PNCN - Hôm qua, tổ chức sinh nhật lần thứ 13 cho con gái tại nhà, tôi khá sốc khi nghe bạn cháu gọi cháu là “bà điệu”, càng sốc hơn khi thấy cháu không tỏ vẻ giận...
Trong nhóm, chỉ có hai cô bạn trông kiểu cách ăn mặc, nói năng khá sành điệu thì đấy là hai bạn thân nhất của cháu. Đặc biệt, cháu rất thích sưu tầm quần áo, giày, mắt kính thời trang. Mua được đồ ưng ý, cháu vui thích lắm, nhưng chỉ một vài tuần là chán chê, đòi mua kiểu mới. Nếu tôi không chiều theo, cháu cứ phụng phịu, cáu gắt hoặc không nói chuyện, không chịu học bài.
Cách đây hai năm, cháu bắt đầu chú tâm đến sắc đẹp. Đi đâu, cháu cũng đem theo cái gương nhỏ, chốc lát lại soi. Ai hỏi đến, cháu hết hồn, bối rối, vuốt tóc, bẻ ngón tay, cắn môi rồi mới trả lời. Hồi 12 tuổi, cháu đã đòi nhuộm tóc, uốn lông mi, lén trang điểm khi ra đường, đi chơi. Cháu không chú tâm học bài mà cứ lo tải hình lên Facebook. Tối ngày, cháu cứ lên mạng tìm hàng mới, hàng độc. Tiền tôi cho ăn sáng, cháu không ăn vì sợ mập (mặc dù cháu không hề mập), cháu lấy tiền để mua sắm, làm đẹp… Xem phim, cháu chỉ toàn để ý, bình phẩm trang phục, kiểu tóc, màu son, nón, túi xách… của nhân vật. Vợ chồng tôi ăn mặc giản dị, không se sua, phô trương, sao cháu không bắt chước? Tôi sợ cháu quá chú trọng hình thức sẽ trở thành người nông cạn, hời hợt và đua đòi nhưng không biết xử trí cách nào với “cô nương xí xọn” của mình.
Tâm Ước (Q.Tân Bình)
Chị Tâm Ước mến,
Cháu nhà chị đang tuổi dậy thì. Tâm lý tuổi này thích bắt chước bạn bè, thích mình được bạn bè ngưỡng mộ, muốn khẳng định bản sắc của mình. Có trẻ thích chứng tỏ mình học giỏi, chơi thể thao giỏi, cũng có trẻ thích mình là người “ăn chơi, sành điệu” hơn các bạn… Vì vậy, cháu không bắt chước cha mẹ ăn mặc giản dị mà bắt chước bạn gái sành điệu, đua nhau làm cho mình nổi bật hơn bạn… cũng là điều dễ hiểu.
Chị sợ cháu đua đòi, quá trọng hình thức mà trở nên nông cạn, hời hợt, học kém? Điều lo lắng này của chị có thể xảy ra nếu cháu không được định hướng đúng. Anh chị cần rất nhiều sự kiên trì và mềm mỏng. Càng áp đặt cháu sẽ càng có phản ứng tiêu cực.
Anh chị có thể trò chuyện với cháu về nhu cầu làm đẹp. Ba mẹ không phản đối, con gái ăn mặc gọn gàng, sạch đẹp, ba mẹ rất vui. Chị góp ý cho cháu bộ nào đẹp, bộ nào không phù hợp. Thỉnh thoảng chị có thể cùng cháu đi sắm đồ cho cháu và chị để cháu hiểu mẹ chọn đồ như thế nào, cân nhắc khả năng tài chính ra sao.
Anh chị cũng nên cho cháu biết khả năng tài chính của ba mẹ. Thỉnh thoảng có thể họp gia đình đưa ra các quy định chi tiêu chung cho cả nhà. Tiền mua thức ăn, tiền mua quần áo,… được phép mỗi người một năm bao nhiêu. Khi có quy định chung, cháu sẽ không đòi mua theo cảm hứng nữa. Chị cũng nên khuyến khích con tự làm việc kiếm tiền để mua đồ con thích; tìm dịp nhỏ to tâm sự với cháu về cái đẹp của sự khỏe mạnh để cháu không nhịn ăn lấy tiền mua quần áo. Thậm chí chị có thể ra quy định nếu không ăn, mẹ sẽ cắt tiền ăn.
Cháu là người thích làm đẹp, thích phối đồ cho trang phục… chị hỏi cháu xem cháu có thích nghề thiết kế thời trang không? Từ thói quen của cháu, chị có thể định hướng nghề nghiệp cùng cháu, nhắc cháu chú tâm học thì mới thi đỗ vào ngành thiết kế thời trang.
Anh chị nên cảm thông, bao dung với con gái tuổi “xí xọn” này để đủ kiên nhẫn định hướng lại cách sống cho cháu. Tôi tin cha mẹ luôn là tấm gương cho con noi theo. Anh chị là người sống giản dị thì cháu cũng sẽ nhìn mà học theo. Chỉ là giai đoạn nhạy cảm tuổi dậy thì nên cháu đang đua theo bạn bè. Anh chị yêu thương cháu, sẽ giúp cháu định hướng đúng trong tương lai.
Chuyên viên tham vấn Phạm Thị Thúy
Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn
tương lai, định hướng, gia đình