PN - Một lần nọ, chị gái tôi nổi cáu với con - một bé trai mới học lớp 1: “Con phải biết cái gì là quan trọng chứ! Ngày mai đi học rồi mà bài tập còn chưa làm xong...
Tôi tự nghĩ không biết cháu tôi có hiểu được việc nào là quan trọng nhất, việc nào ít quan trọng hơn, rồi “tự chịu trách nhiệm” là gì, vì sao phải tự chịu trách nhiệm?
Một lúc sau, áng chừng cháu đã nguôi ngoai và thoải mái hơn, tôi vào an ủi và kể cho cháu nghe một câu chuyện. Đó là câu chuyện về Nhím Pokey. Pokey chỉ thích nằm dài trên võng suốt ngày và thổi kèn harmonica. Cháu tôi bắt đầu vui lên: “Cháu cũng giống Pokey, cháu thích nằm ghế salon suốt ngày để vẽ tranh”. Pokey có một bài kiểm tra đánh vần vào cuối tuần. Nhưng mỗi ngày, cậu đều mải mê làm những việc khác, đến tối mệt quá lại lăn ra ngủ mà không kịp học bài. Đến sát ngày thi cậu mới học, nhưng bài quá nhiều, cậu không thể học hết trong một đêm. Cuối cùng Pokey đã trượt trong kỳ thi đó. Sau khi nghe xong câu chuyện, bé hiểu ngay rằng “việc học bài là việc quan trọng nhất mà Pokey không lo làm nên cuối cùng đã thi trượt”. Tôi cùng cháu thảo luận thêm một lúc nữa, thống nhất mỗi ngày cháu sẽ học bài xong rồi mới làm những việc khác.
Câu chuyện mà tôi kể cho cháu nghe nằm trong cuốn sách 7 thói quen để trẻ trưởng thành (Sean Covey, NXB Trẻ). Cuốn sách kể về xứ sở bảy cây sồi với các bạn nhỏ: Gấu Goob, Thỏ Jumper, Chồn Lily, Sóc Sammy, Sóc Sophie, Nhím Pokey, Allie Bám Đuôi và Sâu Ernie. Mỗi nhân vật đều có những tính cách, sở thích riêng mà khi đọc, các em sẽ dễ dàng nhận ra bản thân mình trong đó. Cuốn sách được viết dưới dạng những câu chuyện ngắn, được minh họa sinh động. Những tình huống được kể, cảm xúc, suy nghĩ và cách giải quyết của các nhân vật đều gần gũi với trẻ. Nhờ vậy mà những bài học có vẻ phức tạp (ngay cả đối với người lớn) như “tự chịu trách nhiệm”, “lên kế hoạch”, “ưu tiên việc cần thiết”, “đôi bên cùng có lợi”, “lắng nghe”, “hợp tác”, “cân bằng”, trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn với trẻ.
Trẻ sẽ tìm thấy sự đồng cảm từ những nhân vật trong cuốn sách này, còn phụ huynh thì sẽ đồng cảm hơn với con. Điều đặc biệt, sau mỗi câu chuyện là “Góc phụ huynh”. Phần này sẽ hướng dẫn cha mẹ cách thảo luận với trẻ để con tự rút ra và hiểu bài học được chuyển tải trong câu chuyện.
KIỀU THÙY LINH (Giáo viên Trường ngoại khóa TOMATO)
trẻ trưởng thành, phụ huynh, thảo luận