Khi con đã lớn

Nêu gương dễ bị ‘phạm thuốc’?

PNO - Giáo sư Ngô Kiều Nhi: “Sao không để con được là chính mình mà phải cố gắng giống người khác? Sao không để con tự tin sống và phát huy những thế mạnh, bản sắc riêng?”.

 “Kìa, nhìn bạn ăn giỏi chưa? Bạn ngồi im, há miệng to, mới mười phút đã ăn hết chén cháo. Giờ bé cũng ráng ăn giỏi giống vậy nhé’. “Bạn lớp trưởng lớp con thật tuyệt. Người đã xinh xắn lại hát hay, học giỏi. Con mà được “một góc” của bạn thì đỡ biết mấy!’... Từ khi con còn rất nhỏ, các bậc cha mẹ đã áp dụng phương pháp nêu gương người khác để bé “trông người ngẫm ta” và học tập, làm theo. Đây được xem là chiêu thức để hướng con thực hiện đúng điều cha mẹ mong muốn mà không phải dùng đến đòi roi, bạo lực. Phương pháp nêu gương trong giáo dục trẻ hiệu quả đến đâu, có phải cha mẹ càng “nêu” thì trẻ sẽ càng tiến bộ?

Đúng lúc đúng chỗ mới… thiêng!

“Trong giáo dục học đường cũng như giáo dục gia đình, tuyên dương những việc tốt mang lại rất nhiều lợi ích, vừa động viên, khuyến khích hành động của chính trẻ ấy và những trẻ khác. Tuổi nhỏ, nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc, trẻ chưa biết hành động nào là nên làm và không nên làm. Vì thế, việc nêu gương là rất quan trọng, cho trẻ hình mẫu về cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống để hướng tới” – cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu (Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM) khẳng định.

Gia đình cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu đầm ấm, vui vầy trong chuyến du lịch Đà Lạt

Với con gái đầu - Thụy Khanh, cô Nguyệt Thu thú thật đã vận dụng phương pháp nêu gương hơi… “quá liều”. Cô thường đưa tờ báo có đăng câu chuyện về tấm gương nghị lực cho con xem hoặc kể chuyện mắt thấy tai nghe trên thực tế và thường nói kèm: “Người ta khó khăn vậy mà vẫn vượt lên được, còn con có điều kiện thuận lợi hơn nhiều nên phải phấn đấu học giỏi”. Cô còn kể lại tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn của mình để con có động lực và không nản chí trước những thử thách trong học tập và cuộc sống. Hiệu quả khá rõ nét là Khanh học rất giỏi, từng đoạt giải nhất cấp thành môn Hóa năm lớp 9 và nhiều giải thưởng khác, tuy nhiên cũng có mặt trái là mỗi lần “bị” điểm khá, Khanh lại lo rầu, buồn bã. Lần nghe Khanh nói “Con sợ ai biết con là con của mẹ vì mẹ giỏi còn con thì lại…”, cô Thu giật mình nhận ra việc nêu gương của mình ít nhiều tạo áp lực cho con.

Rút kinh nghiệm, với con gái thứ hai - Thụy Khuê, cô Nguyệt Thu không nêu gương vượt khó học giỏi một cách “đậm đặc”, tránh cho con nghĩ cha mẹ kỳ vọng về thành tích của con và ngoài học giỏi ra không còn yếu tố nào khác là quan trọng. Kết quả, Khuê vẫn học giỏi, lại thêm giao tiếp dạn dĩ, linh hoạt, có kỹ năng sống tốt; tinh thần luôn nhẹ nhàng, thoải mái. Tuy nhiên, thói quen nêu gương đã ăn sâu, cô Thu vận dụng lúc nào không hay. Mỗi khi ấy, Khuê nhắc: “Mẹ lại lấy chị hai để so với con nữa rồi!” khiến cô cười xòa. Thay vì cứ nói “Chị hai luôn tự giác học bài, sao con không như thế?”, cô Thu thử “đổi bài” - giúp Khuê lập thời gian biểu để chủ động việc học bài, vui chơi, sinh hoạt và Khuê đã chuyển biến tốt hơn hẳn. “Nếu nghe trẻ nói rằng, con biết người đó hay rồi, mẹ cứ nói hoài, con là con, còn họ là họ thì có thể cha mẹ đã lạm dụng phép nêu gương khiến con cảm thấy nhàm chán, không cần quan tâm. Nêu gương đúng lúc, đúng chỗ với liều lượng vừa phải thì mới hiệu nghiệm”- cô Thu nhấn mạnh.

“Đỉnh” khi là chính mình!

Cha mẹ hy vọng đưa đến cho con những tấm gương để soi, để “gần đèn thì sáng” đồng thời biết hổ thẹn, nhận thức sự sút kém của mình và tự hoàn thiện. Nhưng, nếu nêu gương là “thần dược” có thể biến đổi tính cách của trẻ như ý người lớn thì việc dạy con đã quá dễ dàng. Nêu gương là con dao hai lưỡi, phụ huynh cần thận trọng, coi chừng phản tác dụng!

Mỗi người có thể chất, năng khiếu, khả năng, hoàn cảnh, sở thích… khác nhau, không có khuôn mẫu vừa vặn cho tất cả. Mỗi người là một sự tổng hòa của nhiều tính cách, không ai là hoàn hảo, vượt trội về mọi mặt cũng không ai xấu đến mức đáng bị vứt bỏ. Lẽ khác, những tính cách của con người thay đổi không ngừng. Lỡ một ngày gương soi bị “bể” thì sự tin tưởng của trẻ đối với cha mẹ cũng sứt mẻ. Vì những điều đó, sẽ khập khiễng nếu cha mẹ nêu gương bằng con người thực thể, bắt con phải giống… “đỉnh”. Nếu nêu gương thì chỉ noi theo từng việc cụ thể, không học tập tất cả cuộc đời của người khác. Cha mẹ nên chỉ cho trẻ thấy và phân tích những lời nói, hành vi hay - dở, phù hợp - không phù hợp trong cuộc sống: vứt rác bừa bãi, nói chuyện oang oang trên xe buýt, đánh bạn hay lễ phép với người lớn tuổi, giúp đỡ người gặp hoạn nạn…

Tâm lý con người nói chung, trẻ nói riêng đôi lúc nhạy cảm quá mức cần thiết. Khi nghe khen một người khác, tự dưng ta thấy mình đang bị chê ngầm và sinh đố kỵ, ganh ghét, sân si, thậm chí xem tấm gương là “kẻ thù”, để lúc nào đấy phát hiện ra điểm nhược, sẽ bới móc, tung hê, đắc ý; trong khi yếu tố giúp trẻ thành công, hạnh phúc lại là thêm bạn bớt thù, nhân ái, yêu thương, trân trọng, nâng đỡ người khác.

Theo Giáo sư, tiến sĩ Ngô Kiều Nhi (Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM), nêu gương thật ra là so sánh ngầm mà ở đó con nhà mình nắm chắc phần thua. So sánh làm trẻ tổn thương đã đành mà biết đâu còn vùi dập năng lực bản thân, triệt tiêu nét riêng, lợi thế, sức sáng tạo vì khiến trẻ tự ti, phủ định những giá trị mà mình đang có. Định nghĩa giỏi trong xã hội có nhiều mặt, không có thước đo chuẩn để khẳng định trẻ này giỏi hơn trẻ kia. Dù trẻ học không xuất sắc nhưng có lợi thế khéo tay, hát hay, biểu cảm tốt, có thể lực, sức bền… nếu được công nhận, khuyến khích và mài giũa “mũi nhọn” ấy thì nhiều khả năng sẽ trở thành một nhân tài ở lĩnh vực sân khấu, mỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao… Cha mẹ giúp con tự tin về chính mình, học tập xung quanh để càng tự tin hơn, yêu và trân trọng bản thân để làm cho cuộc đời mình tỏa sáng, chứ không bị choáng ngợp bởi cuộc đời của ai khác.
 


HOÀI NHÂN

www.phunuonline.com.vn

nêu gương, so sánh, tổn thương


© 2021 FAP
  873,905       1/827