diệt kiến. Trò chuyện với con, tôi nhân cách hóa tất cả các con vật để tạo cho con cảm giác gần gũi. Bắt gặp Boo giết kiến, tôi làm vẻ mặt buồn rầu: “Bạn kiến đang về với mẹ, Boo giết kiến, kiến không về được tới nhà, mẹ kiến buồn lắm đấy!”. Dường như Boo hiểu ra, mếu máo, rồi òa lên khóc. Với loài chó cũng vậy, Boo đã trở thành cô chủ thân thiện với chú chó cưng.

Khi con bắt đầu chung sống chan hòa với thế giới bé nhỏ xung quanh, tôi bắt đầu tập cho con những thói quen của một công dân tốt. Từ lúc Boo hai tuổi, tôi đã cố tình “biểu diễn” màn bỏ rác vào sọt; tắt điện, tắt quạt trước khi ra ngoài trước mặt con. Lớn hơn một chút, việc tắt quạt trước khi ra ngoài hay bỏ rác vào sọt trở thành “nghĩa vụ” của Boo, tôi phải thường xuyên nhắc nhở con làm đúng. Tôi nghĩ, một người trưởng thành, trước hết phải thể hiện được mình là công dân tốt từ những hành động nhỏ nhất như tiết kiệm điện hay giữ môi trường thật sạch đẹp,
văn minh”.

Đưa hình ảnh quê hương vào cuộc sống thường nhật

Chị Ngô Thị Phương Thảo (Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa) cho rằng, chẳng ai có sẵn tình yêu quê hương, Tổ quốc mà phải được bồi đắp qua từng ngày. Chị nói: “Bản thân tôi được ảnh hưởng từ lời ru của mẹ rất nhiều. Trong những lời ru thuở ấu thơ ấy thấm đẫm hình ảnh, giai điệu, tinh thần, tình yêu quê hương. Bây giờ có con, tôi cũng gieo vào lòng các con tình yêu quê hương theo cách ấy. Dạy con biết yêu quê hương không phải bằng những khái niệm sáo rỗng, giáo điều xa xôi. Một đứa trẻ biết tự hào về dân tộc mình, nguồn gốc mình, sẽ là một đứa trẻ ít làm điều sai quấy. Một đứa trẻ biết ơn những người đã khai khẩn, bảo vệ  và vun đắp không gian bé đang  sống, từng tấc đất bé đang đi, từng cuốn sách bé đang đọc, sẽ là một đứa trẻ giàu lòng vị tha, nhân ái và sâu sắc. Điều đó giúp bé dễ hòa hợp hơn với cộng đồng, biết nhìn mọi sự vật, sự việc có chiều sâu và tình cảm hơn. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên cho các con tham gia các câu lạc bộ thơ, kịch ở trường lớp, ở địa phương để hóa thân vào các nhân vật anh hùng chống ngoại xâm, khuyến khích con làm thơ, viết truyện về lịch sử”.

Tương đồng với cách dạy con của chị Phương Thảo, anh Nguyễn Minh Hải (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) luôn ý thức đưa nội dung quê hương vào những cuộc trò chuyện với hai con gái. Anh Hải chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi hay kể về những người thân của mình, về cuộc sống của họ, về những kỷ niệm của tôi với người thân, về quê hương với những con người, những kỷ niệm cụ thể đó… Để dạy các con nhớ về quê Bến Tre, từ lúc các con mới biết nói, tôi đã dạy “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre/ Thấy bông lúa đẹp thương về Cần Thơ”, rồi kể chuyện hồi nhỏ tôi được bà nội làm nhiều món ăn có dừa, được ba dạy cho cách trồng dừa, cách chọn quả dừa nào vừa ăn… Những chuyện kể đó dần ăn sâu vào máu thịt để các cháu có được cả tình cảm họ hàng, nguồn cội và quê hương.

Các con của chị Phương Thảo được xem mô hình đời sống người dân Nam bộ xưa
 

Tôi cũng hay đưa các con đi công viên chơi, nhất là các nơi có tính giáo dục truyền thống. Thỉnh thoảng cả nhà đi Bình Quới, Văn Thánh, công viên văn hóa lịch sử, nơi có dòng sông, bến nước, con đò, có những giàn bầu, ruộng lúa nho nhỏ cùng mấy cây cầu khỉ… Trước những hình ảnh rất thật đó, tôi cũng hay kể chuyện cuộc sống ngày trước, để các con thấy có sự liên hệ giữa xưa và nay, cũng như thấy được sự thay đổi của xã hội, của đất nước, sự đóng góp của các bậc tiền nhân…”.

Không chỉ kể, anh Hải còn giúp hai cô con gái cảm nhận rõ hơn qua những “chuyến đi thực tế”. Anh đưa các con đi một số bảo tàng để giới thiệu về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Có lần, đứng trước các cọc gỗ cắm trên sông Bạch Đằng hay tranh vẽ trận phục kích của quân ta trên sông này ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, con gái của anh (khi ấy học lớp 3) đã đọc lại các bài lịch sử về chiến công chống giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng với sự phấn khích.

Bé Trúc Giang, Minh Tâm (con gái anh Nguyễn Minh Hải) tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM

Trần Triều - Minh Trâm

Chuyên viên tư vấn Phạm Thị Thúy: Sớm cho trẻ tìm hiểu về cội nguồn, tổ tiên

Cha mẹ nên dạy con bằng những bài học hết sức gần gũi bằng chính hành động của mình: luôn bày tỏ bằng cử chỉ, lời nói, hành động cho con biết cha mẹ yêu con. Đơn giản với trẻ nhỏ là ôm hôn, với trẻ lớn là sự lắng nghe, là sự chấp nhận quan điểm của con, cho con tham gia vào các công việc của gia đình. Khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương, trẻ sẽ sống hạnh phúc và biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Hơn thế, cần cho con biết về cội nguồn ông bà, tổ tiên, quê cha đất tổ ngay từ bé bằng cách kể chuyện cho con nghe, dành thời gian cho con về thăm quê, thắp hương, cúng giỗ. Mọi thứ phải được nuôi dưỡng một cách tự nhiên khi con còn tấm bé.


Ngoài ra, cha mẹ nên mua những truyện tranh lịch sử cho con đọc, đọc cùng con, kể chuyện lịch sử cho con nghe. Qua những trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của cha ông, các con sẽ ngấm dần tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Dịp Biển Đông đang “dậy sóng” này, cha mẹ cũng nên để con cái cùng theo dõi thông tin thời sự về vấn đề này để cùng bàn luận. Qua đó, nói với con về chiến tranh, về nghĩa vụ của mỗi người dân.

Diệu Hiền (ghi)

www.phunuonline.com.vn

thông tin, bàn luận, lịch sử


© 2021 FAP
  874,409       1/1,171